Thế giới

Những phút cuối trong buồng lái máy bay Lion Air gặp nạn

Lý do khiến Mỹ ra lệnh cấm bay Boeing 737 MAX

Cơ phó lẩm nhẩm cầu nguyện, cơ trưởng tìm kiếm hy vọng ở những trang tài liệu hướng dẫn song không thể cứu vãn tình hình.

Những phút cuối trong buồng lái máy bay Lion Air gặp nạn
Một máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Lion Air đậu tại sân bay quốc tế Soekarno Hatta gần thủ đô Jakarta, Indonesia. Ảnh: Reuters.

Những giây phút cuối trên chuyến bay 610 của hãng hàng không Lion Air Indonesia, cơ trưởng trao lại quyền kiểm soát máy bay cho cơ phó để lướt qua những trang hướng dẫn kỹ thuật, cố tìm hiểu xem chuyện gì đang diễn ra, theo New York Times.

Khi mũi máy bay vẫn liên tục chúc xuống, cơ phó Harvino bắt đầu cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Harvino đã được lưu trong thiết bị ghi âm buồng lái, một trong hai hộp đen của máy bay Lion Air.

"Thượng đế vĩ đại", Harvino lẩm nhẩm rồi đọc một đoạn kinh cầu Thượng đế ban phép màu.

Nhưng không có phép màu nào xảy ra vào ngày 29/10/2018, chiếc Boeing 737 MAX 8 lao xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh khiến toàn bộ 189 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng.

"Tôi nghĩ anh ấy đã biết không thể cứu vãn tình hình", Nurcahyo Utomo, lãnh đạo tiểu ban tai nạn hàng không thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia, nói. Ông là người đã nghe và thuật lại những nội dung trong thiết bị ghi âm buồng lái máy bay Lion Air được trục vớt từ đáy biển hồi tháng một.

Theo Utomo, trừ những giây phút cuối cùng, cả cơ phó và cơ trưởng đều cho thấy họ rất bình tĩnh và chủ động.

Những phút cuối trong buồng lái máy bay Lion Air gặp nạn - 1
Nhân viên thuộc Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Indonesia ngày 4/11/2018 kiểm tra một động cơ của máy bay Lion Air gặp nạn. Ảnh: Reuters.

Vụ tai nạn mới đây với chiếc phi cơ cũng thuộc mẫu Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Ethiopian Airlines khiến 157 người thiệt mạng đang thu hút sự quan tâm trở lại đối với cuộc điều tra vụ rơi máy bay Lion Air.

Giới chức Indonesia cho biết sớm nhất là vào tháng 7 hoặc tháng 8 họ mới có thể đưa ra báo cáo chi tiết về vụ tai nạn máy bay Lion Air. Báo cáo sơ bộ, dựa trên nội dung từ thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay, được công bố hồi tháng 11.

Đội tìm kiếm phát hiện thiết bị ghi âm buồng lái sau khi nhà chức trách công bố báo cáo sơ bộ, vì thế, các cuộc đối thoại giữa cơ trưởng người Ấn Độ Bhavye Suneja và cơ phó Harvino không xuất hiện trong những thông tin điều tra ban đầu.

Báo cáo lưu ý mũi máy bay đã đột ngột chúc xuống hơn 20 lần, một biểu hiện mà các nhà điều tra cho rằng bắt nguồn từ lỗi trong hệ thống tự động chống thất tốc (luồng khí đi qua cánh máy bay quá yếu để tạo ra lực nâng) mới được lắp đặt trên các dòng Boeing MAX.

Từ sau vụ tai nạn máy bay Lion Air, nhiều phi công có chứng nhận lái dòng máy bay Boeing MAX phàn nàn họ không được giải thích về hệ thống mới cũng như không được hướng dẫn cách phản ứng trong trường hợp bất ngờ khi dữ liệu đầu vào sai khiến mũi máy bay tự động chúc xuống.

Quy định hàng không Indonesia cấm công bố nội dung ghi âm buồng lái. Tuy nhiên, các nhà điều tra từ Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, những người đã nghe nội dung ghi âm, mô tả các âm thanh từ buồng lái cho thấy phi hành đoàn đã cố gắng hết sức để lấy lại quyền kiểm soát trong khi phi cơ đang lao nhanh xuống biển.

Theo Ony Soerjo Wibowo, nhà điều tra an toàn hàng không, một âm thanh liên tục phát ra từ thiết bị rung cần lái là bằng chứng hệ thống đang báo hiệu cho phi công về nguy cơ thất tốc có thể dẫn tới tai nạn.

Các nhà điều tra nghi ngờ dữ liệu không chính xác, bao gồm sai số 20 độ giữa dữ liệu đọc từ hai thiết bị cảm biến trên phi cơ cùng sự khác nhau giữa độ cao của máy bay và phương hướng di chuyển trên không trung, đã dẫn tới việc thiết bị rung cần lái và Hệ thống Tăng cường Tính năng Điều khiển (MCAS) chống thất tốc bị kích hoạt sai.

Dấu hiệu bất thường đầu tiên đối với chuyến bay của Lion Air vào ngày 29/10 là việc máy bay bị mất độ cao khoảng 200 m và trong những phút tiếp theo, MCAS có lẽ đã kéo mũi máy bay xuống, khiến phi công phải lái mũi máy bay chếch lên trở lại bằng cách điều khiển thiết bị ổn định gắn trên đuôi phi cơ.

Phát hiện sự cố, phi hành đoàn lập tức liên lạc với trạm kiểm soát không lưu ở Jarkata, yêu cầu quay đầu trở về sân bay và được chấp nhận. Cơ trưởng còn yêu cầu phong tỏa không phận khoảng 900 m cả trên và dưới máy bay bởi phi cơ vẫn tiếp tục lên xuống thất thường. Cuối cùng, chuyến bay 610 đã không thể trở về.

Theo giới chức an toàn hàng không Indonesia, trong buồng lái, hai phi công đã nói về việc dữ liệu tốc độ cũng như độ cao của máy bay họ nhận được có vẻ không đáng tin.

Họ tham khảo tài liệu hướng dẫn với hy vọng có thể giúp xử lý tình huống. Nhưng họ dường như không biết về hệ thống MCAS và không thảo luận về điều gì đã khiến máy bay liên tục chúc mũi xuống.

Không lâu sau khi cơ phó Harvino cầu nguyện, máy bay biến mất khỏi màn hình radar, thiết bị ghi âm buồng lái ngừng hoạt động. Máy bay lao xuống biển Java với áp lực mạnh đến nỗi thân phi cơ vỡ tan thành nhiều mảnh nhỏ. Thi thể Harvino đến nay vẫn chưa được tìm thấy.

Nguyên lý hoạt động của hệ thống MCAS trên Boeing 737 MAX.

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)