Thế giới

Nỗi ám ảnh mới của nước Pháp

Đường phố Paris mù mịt khói trong ngày 'đại biểu tình'

Các biện pháp mạnh của chính phủ đã giúp hạn chế thiệt hại nhưng Paris và nhiều thành phố của Pháp vẫn ngổn ngang gạch đá, khói lửa do biểu tình bạo động.

Nỗi ám ảnh mới của nước Pháp
Cảnh sát và người biểu tình gườm nhau tại đại lộ Champs Élysées hôm 8.12

Theo Bộ Nội vụ Pháp hôm qua, đợt đại biểu tình thứ tư của phong trào Áo phản quang vàng ngày 8.12 có tổng cộng 136.000 người tham gia trên toàn quốc. Trong đó, các vụ đụng độ bạo lực khiến ít nhất 179 người bị thương và 1.220 người bị tạm giam, phần lớn ở Paris. Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, một người biểu tình tên Benjamin Leprince cho hay: “Dù có cuộc sống ổn định nhưng tôi vẫn tham gia biểu tình cùng Áo phản quang vàng vì muốn liên đới với những người gặp khó khăn về kinh tế ở đất nước của mình”.

Tuy nhiên, Leprince chọn xuống đường ở quảng trường Bastille, không đến đại lộ Champs Élysées hoặc những điểm nóng khác vì “thật sự nguy hiểm”. Cuộc biểu tình tại Bastille hôm 8.12 ban đầu cũng diễn ra ôn hòa nhưng rồi những kẻ phá hoại xuất hiện và tình hình xấu đi nhanh chóng. “Những kẻ này hoạt động rất bài bản và cũng mặc áo phản quang vàng để dễ trà trộn. Để giải tán nhóm cực đoan, cảnh sát phải bắn đạn cao su, lựu đạn cay. Nhiều người bị thương nặng”, Leprince kể. Theo anh, lực lượng an ninh cũng bị tấn công ác liệt bằng gạch đá và thậm chí là a xít. Chính vì thế, Leprince phải “rời đoàn khá sớm” vì bạo lực trở nên nghiêm trọng.

Hiện chính phủ của Tổng thống Emmanuel Macron vẫn đang đau đầu tìm giải pháp để xoa dịu căng thẳng, trong khi phong trào Áo phản quang vàng tiếp tục kêu gọi xuống đường vào ngày 15.12. Tình hình hiện nay không chỉ gây xáo trộn về xã hội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của Pháp mà còn dẫn đến hậu quả nặng nề về kinh tế. Báo La Tribune dẫn lời đại diện Liên đoàn Thương mại và bán lẻ Pháp Jacques Creyssel cho biết các vụ biểu tình và chặn đường của Áo phản quang vàng đến nay đã làm thiệt hại hơn 1 tỉ euro.

Khói lửa, vòi rồng, quốc ca Pháp: 5 cảnh tượng khắc họa đợt biểu tình rung chuyển nước Pháp

Dự kiến, đầu tuần này, ông Macron sẽ thông báo một số biện pháp quan trọng. Theo nhiều chuyên gia, tuy chính phủ khó đáp ứng hơn 40 yêu sách của phong trào Áo phản quang vàng nhưng có thể khai thông đối thoại nếu chứng tỏ được thiện chí ở những điểm gây nhiều chú ý nhất, như khôi phục thuế đánh vào những người có tài sản từ 1,3 triệu euro trở lên (gọi tắt là ISF). ISF bị Tổng thống Macron bãi bỏ từ tháng 1.2018 và thay bằng IFI - thuế đánh vào những người có bất động sản từ 1,3 triệu euro trở lên. Những bước đi này đã gây nhiều bất bình tại Pháp và đặc biệt khiến những người có thu nhập thấp cảm thấy chủ nhân Điện Élysée chỉ đưa ra chính sách “có lợi cho giới giàu có”, trong khi phúc lợi xã hội bị cắt giảm. Đây cũng là nguyên nhân khiến gần 70% số người được hỏi tại Pháp trong nhiều cuộc thăm dò gần đây vẫn tỏ ra ủng hộ phong trào Áo phản quang vàng.

Lan sang Bỉ, Hà Lan

Phong trào mặc áo phản quang vàng xuống đường phản đối chính phủ đã lan sang các nước láng giềng của Pháp như Bỉ và Hà Lan. Cảnh sát Bỉ hôm qua thông báo bắt ít nhất 400 người sau các vụ đụng độ tại thủ đô Brussels khi người biểu tình tiến gần các tòa nhà của EU và trụ sở các bộ ngành của Bỉ. Tại Hà Lan, biểu tình nổ ra tại thủ đô Amsterdam và nhiều thành phố lớn như Rotterdam, Maastricht..., theo Đài phát thanh France Inter.

Theo Lan Chi (Thanh Niên Online)