Thế giới

Những kỷ lục của hạm đội tàu ngầm Nga

Trong bài viết gần đây đăng trên RIA Novosti, bình luận viên Alexander Khrolenko đã nhận định, hạm đội tàu ngầm của xứ sở Bạch Dương không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn nâng cao vị thế của Nga bởi một loạt các kỷ lục về công nghệ kỹ thuật chưa có quốc gia nào vượt qua được.

Trong bài viết gần đây đăng trên RIA Novosti, bình luận viên Alexander Khrolenko đã nhận định, hạm đội tàu ngầm của xứ sở Bạch Dương không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia mà còn nâng cao vị thế của Nga bởi một loạt các kỷ lục về công nghệ kỹ thuật chưa có quốc gia nào vượt qua được.

Tháng 9-1955, lần đầu tiên trên thế giới, tàu ngầm B-67 thuộc đề án B611 của Liên Xô ở Biển trắng phóng tên lửa đạn đạo R-11FM. Trước đó, nhà máy đóng tàu Sevmash đã tiến hành nâng cấp tàu ngầm B-67 thành tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đầu tiên trên thế giới.

Những kỷ lục của hạm đội tàu ngầm Nga - Ảnh 1.

Tàu ngầm B-67 thuộc đề án B611 của Liên Xô. Nguồn: tvoi54.ru

Trong 3 năm sau đó, 5 tàu ​​ngầm của dự án AV611 (NATO định danh là Zulu V) đã được nâng cấp, trở thành lô tàu ngầm đầu tiên trên thế giới được trang bị tên lửa đạn đạo trên boong tàu. Mỗi tàu ngầm mang theo một cặp tên lửa R-11FM được đặt trong các ống phóng thẳng đứng.

Hạm đội tàu ngầm chiến lược đầu tiên trên thế giới thuộc Hạm đội Phương Bắc của Liên Xô đã được thành lập vào năm 1957.

Tàu ngầm nhanh nhất thế giới

Vào tháng 12-1970, tàu ngầm nguyên tử đa nhiệm thuộc đề án 661 Anchar K-162, biệt danh "Cá vàng" đã lập kỷ lục thế giới về tốc độ dưới mặt nước là 44,7 hải lý, tương đương vận tốc 82,78km/h. Trong nhiều thập niên sau đó, vẫn không có một tàu ngầm nào vượt qua được cột mốc này.

Những kỷ lục của hạm đội tàu ngầm Nga - Ảnh 2.

Tàu ngầm B-67 thuộc đề án B611 của Liên Xô. Nguồn: tvoi54.ru

Đây là tàu ngầm đầu tiên trên thế giới với thân tàu làm bằng titanium. Tàu ngầm K-162 còn được trang bị các lò phản ứng hạt nhân mạnh mẽ và tên lửa chống hạm P-70 Ametist. Đối với K-162, không có nhiệm nào không thực hiện được, nó có thể săn lùng và hạ gục bất cứ tàu chiến nào.

Với sự trợ giúp của 10 ống phóng tên lửa P-70 Ametist, tàu ngầm K-162 có thể nhấn chìm một tàu sân bay xuống đáy đại dương.

Khi tác chiến ở Đại Tây Dương từ tháng 9 đến tháng12-1971, tàu ngầm K-162 gây khó khăn cho tàu sân bay Saratoga của Mỹ, dù có tốc độ lên đến 30 hải lý/h tàu này vẫn không thể thoát khỏi việc theo dõi và tấn công. Ưu thế tốc độ nhanh đã tạo điều kiện cho K-162 có thể nhanh chóng tiếp cận và tiêu diệt tàu sân bay đối phương chỉ bằng cú đánh đầu tiên.

"Người tiên phong" sở hữu công nghệ tự động hóa

Kỷ nguyên tự động hóa việc kiểm soát tàu ngầm đã bắt đầu như thế nào? Bình luận viên Alexander Khrolenko nhấn mạnh, danh hiệu tàu ngầm nguyên tử được trang bị công nghệ tự động hóa cao đầu tiên trên thế giới thuộc về tàu ngầm thuộc Đề án 705 lớp Lira (NATO định danh là Alfa). Tàu ngầm lớp này đã được phát triển từ năm 1959.

Hải quân Liên Xô đã nhận được 7 tàu loại này, bao gồm cả dự án nâng cấp 705K. Tính năng sáng tạo nhất của dự án là khả năng tự động chưa từng có giúp giảm 1 nửa số lượng thủy thủ cần phải có đối với loại tàu ngầm khác có cùng kích thước và mục đích sử dụng.

Những kỷ lục của hạm đội tàu ngầm Nga - Ảnh 3.

Tàu ngầm thuộc Đề án 705 lớp Lira. Nguồn: RIA Novosti

Tàu ngầm nguyên tử này có lượng choán nước 2250 tấn cùng với lớp vỏ làm bằng hợp kim titannium, được trang bị lò phản ứng hạt nhân làm mát bằng kim loại lỏng, có vận tốc khí chìm là 38 hải lý/giờ. Tàu ngầm Lira có thể đạt tới độ sâu 400m khi lặn. Nhờ được ứng dụng công nghệ tự động hóa phức hợp, số thủy thủ đoàn đã giảm xuống còn 32 người.

Tàu ngầm lặn sâu nhất thế giới

Trong nhiều thập kỷ, các nhà đóng tàu của Nga và phương Tây luôn cố gắng vượt qua mọi rào cản kỹ thuật để có thể chế tạo ra một tàu ngầm có khả năng lặn xuống điểm sâu nhất ở đại dương để tăng cường vị thế của mình trong các trận hải chiến.

Những kỷ lục của hạm đội tàu ngầm Nga - Ảnh 4.

Tàu ngầm nguyên tử K-278 thuộc Đề án 685. Nguồn: topwar.ru

Nga đã chế tạo tàu ngầm thuộc Đề án 685 Liên Xô (NATO gọi là Mike) có thể lặn tới độ sâu 1.000m, nơi vũ khí chống tàu của đối phương không thể tiếp cận. Ngoài ra tàu ngầm thuộc Đề án này còn được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ nòng 533mm. Thủy thủ đoàn của tàu ngầm này là người đầu tiên trên thế giới bắn ngư lôi ở độ sâu 800m.

Tàu ngầm nguyên tử K-278 thuộc Đề án 685 đã trở thành một phần của Hạm đội Phương Bắc vào năm 1983 và được vận hành trong nhiều năm. Cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa có tàu ngầm nào phá vỡ được kỷ lục lặn 1.027m của tàu ngầm nguyên tử K-278.

Tàu lớn nhất thế giới

Tháng 12-1981, Hạm đội Phương Bắc đã tiếp nhận chiếc tàu ngầm lớn nhất trên thế giới-tàu ngầm nguyên tử hạng nặng mang theo tên lửa TK-208 Dmitry Donskoy thuộc Đề án 941 lớp Akula (NATO định danh là Typhoon).

Với chiều dài 172m, rộng hơn 23m và lượng choán nước 48.000 tấn, Dmitry Donskoy chính là tàu ngầm lớn nhất thế giới. Trong khi đó , tàu ngầm lớp Ohio của Hải quân Mỹ chỉ có lượng choán nước là 18.700 tấn.

Những kỷ lục của hạm đội tàu ngầm Nga - Ảnh 5.

Tàu ngầm lớp Akula. Nguồn: RIA Novosti

Tàu ngầm lớp Akula được trang bị 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn R-39 hay còn gọi là RSM-52 mang theo 10 đầu đạn hạt nhân có sức công phá 100 kiloton. Trong Chiến tranh Lạnh, các chuyên gia tính toán rằng, một cú phóng loạt của R-39 sẽ đủ để xóa sổ bờ Tây Hoa Kỳ.

Tổng cộng đã có 6 tàu ngầm lớp Akula được chế tạo vào những năm 1980. Vào thời điểm đó, Bộ tư lệnh NATO đã coi 6 chiếc tàu ngầm này là "át chủ bài" của Hải quân Liên Xô.

Hiện nay, tàu Dmitry Donskoy được sử dụng như một "phòng thí nghiệm nổi" để thử nghiệm tên lửa Bulava được trang bị trên các tàu ngầm hiện đại và có tiếng ồn thấp lớp Borei.

Theo Thùy Linh (Quân Đội Nhân Dân)