Thế giới

Nửa sau nhiệm kỳ TT Trump: Tokyo đối mặt tương lai ngày càng bất định

Tròn hai năm Tổng thống Trump nắm quyền, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật nhìn chung đã được củng cố, nhưng chính sách “Nước Mỹ trước tiên” đang tạo thêm nhiều lo ngại về tương lai.

Theo nhiều chuyên gia Nhật Bản, quan hệ Washington – Tokyo được thúc đẩy một phần nhờ vào mối lo ngại chung về sự trỗi dậy hung hăng của Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, những tiếp xúc cá nhân thường xuyên giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Trump cũng giúp mối quan hệ trở nên suôn sẻ, theo Kyodo.

Nửa sau nhiệm kỳ TT Trump: Tokyo đối mặt tương lai ngày càng bất định
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe duy trì mối quan hệ cá nhân rất tích cực. Ảnh: Kyodo.

Nỗ lực cá nhân của Thủ tướng Abe

“Mối quan hệ Donald – Shinzo có cảm giác chân thành. Thủ tướng Abe đã tận dụng sợi dây liên kết cá nhân để ngăn quan hệ song phương bị xói mòn, vốn là điều nhiều người lo sợ khó tránh khỏi khi Tổng thống Trump luôn bị ám ảnh về thâm hụt thương mại và nghi ngờ giá trị đồng minh”, Mireya Solis, học giả tại Viện Brookings, nhận định.

Sự hợp tác giữa hai nhà lãnh đạo trong chính sách châu Á được thể hiện rõ khi Tổng thống Trump thúc đẩy tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Khái niệm này ban đầu được dẫn dắt bởi Nhật Bản. Nó được nhìn nhận một cách rộng rãi là biện pháp để đối trọng với vị thế hung hăng của Trung Quốc trong nhiều vấn đề như quân sự hóa Biển Đông hay mô hình ngoại giao “bẫy nợ” nhắm đến nhóm quốc gia đang phát triển.

“Nhật Bản lo ngại sâu sắc khi Trung Quốc hành động ngày càng quyết liệt trong khu vực và tăng cường sức mạnh quân sự. Vì vậy, cách tiếp cận 'cơ bắp' hơn mà chính quyền Tổng thống Trump hứa hẹn, thông qua khẩu hiệu 'hòa bình dựa trên sức mạnh', đã trấn an Tokyo phần nào”, Mireya Solis đánh giá.

Tuy nhiên, nhiều quyết sách của Tổng thống Trump như rút Mỹ khỏi Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoãn tập trận tại Hàn Quốc, áp đặt thuế nhập khẩu thép và nhôm từ Nhật Bản và một số đồng minh khác … cũng khiến chính phủ Thủ tướng Abe nhiều lần choáng váng.

Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của ông Trump đang chịu nhiều chỉ trích tại Nhật Bản. Trong một cuộc khảo sát năm qua, chỉ có 28% người tham gia khảo sát tại Nhật Bản đánh giá Washington có cân nhắc những lợi ích của Tokyo khi đưa ra những quyết sách quốc tế. Con số này dưới thời Tổng thống Barack Obama là 38%.

Trong bối cảnh Mỹ rút khỏi TPP và cả thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Trung tâm Nghiên cứu Pew phát hiện chỉ có 30% người Nhật tin tưởng vào năng lực giải quyết những vấn đề quốc tế của Tổng thống Trump. Chỉ số này giảm mạnh so với người tiền nhiệm Obama, từng đạt được mức độ tin tưởng 60-85%.

Nhiều chuyên gia dự báo tâm lý hoài nghi trong quan hệ Tokyo – Washington sẽ tiếp tục tăng một khi Tổng thống Trump đẩy mạnh chính sách “Nước Mỹ trước tiên” cho nỗ lực tái tranh cử năm 2020. Các vấn đề như đàm phán thương mại Mỹ - Nhật và quan hệ Washington – Bình Nhưỡng có thể chịu ảnh hưởng.

Nửa sau nhiệm kỳ TT Trump: Tokyo đối mặt tương lai ngày càng bất định - 1
Nhiều người lo ngại Mỹ sẽ chấp nhận một thỏa thuận hạt nhân với Triều Tiên chỉ có lợi cho Mỹ, gây bất lợi cho các đồng minh khác. Ảnh: Straits Times.

Lo ngại rạn nứt thêm sâu sắc

Tổng thống Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến sẽ có cuộc gặp lần thứ hai vào gần cuối tháng 2/2019. Trước viễn cảnh này, nhiều nhà phân tích lo ngại Washington sẽ chấp nhận nới lỏng lệnh trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng. Đổi lại, Triều Tiên có thể giải quyết kho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và chấm dứt mối đe dọa bắn tên lửa đến Mỹ.

Nếu thỏa thuận này được ký kết, không có điều gì đảm bảo Hàn Quốc và Nhật Bản không bị đe dọa bởi những tên lửa tầm hoạt động ngắn hơn mà Triều Tiên sở hữu.

Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố rút quân khỏi Syria vào tháng 12/2018, nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại kịch bản này tái diễn đối với cam kết hiện diện quân sự Mỹ ở bán đảo Triều Tiên. Diễn biến này nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của Nhật Bản.

Sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử vào tháng 6/2018, Tổng thống Trump từng nhấn mạnh mong muốn đưa quân nhân Mỹ “trở về nhà”, hàm ý nhắc đến gần 28.500 quân đang đồn trú trên bán đảo Triều Tiên. Việc tạm hoãn tập trận quân sự thời gian qua càng khiến những lo ngại của Nhật Bản gia tăng.

“Màn trình diễn nhiều thăng trầm giữa ông Trump và ông Kim Jong Un đang khiến Nhật Bản cảm thấy bị cho ra rìa, thêm lo lắng về khả năng xuất hiện một thỏa thuận chỉ có lợi cho Mỹ nhưng không giúp ích cho Nhật Bản”, Sayuri Romei, chuyên gia về an ninh và các vấn đề quốc tế tại Quỹ Hòa bình Sasakawa (Mỹ), nhận định.

“Tính khó dự đoán và bất ngờ là những điều khiến cho các nước đồng minh sợ hãi nhất. Tôi cho rằng Nhật Bản đã cảm thấy rõ những điều này trong vòng hai năm qua. Các quan chức Nhật Bản có thể không công khai bày tỏ cảm giác bị (đồng minh) làm ngơ. Tuy nhiên, tôi đã ghi nhận được sự bức xúc chia sẻ trong các đối thoại riêng tư hơn”, bà nói.

Nửa sau nhiệm kỳ TT Trump: Tokyo đối mặt tương lai ngày càng bất định - 2
Sau khi Mỹ rút khỏi TPP, dư luận Nhật Bản thêm mất lòng tin về khả năng giải quyết các vấn đề quốc tế của Tổng thống Trump. Ảnh: Reuters.

Cảm giác hoài nghi còn được thể hiện rõ trong vấn đề kinh tế. Nhật Bản kiên quyết thúc đẩy một thỏa thuận thương mại hàng hóa giữa hai nước, trong khi Mỹ lại đòi hỏi một thỏa thuận toàn diện hơn và bao trùm hàng loạt vấn đề khác như: dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ và tiền tệ. Washington muốn thông qua thỏa thuận này giảm thâm hụt thương mại với Tokyo.

Chính phủ của Tổng thống Trump từng cho biết sẽ đàm phán thương mại với Nhật Bản theo từng giai đoạn. Điều này cho thấy Mỹ muốn đạt được một số thỏa thuận nhỏ và được ưu tiên trước khi tiến đến một gói thỏa thuận toàn diện.

Solis cho rằng Mỹ muốn đạt được thỏa thuận về nông nghiệp và kiềm hãm xuất khẩu ôtô của Nhật Bản. Ông Trump luôn xem ngành công nghiệp ôtô là biểu tượng của mất cân bằng thương mại Mỹ - Nhật. Ôtô và phụ tùng chiến đến 75% thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản trong năm 2017.

Theo Mireya Solis, Nhật Bản sẽ từ chối đạt hạn ngạch xuất khẩu đối với ngành công nghiệp ngày vì không muốn kiềm hãm thương mại. “Việc hai nước đạt được thỏa thuận tăng khả năng tiếp cận thị trường cho các bên nhanh hay không vẫn là một ẩn số”, Solis đánh giá.

Bên cạnh đó, Tokyo cũng luôn khẳng định không có kế hoạch bổ sung điều khoản về quản lý tiền tệ trong thỏa thuận thương mại với Washington. Điều này khiến viễn cảnh đàm phán theo giai đoạn trở nên khó dự báo hơn, theo Mireya Solis.

Theo Thanh Danh (Tri Thức Trực Tuyến)