Thế giới

Nữ phiên dịch của ông Tập: "Xuống xe là chạy, ngồi ăn cũng khó"

Phiên dịch cho lãnh đạo Trung Quốc là một công việc "bí ẩn" và không dễ dàng. Nữ phiên dịch viên của ông Tập Cận Bình trong chuyến đi Mỹ đã tiết lộ những đặc thù của nghề này.

Phiên dịch cho lãnh đạo Trung Quốc là một công việc "bí ẩn" và không dễ dàng. Nữ phiên dịch viên của ông Tập Cận Bình trong chuyến đi Mỹ đã tiết lộ những đặc thù của nghề này.

Trong chuyến công du Mỹ và làm việc tại Liên Hợp Quốc từ 22-28/9 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, dư luận nước này dành sự quan tâm lớn đối với một nữ quan chức luôn theo sát bên cạnh ông.
 

Phó phòng phiên dịch Bộ ngoại giao Trung Quốc Châu Vũ (áo xanh) tháp tùng ông Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ. Ảnh: QQ

Báo chí Trung Quốc mới đây tiết lộ, nhân vật này là bà Châu Vũ - Phó phòng phiên dịch thuộc Bộ ngoại giao Trung Quốc. Bà đảm nhiệm vai trò phiên dịch cho ông Tập trong chuyến công tác vừa qua.

Châu Vũ từng theo học Trường ngoại ngữ Vũ Hán từ khi lên trung học, sau đó được bảo trợ tới học tại Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh, chuyên ngành tiếng Anh.

Trang Phượng Hoàng (Trung Quốc) cho biết, Châu Vũ thi vào Bộ ngoại giao Trung Quốc năm 1999 trong bối cảnh Bắc Kinh đang cắt giảm biên chế các cơ quan hành chính nhà nước, nhưng bà vẫn thi đậu.

Đến nay, bà Châu đã tham gia các hoạt động của lãnh đạo Trung Quốc ở nhiều nơi, từ Afghanistan, Palestine, Israel cho tới Timor-Leste...

Làm phiên dịch cho lãnh đạo Trung Quốc ra sao?

Bà tiết lộ, công việc phiên dịch cho các nguyên thủ đòi hỏi sức khỏe thật tốt.

Mỗi khi tham gia các sự kiện lớn, vị trí các xe trong đoàn của lãnh đạo Trung Quốc luôn được sắp xếp cố định. Thông thường, phiên dịch viên sẽ ngồi cùng hoặc ngồi trên xe theo ngay phía sau nguyên thủ.
 

Bà Châu tiết lộ nhiều đặc thù khi làm phiên dịch cho các lãnh đạo của Trung Quốc.

"Tuy nhiên, nếu lãnh đạo ngồi ở xe số 1, mà vị trí của phiên dịch bị xếp ở xe số 10, thì khi xuống xe phải ngay lập tức chạy tới bên cạnh lãnh đạo để kịp bước vào sự kiện" - Châu Vũ chia sẻ.

Theo bà Châu, vị trí của phiên dịch viên tháp tùng lãnh đạo Trung Quốc thường được Vụ lễ tân nước này sắp xếp trước. "Tuy nhiên, nếu không có sắp xếp thì người phiên dịch phải tự phán đoán tình hình."

"Làm phiên dịch 'chỉ có thể nghe không rõ, không có chuyện không dịch được'. Nếu nghe chưa rõ thì phải hỏi lại. Đôi tai cần có độ nhạy cảm cao vì không được phép hỏi nhiều, nếu không người ta sẽ mất lòng tin với bạn." - bà nói.

Châu Vũ cho biết, bản thân bà cũng như các phiên dịch viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc phải có đủ khả năng dịch "tất cả mọi thứ", bất kể là thơ từ hay các thuật ngữ chuyên môn.

Bà tiết lộ: "Các lãnh đạo Trung Quốc hiện nay đều biết tiếng Anh và trong nhiều trường hợp có thể nêu ra ý kiến khác với cách dịch của bạn. Đây không hẳn là phê bình mà chỉ là họ đưa ra một đề nghị phiên dịch hay hơn."

Trong vai trò phiên dịch viên của ông Tập Cận Bình trong toàn bộ chuyến công du Mỹ, Châu Vũ cũng "sát cánh" bên cạnh lãnh đạo Trung Quốc tại quốc yến do Tổng thống Barack Obama tổ chức tối 25/9.

Bà Châu kể lại, bà cũng tham dự buổi tiệc trên và ngồi ngay bên cạnh ông Tập. "Vì phải phiên dịch bất cứ lúc nào nên hầu như chúng tôi không thể ăn uống gì được."

"Các phiên dịch viên Bộ ngoại giao Trung Quốc như chúng tôi cũng học được một 'kỹ năng', đó là cắt đồ ăn thành nhiều miếng nhỏ, đủ để nuốt ngay khi đưa vào miệng. Uống canh cũng như vậy."
 
>> Tập Cận Bình từ chối đặt tên cho con ông chủ Facebook
 
Theo Hải Võ (Soha.vn/Trí thức trẻ)