Thế giới

Nước Mỹ chia rẽ vì hôn nhân đồng tính

Phán quyết hợp thức hóa hôn nhân đồng tính tại tất cả các bang của Tòa án Tối cao Mỹ, được xem là một chiến thắng lịch sử cho phong trào đòi quyền lợi cho người đồng tính.

Phán quyết hợp thức hóa hôn nhân đồng tính tại tất cả các bang của Tòa án Tối cao Mỹ, được xem là một chiến thắng lịch sử cho phong trào đòi quyền lợi cho người đồng tính. 

Nhà Trắng chuyển màu cầu vồng sau khi Tòa án Tối cao cho phép các cặp đồng tính được quyền kết hôn trên toàn lãnh thổ nước Mỹ hôm 26.6.


Phán quyết ngày 26.6 của Tòa án Tối cao đồng nghĩa tất cả các bang của Mỹ phải cấp giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp đôi đồng tính và công nhận giấy kết hôn của các cặp đôi đồng tính đăng ký tại các bang khác trên nước Mỹ.
 
Quá trình hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính ở Mỹ

Tranh luận về hôn nhân đồng tính bắt đầu nổi lên từ năm 1996 khi quốc hội Mỹ và Tổng thống Bill Clinton đã ký ban hành Luật bảo vệ hôn nhân, cấm chính quyền các bang công nhận hôn nhân đồng tính.
 
Năm 2003, Massachusetts trở thành bang đầu tiên ở Mỹ quyết định thay đổi luật, cho phép hôn nhân đồng tính và cấp giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp đôi đồng tính. Trong những năm sau đó, một số bang đã thông qua luật cấm kết hôn đồng tính trong khi những bang khác bắt đầu thảo luận cho phép thành lập các hội đồng tính.
 

  Một cặp đôi đồng tính đăng ký kết hôn ngay sau khi Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết hợp thức hóa hôn nhân đồng tính.

Tuy nhiên, theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2008, bang California cấm hôn nhân đồng tính cho dù các tòa án tại bang này cho phép hôn nhân đồng tính trước đó. Xu hướng này tiếp diễn trên toàn nước Mỹ cho khi Tòa án Tối cao nhận được đơn kiện của Edith Windsor về tính bất hợp hiến của Luật bảo vệ hôn nhân vào năm 2013.

Hai bà Edith Windsor và Thea Spyer ở bang New York là hai người đồng tính đã sống chung với nhau trên 40 năm và có tài sản chung. Năm 2007, hai người qua Canada và chính thức lập hôn thú ở Toronto, vì luật Canada cho phép những người đồng tính được kết hôn.

Năm 2009, bà Thea Spyer qua đời. Bà Edith Windsor được yêu cầu phải trả thuế di sản là 363.053 USD trên phần bất động sản bà thừa hưởng của bà Spyer. Bà Edith Windsor xuất trình hôn thú đã được lập tại Canada, nhưng không được công nhận tại Mỹ vì Luật bảo vệ hôn nhân cấm hôn nhân đồng tính.

Sau khi xem xét đơn kiện của bà Edith Windsor, Tòa án Tối cao đã đưa ra phán quyết điều 3 của Luật bảo vệ hôn nhân không hợp pháp “vì tước đoạt quyền bình đẳng tự do được Hiến pháp bảo vệ”.

Bước ngoặt quan trọng đến vào tháng 10.2014 khi Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ đơn kháng cáo phản đối phán quyết hủy bỏ các lệnh cấm hôn nhân đồng tính, đồng thời mở rộng tính hợp pháp của các hội đồng tính ra thêm nhiều bang. Tại các bang, hôn nhân đồng tính được hợp thức bằng luật hoặc trưng cầu dân ý.

Ngày 26.6, Tòa án Tối cao Mỹ đã đưa ra một phán quyết lịch sử khi hợp thức hóa hôn nhân đồng tính tại tất cả các bang. Phán quyết này có hiệu lực sau khi được ban hành 25 ngày nếu không có kháng cáo nào. Trước khi hôn nhân đồng tính được hợp thức hóa trên toàn nước Mỹ, 36 bang của nước này bao gồm bang Washington DC đồng ý cấp giấy chứng nhận kết hôn cho các cặp đôi đồng tính.

“Chiến thắng của mọi người Mỹ”

Tổng thống Barack Obama, người luôn tích cực ủng hộ hôn nhân đồng tính, ca ngợi phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ là một “chiến thắng của mọi người Mỹ” và là cột mốc quan trọng trong lịch sử nền tư pháp đất nước. “Khi mọi người Mỹ được đối xử bình đẳng, chúng ta sẽ càng tự do hơn” - ông chủ Nhà Trắng nhận định.

Tổng thống Barack Obama là người rất ủng hộ hôn nhân đồng giới


Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton viết trên Twitter: “Tôi tự hào chúc mừng chiến thắng lịch sử của bình đẳng hôn nhân”.

Đệ nhất phu nhân Tổng thống Mỹ Michelle Obama cũng hoan nghênh phán quyến của Tòa án Tối cao, bà viết trên Twitter: “Phán quyết này công nhận một sự thật cơ bản là tình yêu của chúng ta hoàn toàn bình đẳng. Hôm nay (26.6) là một ngày trọng đại với người Mỹ”.

Trong khi đó, hàng nghìn các cặp đôi đồng tính đã đổ ra đường để ăn mừng sau phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ. Sự kiện này diễn ra cùng thời điểm hàng triệu người trên thế giới bắt đầu tham gia tuần hành vào dịp cuối tuần để bày tỏ ủng hộ hôn nhân đồng tính.

Nhà Trắng và rất nhiều các tờ báo lớn của Mỹ đã đồng loạt thay avatar bằng màu cờ của cộng đồng người đồng tính để đánh dấu sự kiện lịch sử khi tòa án tối cao ra phán quyết hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính trên cả nước.

Hôn nhân đồng tính gây chia rẽ nước Mỹ

Trong khi hàng trăm cặp đôi đồng tính đổ ra đường ăn mừng và chuẩn bị làm thủ tục kết hôn, phe bảo thủ và một số thành viên Đảng Cộng hòa không tiếc lời chỉ trích. Ít nhất 2 bang Louisiana và Mississippi khẳng định chưa cấp giấy đăng ký kết hôn cho người đồng tính để chờ thủ tục pháp lý hoàn tất.
 

Mọi người  ăn mừng phán quyết của Tòa án Tối cao Mỹ.

Thẩm phán bảo thủ Antonin Scalia gọi phán quyết trên là “mối đe dọa cho nền dân chủ Mỹ”, còn Thống đốc bang Texas Greg Abbott (đều thuộc Đảng Cộng hòa) kêu gọi chỉnh sửa hiến pháp để cho phép các bang cấm hôn nhân đồng tính.

Thống đốc bang New Jersey, ông Chris Christie đang cân nhắc tham gia cuộc chạy đua trở thành ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa, cho biết: “Tôi ủng hộ hôn nhân giữa nam giới và nữ giới. Nếu có sự thay đổi nào, chúng cần được thông qua bằng một cuộc trưng cầu dân ý của người dân”.

Cựu Thống đốc bang Arkansas và ứng cử viên Tổng thống Mỹ Mike Huckabee gọi phán quyết hợp thức hóa hôn nhân đồng tình là “vượt ra khỏi Hiến pháp và vi phạm luật pháp. Trong khi đó, Kellie Fiedorek, luật sư của một nhóm vận động chống hôn nhân đồng tính, cho rằng phán quyết “đã bỏ qua tiếng nó của hàng nghìn người Mỹ”.
 
>> Các cặp đồng tính Mỹ lũ lượt đi đăng ký kết hôn
>> Chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên toàn nước Mỹ
>> Vì sao hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới ở Mỹ lại truyền cảm hứng tới các bạn trẻ Việt?
>> Sao Việt từ ngấm ngầm đến mạnh mẽ phản đối phát biểu của Đức Tuấn
>> Đức Tuấn: "Chẳng hiểu luật LGBT liên quan gì đến VN mà mấy bạn ăn mừng như đúng rồi?"

Theo Huy Phong (Dân Việt)