Thế giới

Nữ tiếp viên thoát chết vụ máy bay nổ tung ở độ cao 10.000 m

Vesna Vulovic ghi tên mình vào kỷ lục Guinness với việc sống sót kỳ diệu dù rơi từ độ cao 10.160 m, sau khi máy bay nổ tung trên không trung năm 1972.

Vesna Vulovic ghi tên mình vào kỷ lục Guinness với việc sống sót kỳ diệu dù rơi từ độ cao 10.160 m, sau khi máy bay nổ tung trên không trung năm 1972.

Vesna Vulovic thời trẻ. Ảnh: Daily Record

Ngày 26/1/1972, máy bay Douglas DC-9 hãng JAT của Nam Tư cũ nổ trên bầu trời khi đang bay ngang qua những rặng núi bị tuyết bao phủ ở Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc và Slovakia). Vulovic, lúc đó 22 tuổi, là nữ tiếp viên phục vụ trên chuyến này, theo Daily Record.

Vụ nổ máy bay khiến 27 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng và Vulovic là người duy nhất sống sót. Vào thời điểm gặp nạn, máy bay Douglas DC-9 đang trên đường từ Stockholm, Thụy Điển, sang Belgrade, Nam Tư cũ. Khi phi cơ bay qua không phận ở thành phố Hermsdorf thuộc Đông Đức, nó đột nhiên mất tín hiệu ở màn hình radar và mọi liên lạc với máy bay cũng bị cắt đứt.

Các nhà điều tra Nam Tư cho rằng một vụ nổ ở khoang hành lý phía trước đã khiến máy bay vỡ và rơi ở độ cao hơn 10.000 m .

Các nhà điều tra nghi ngờ một quả bom đã được gài bên trong máy bay khi nó quá cảnh ở một sân bay tại Copenhagen, Đan Mạch. Không có bất kỳ vụ bắt giữ nào kể từ đó dù Ustache, một nhóm phát xít cực hữu từ Croatia, lên tiếng nhận trách nhiệm đã đặt bom trên máy bay.

Theo kết luận điều tra, Douglas DC-9 bị vỡ thành hai mảnh lớn và rơi xuống triền của một ngọn núi. Vulovic đã rơi ở độ cao 10.160 m.

Một người đi rừng Đức tên Bruno Henke nghe thấy tiếng kêu cứu của Vulovic. Khi ông đến hiện trường, một nửa người cô nhoài ra bên ngoài một mảnh vỡ máy bay. Cô bị thi thể của một thành viên phi hành đoàn đè phía trên và cột sống bị chèn ép bởi xe đẩy thức ăn.

Henke từng là bác sĩ cho quân đội Đức quốc xã trong Thế chiến II. Ông đã sử dụng các kỹ năng y khoa để sơ cứu Vulovic cho đến khi lực lượng cứu thương đến hiện trường.

nu-tiep-vienserbia-song-sot-cu-roi-tu-may-bay-no-tung-o-do-cao-10000-m-1
Phần đuôi của chiếc máy bay Douglas DC-9 gặp nạn vào năm 1972. Ảnh: Daily Record

Hồi phục

Không ai nghĩ rằng Vulovic có thể vượt qua cú rơi với tình trạng chấn thương đặc biệt nghiêm trọng. Sọ và ba đốt sống của cô bị vỡ. Hai chân, khung xương chậu và một số xương sườn cũng bị gãy. Cô hôn mê suốt 27 ngày và phải trải qua 16 tháng điều trị tại bệnh viện.

Các nhà điều tra tin rằng cô sống sót nhờ bị kẹt trong ống xả hình nón ở đuôi máy bay, khiến cô không bị hút ra ngoài khi máy bay phát nổ.

Hơn nữa, sau khi vụ nổ xảy ra, thân máy bay rơi xuyên qua các cành thông và cắm vào lớp tuyết dày, nhờ đó lực va chạm được giảm nhẹ và lực tác động lúc nó lăn xuống triền núi cũng giảm đi.

Ban đầu, Vulovic bị liệt nửa người dưới nhưng dần dần cô gần như hồi phục hoàn toàn.

Sau đó, cô tiếp tục làm việc cho hãng hàng không JAT và thậm chí còn yêu cầu hãng này cho cô trở lại làm tiếp viên. Tuy nhiên, JAT từ chối và bố trí cho cô một công việc bàn giấy ở trụ sở của JAT.

Cô không thể nhớ lại được diễn biến lúc vụ tai nạn xảy ra hay lúc được giải cứu. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn năm 2008, cô cho biết cô chỉ có thể nhớ đã nói lời chào hành khách trước khi máy bay cất cánh từ sân bay ở Đan Mạch, rồi thấy mình tỉnh dậy trong bệnh viện và thấy mẹ của cô đang ở bên cạnh.

nu-tiep-vienserbia-song-sot-cu-roi-tu-may-bay-no-tung-o-do-cao-10000-m-2
Vesna Vulovic vào năm 2008. Ảnh: AP

Sống sót thần kì sau vụ tai nạn, Vulovic ngay lập tức được ca ngợi như người hùng. Tổng thống Nam Tư Josip Broz Tito đã tổ chức buổi lễ trang trọng chào đón cô trở về. Cô trở thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều nhạc sĩ và là khách mời thường xuyên của các chương trình truyền hình vào giờ vàng.

Cái tên Vesna được nhiều người mẹ lấy để đặt tên cho con vì họ nghĩ rằng nó sẽ mang lại may mắn. Vulovic còn được quốc tế vinh danh vào năm 1985, khi được Sách Kỷ lục Guinness mời đến London để nhận giải thưởng cho kỷ lục sống sót từ cú rơi ở độ cao lớn nhất. Đích thân ca sĩ kiêm nhạc sĩ lừng danh Paul McCartney, thần tượng của Vulovic thời trẻ, trao giải thưởng cho bà.

Guinness ghi nhận đáng lẽ ra Vulvovic không có mặt trên chuyến bay tử thần đó. Cô đã nhầm lẫn lịch bay của mình với một nữ tiếp viên khác cũng có tên Vesna. Guinness cũng nhấn mạnh rằng cô chưa bao giờ trải qua chấn thương tâm lý sau vụ tai nạn và không bao giờ sợ bay sau đó.

"Vận may của cô nhiều khả năng là do cô bị huyết áp thấp, khiến cô bất tỉnh nhanh chóng sau khi máy bay nổ và điều này giúp tim cô không bị vỡ", Guinness viết.

Vesna Vulovic ngày 23/12 qua đời tại thành phố Belgrade, Serbia ở tuổi 66.

Theo Hồng Vân (VNExpress.net)