Thế giới

Những dấu hiệu 'biết nói' trước khi Triều Tiên nổ bom hạt nhân

Hình ảnh vệ tinh chụp bãi thử Punggye-ri có thể tiết lộ thời điểm Triều Tiên sắp tiến hành các vụ thử hạt nhân trong lòng núi.

Mô hình 3D Triều Tiên dựng từ hình ảnh vệ tinh.

Trong một văn phòng ở Colorado, Mỹ, Joseph S. Bermudez Jr. và các chuyên gia của 38 North, trang chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên của Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao Johns Hopkins, chăm chú xem xét những bức ảnh do vệ tinh thương mại chụp được để tìm hiểu mọi thứ đang diễn ra ở Triều Tiên. Nhờ những bức ảnh vệ tinh sắc nét này, Bermudez và các cộng sự có thể dự đoán khá chính xác những vụ phóng tên lửa cũng như thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, theo KoreanHerald.

Bermudez cho biết bất cứ thay đổi nhỏ nào trên các bức ảnh vệ tinh chụp những địa điểm nhạy cảm ở Triều Tiên đều mang một ý nghĩa nào đó, từ sự di chuyển của phương tiện, thiết bị cho đến việc huy động thêm người đến ngọn núi Mantap. Đó là lý do các chuyên gia của 38 North không tỏ ra bất ngờ khi Triều Tiên quyết định thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 hôm 3/9.

"Chúng tôi đã biết từ đầu năm rằng họ sẽ thử hạt nhân", Bermudez nói. Từ tháng hai, ông và các cộng sự đã phát hiện nhiều hoạt động bất thường của Triều Tiên tại một trong ba đường hầm chính dẫn tới khu thử nghiệm trong lòng đất tại núi Mantap thuộc bãi thử hạt nhân Punggye-ri phía bắc Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, những hoạt động như cải tạo đường dẫn vào khu thử, tăng cường các chuyến xe chở nguyên vật liệu hay lượng người ra vào đường hầm tăng bất thường đều có thể bị vệ tinh phát hiện và chụp ảnh. Đây đều là những "dấu hiệu biết nói" về một vụ thử hạt nhân sắp diễn ra của Triều Tiên.

"Vũ khí" để Bermudez và các chuyên gia phân tích sử dụng để đọc những dấu hiệu này chính là hình ảnh mua của các công ty chuyên cung cấp dịch vụ chụp ảnh vệ tinh chất lượng cao. Vệ tinh của công ty DigitalGlobe (Mỹ) hay công ty Quốc phòng và Vũ trụ Airbus (Pháp) bay qua những địa điểm nhạy cảm như bãi thử Punggye-ri, cơ sở nghiên cứu urani Yongbyon hay các quân xưởng đóng tàu của Triều Tiên vài lần mỗi ngày, theo Bloomberg.

Những bức ảnh chúng chụp lại lớn đến mức phải mất nhiều giờ mới tải được về và cần một phần mềm chuyên dụng để xử lý. Không chỉ chụp ảnh, các vệ tinh này còn có thể ghi nhận dấu vết nhiệt của các vật thể trên mặt đất cũng như các đặc điểm địa hình để phát hiện bất cứ thay đổi nhỏ nào qua từng ngày.

Những bức ảnh vệ tinh nét nhất có độ phân giải 30 cm/pixel, đủ để giúp các chuyên gia phân tích phân biệt được các tòa nhà, đường sá, thiết bị quân sự và màu sắc của phương tiện, dù chúng không thể nhận diện được mặt người đứng dưới đất.

Những dấu hiệu 'biết nói' trước khi Triều Tiên nổ bom hạt nhân
Nhân công và thiết bị tập trung tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri hồi tháng 4. Ảnh: AP.

"Chúng tôi nhận thấy rằng trước một vụ thử hạt nhân, Triều Tiên thường có các hoạt động đào khoét thêm trong đường hầm", Bermudez cho hay. "Họ điều thêm thiết bị vào đường hầm và bạn có thể nhận thấy nhiều người xuất hiện ở quanh khu vực này".

Punggye-ri là địa điểm Triều Tiên tiến hành tất cả các vụ thử hạt nhân từ trước tới nay. Triều Tiên trong nhiều năm qua đã xây dựng một mạng lưới đường hầm chằng chịt bên trong lòng núi, với nhiều khu thử hạt nhân được đào sâu dưới mặt đất. Jeffrey Lewis, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California, cho rằng cấu tạo đá hoa cương của núi Mantap tại bãi thử này có thể chống chịu được sức ép khủng khiếp từ các vụ nổ hạt nhân trong lòng núi.

Với sự hỗ trợ của các cảm biến đặc biệt trên vệ tinh, nhóm của Lewis tại Trung tâm Nghiên cứu chống Phổ biến vũ khí James Martin đã xây dựng hình ảnh 3D của các hầm ngầm trong lòng núi Mantap, với các đường hầm tỏa ra những sườn núi khác nhau.

Qua nhiều năm nghiên cứu ảnh vệ tinh về Triều Tiên, các chuyên gia nhận thấy dấu hiệu dễ thấy nhất trước khi Triều Tiên thử hạt nhân là việc mọi hoạt động ở Punggye-ri đột nhiên ngừng lại, các phương tiện, nhân công, binh sĩ bị rút đi và cả khu vực trở nên sạch sẽ hơn.

"Đó thường là dấu hiệu cho thấy mọi việc đã được ấn định và họ đã sẵn sàng làm việc gì đó, chỉ đang chờ đợi thời điểm thích hợp", Jack Liu, chuyên gia công nghệ quốc phòng tại 38 North, nói.

Vị trí thực hiện vụ thử hạt nhân có thể được ấn định ngay trước khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un ra lệnh kích nổ. Những đường hầm được đào sâu trong núi Mantap có thể giúp Triều Tiên kích nổ các thiết bị hạt nhân vào bất cứ lúc nào, theo Lewis.

Thách thức

Những quan sát, nhận định của các chuyên gia như Bermudez có thể giúp thế giới có cái nhìn rõ ràng hơn về hoạt động hạt nhân của Triều Tiên, đồng thời giúp mọi người bình tĩnh hơn trước những lời đe dọa hủy diệt mà Bình Nhưỡng thường xuyên tung ra. Tuy nhiên, các chuyên gia này cho rằng để có thể hiểu được những gì đang xảy ra với chương trình hạt nhân Triều Tiên, chỉ nghiên cứu ảnh vệ tinh thôi là chưa đủ.

"Bí mật của việc nghiên cứu ảnh vệ tinh hay dữ liệu vệ tinh là những thông tin đó sẽ trở nên vô nghĩa nếu bạn không có phông nền kiến thức văn hóa về Triều Tiên", Lewis cho biết. Bởi vậy, các chuyên gia còn phải dựa vào nhiều năm kinh nghiệm về văn hóa Triều Tiên cùng các nghiên cứu khoa học, thậm chí là các thông điệp tuyên truyền của Bình Nhưỡng, để hiểu rõ hơn về những gì đang diễn ra trên thực địa.

Dù vậy, công việc của các chuyên gia này luôn gặp nhiều thách thức. "Đây không phải là môn khoa học chính xác", Jenny Town, biên tập viên của 38 North, cho biết. "Khi nhìn thấy một đốm nhỏ trên đường ray, chúng tôi sẽ cho đó là một toa xe lửa, nhưng không có cách nào kiểm chứng được ngoài nhận định chủ quan".

Trong khi đó, Triều Tiên lại đang tăng cường các nỗ lực che giấu hoạt động hạt nhân của mình bằng các loại sơn và lưới ngụy trang, chế tạo mô hình giả và tiến hành xây dựng vào ban đêm. Mưa và mây mù cũng có thể cản trở tầm nhìn của vệ tinh. "Khi nhìn thấy bất cứ điều gì, bạn đều phải đặt câu hỏi về nó", Town nói. "Đây có phải là họ cố ý cho chúng ta thấy để đe dọa mà không cần đưa ra lời lẽ về một vụ thử hạt nhân?"

Những dấu hiệu 'biết nói' trước khi Triều Tiên nổ bom hạt nhân - 1
Ảnh vệ tinh chụp một khu vực ở Punggye-ri hồi tháng 8. Ảnh: 38 North.

Nhưng có những thứ Bình Nhưỡng không thể giấu được. Hình ảnh vệ tinh được chụp vài ngày sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 cho tới tháng 11 cho thấy sự gia tăng hoạt động ở một khu đường hầm chưa từng được sử dụng, dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử mới. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo rằng núi Mantap dường như đã tới ngưỡng chịu đựng sau một loạt vụ nổ hạt nhân và có thể sụp xuống, giải phóng đám mây bụi phóng xạ khổng lồ, nếu Triều Tiên tiến hành thêm một vụ thử tại đây.

Lewis cho rằng điều này cũng có thể không ngăn được Triều Tiên tiếp tục thử hạt nhân để hoàn thiện đầu đạn thu nhỏ có thể gắn lên tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể bắn tới Mỹ. "Giờ đã quá muộn để ngăn cản chương trình hạt nhân của Triều Tiên", ông nói. "Không sớm thì muộn, Triều Tiên sẽ sở hữu đầu đạn nhiệt hạch gắn trên một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm bắn có thể vươn tới Mỹ".

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)