Thế giới

Những cuộc điều trần đình đám trong lịch sử Mỹ

Donald Trump Jr., Jared Kushner và Paul Manafort sẽ ra trước Quốc hội tuần tới. Đây không phải là lần đầu tiên hàng triệu con mắt ở Mỹ hướng về các phiên điều trần ở Washington.

Donald Trump Jr., Jared Kushner và Paul Manafort sẽ ra trước Quốc hội tuần tới. Đây không phải là lần đầu tiên hàng triệu con mắt ở Mỹ hướng về các phiên điều trần ở Washington.

Cựu giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ James Comey điều trần trước Quốc hội về việc bị Tổng thống Trump cản trở điều tra tháng 6/2017. Ảnh: Reuters.

Hai tuần sau khi báo chí đưa tin cuộc gặp giữa chiến dịch tranh cử của Trump với luật sư Nga, Quốc hội Mỹ yêu cầu con trai Tổng thống Trump, ông Donald Trump Jr. cùng Paul Manafort, giám đốc chiến dịch tranh cử của Trump, ra điều trần ngày 26/7. Ngày 24/7, con rể ông Trump Jared Kushner cũng sẽ phải ra điều trần.

Lịch sử đã chứng kiến những phiên điều trần ở Washington kịch tính không kém Hollywood. Những phát ngôn mạnh mẽ đã giúp nhiều nghị sĩ trở thành “ngôi sao”, biến các nhân chứng thành các nhân vật nổi tiếng sau này được Hollywood khai thác, và cũng quật ngã không ít con người quyền lực, trang Politico bình luận.

Sau đây là một số buổi điều trần thuộc loại “đình đám” nhất trong lịch sử Mỹ:

Hillary Clinton - vụ tấn công Benghazi

Nhung cuoc dieu tran dinh dam trong lich su My hinh anh 1

Bà Hillary Clinton, lúc đó đã là ứng viên tổng thống, lắng nghe các câu hỏi của Quốc hội về vụ Benghazi. Ảnh: Reuters.

Sau vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi năm 2012 khiến 4 người Mỹ thiệt mạng, trong đó có đại sứ Christopher Stevens, Quốc hội Mỹ đã điều tra trách nhiệm của Ngoại trưởng Hillary Clinton.

Phiên điều trần “marathon” năm 2015 kéo dài 11 tiếng mệt mỏi từ sáng đến đêm cho bà Clinton. Với sự chia rẽ đảng phái trong Quốc hội, phe Cộng hòa lên án gay gắt bà Clinton đã không bảo đảm an ninh đầy đủ cho đoàn ngoại giao ở Libya.

“Các nhân viên ngoại giao đã đề nghị nhiều lần, nhưng những đề nghị đó đã bị như thế này”, Hạ nghị sĩ Peter Roskam nói, rồi tức giận xé toạc một tập giấy trước Hạ viện. Clinton nói tăng cường an ninh cho các đoàn ngoại giao không phải do bà, mà do các chuyên gia an ninh quyết định.

“Tôi đã mất ngủ nhiều hơn tất cả mọi người gộp lại. Tôi đã vắt óc nghĩ xem lẽ ra có thể làm gì hơn”, bà trần tình.

Cuộc điều tra Benghazi cũng phát hiện bà Clinton dùng server cá nhân cho công việc. Phe Cộng hòa cũng đã xoáy vào chủ đề này, và nó trở thành điểm yếu của bà Clinton trong kỳ bầu cử một năm sau đó.

“Thật đáng tiếc một vụ việc nghiêm trọng như Benghazi lại bị lợi dụng cho mục đích chính trị”, Clinton phát biểu.

Lloyd Blankfein – điều tra nguyên nhân khủng hoảng tài chính

Nhung cuoc dieu tran dinh dam trong lich su My hinh anh 2

Lloyd Blankfein, chủ tịch và giám đốc điều hành Goldman Sachs, phát biểu trong phiên điều trần. Ảnh: Reuters.

Nhằm điều tra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Quốc hội Mỹ đã tiến hành các phiên điều trần để chất vấn ngành cho vay nhà đất ở Mỹ.

“Chúng tôi muốn tìm ra sự thật. Công chúng đang tức giận, và họ có quyền tức giận”, một nghị sĩ phát biểu khai mạc vào năm 2010. “Nếu thờ ơ với lịch sử, chúng ta sẽ lặp lại sai lầm”.

Một nhân chứng quan trọng là Lloyd Blankfein, chủ tịch và giám đốc điều hành của Goldman Sachs. Ông bị Thượng nghị sĩ Carl Levin chất vấn về những khoản vay rủi ro mà ngân hàng đầu tư này bán đi.

“Chẳng lẽ các anh không thấy có vấn đề gì, khi các anh bán một tài sản cho khách hàng, rồi bằng mọi giá đánh cược nó sẽ giảm giá, và không hề tiết lộ khách hàng?” ông Levin nói.

“Vai trò của chúng tôi là tạo ra thị trường cho các sản phẩm đó, nên đó không phải là xung đột lợi ích”, Blankfein trả lời. “Chúng tôi không có vai trò bảo vệ khách hàng (fiduciary)”.

Kết quả điều tra của Thượng viện là một báo cáo 650 trang “Phố Wall và khủng hoảng tài chính: Bên trong quá trình sụp đổ” chi tiết các chiêu lừa đảo của các ngân hàng cho vay mua nhà lớn nhất ở Mỹ.

Anita Hill – điều trần phê chuẩn Thẩm phán Clarence Thomas

Nhung cuoc dieu tran dinh dam trong lich su My hinh anh 3

Anita Hill trong phiên điều trần tháng 10/1991. Ảnh: Getty Images.

Cái tên Anita Hill được cả nước Mỹ chú ý khi bà làm chứng ở Capitol Hill năm 1991, cáo buộc sếp cũ của mình ông Clarence Thomas quấy rối tình dục đối với bà trong thời gian làm việc cho ông. Ông Thomas vừa được làm thẩm phán Toà Tối cao Mỹ.

"Quan hệ công việc giữa chúng tôi trở nên căng thẳng khi Thẩm phán Thomas bắt đầu bàn chuyện sex ở cơ quan", bà Hill nói trong phiên điều trần. "Sau khi bàn một chút công việc ông ấy sẽ chuyển hướng sang chuyện tình dục. Ông ta dùng từ ngữ đầy tính khêu gợi".

Hill đã làm việc dưới quyền Thomas ở Bộ Giáo dục và Uỷ ban Cơ hội Việc làm Bình đẳng.

Trong 3 ngày Quốc hội điều trần phê chuẩn ông Thomas tháng 10/1991, bà Hill cũng cáo buộc ông Thomas đã dùng lời lẽ thô tục và nói chuyện phim đồi truỵ khi ở gần bà trong thời gian bà còn là trợ lý, và thường xuyên rủ bà đi chơi nhưng đã bị từ chối.

Thomas nhất quyết mình vô tội và nói bị những lời của Hill làm tổn thương. "Tôi chưa từng làm những gì bà ấy kể, và tôi vẫn không hiểu mình đã làm gì khiến bà vu cáo như vậy", Thomas nói trước Quốc hội.

Bất kể những cáo buộc của Hill, ông Thomas được Thượng viện phê chuẩn làm thẩm phán với số phiếu sát nút 52-48.

Oliver North – vụ bê bối Iran Contra 1987

Nhung cuoc dieu tran dinh dam trong lich su My hinh anh 4

Trung tá Oliver North tuyên thệ trước khi làm chứng. Ảnh: AP.

Trong vụ bê bối này, Nhà trắng đã âm thầm bán vũ khí cho Iran, nước đang bị cấm vận vũ khí. Đổi lại, nước này sẽ giúp đòi lại tự do cho 7 con tin người Mỹ đang bị giam cầm bởi nhóm vũ trang Hezbollah thân Iran.

Nhưng cuộc điều tra thoả thuận đổi con tin lấy vũ khí này đã phát hiện chỉ một phần tiền bán vũ khí đến được tay chính phủ Mỹ.

Trong khi đó, ở Nicaragua, nhóm vũ trang cánh hữu Contra đang nổi dậy chống lại chính phủ Sandinista cầm quyền ở nước này. Tuy Quốc hội đã thông qua đạo luật cấm mọi nỗ lực hỗ trợ Contra của chính quyền, Reagan vẫn âm thầm hỗ trợ tài chính và quân sự cho nhóm này.

Tháng 7/1987, Trung tá Oliver North, người tiến hành các hoạt động mờ ám trên, phải ra điều trần trước Quốc hội. Ông North quả quyết tổng thống đã đồng ý việc này. "Tôi đến đây để nói lên sự thật - cả tốt, xấu và khó nghe", ông nói.

Báo Washington Post bình luận buổi điều trần “đã hơn cả Hollywood về sự kịch tính”.

John Dean và Alexander Butterfield – vụ Watergate

Nhung cuoc dieu tran dinh dam trong lich su My hinh anh 5

John Dean, cựu cố vấn pháp lí cho tổng thống, làm chứng trước Ủy ban Watergate. Ảnh: AP.

Năm 1973, Ủy ban Watergate được thành lập để điều tra tổng thống Richard Nixon. Chiến dịch tranh cử của ông đã bị phát hiện dính líu tới vụ đột nhập vào trụ sở của Hội đồng Quốc gia đảng Dân chủ ở khách sạn Watergate.

Công chúng Mỹ đã dán mắt vào màn ảnh nhỏ để theo dõi các phiên điều trần này. Một nhân chứng quan trọng là cựu cố vấn pháp lí Nhà trắng John Dean, khi ông nói ngày 18/6/1973 Tổng thống Nixon cũng biết Nhà trắng đã bưng bít cuộc điều tra vụ đột nhập này. Nghị sĩ Howard Baker đã đặt câu hỏi nổi tiếng “tổng thống đã biết gì và biết khi nào?”

Tuy vậy, Nixon vẫn phủ nhận, cho tới ngày 16/7 cùng năm khi phụ tá của Nixon Alexander Butterfield tiết lộ Nixon có hệ thống nghe lén trong phòng Bầu dục. Tòa án Tối cao đã phải buộc Nixon đưa ra những tấm băng này, và phát hiện 18 phút rưỡi bị xóa đi mà Nhà trắng không giải thích nổi.

Những phiên điều trần này đã khiến Tổng thống Nixon phải từ chức, lần đầu tiên và cũng là duy nhất trong lịch sử Mỹ.

Frank Costello – điều tra mafia

Vụ ám sát một trùm sòng bạc ở thành phố Kansas City năm 1950 đã dẫn đến cuộc điều tra đặc biệt của Thượng viện về tội phạm có tổ chức do nghị sĩ trẻ tuổi Estes Kefauver dẫn đầu.

Ủy ban điều tra đã đến 14 thành phố lớn trong 15 tháng, giống như “một đoàn kịch lưu diễn khắp nơi” trước khi diễn ở kinh đô nhạc kịch Broadway, theo một bài viết trên trang web lịch sử của Thượng viện.

Nhiều gia đình Mỹ vừa mới mua TV, và các đài truyền hình đã phát sóng trực tiếp các phiên điều trần. Thậm chí ở Detroit, một chương trình nổi tiếng dành cho thiếu nhi bị tạm dừng để nhường sóng cho những tên trùm xã hội đen.

Khi ông trùm Frank Costello từ chối xuất hiện trước ống kính TV ở New York, ủy ban điều tra đã đồng ý không chiếu mặt ông, mà chỉ chiếu “đôi tay run rẩy một cách lo lắng, vô tình lại hấp dẫn người xem”, theo bài viết trên trang web Thượng viện.

Hãng tin AP viết lúc bấy giờ “Có một điều gì đó to lớn đã ùa vào nhà của hàng triệu người Mỹ khi ống kính TV lạnh lùng hướng vào các phiên điều trần tội phạm của Kefauver”. Ủy ban đã nhận được tới 250.000 bức thư từ khoảng 30 triệu khán giả truyền hình.

Những người sống sót sau vụ chìm tàu Titanic

Tháng 4/1912, một tiểu ban đặc biệt của Thượng viện điều tra vụ đắm tàu Titanic đã họp ở khách sạn Waldorf-Astoria ở New York, rồi sau đó ở Washington, theo Business Insider.

Tổng cộng, 82 nhân chứng kể lại những thiếu sót như những cảnh báo có băng trôi bị bỏ qua, số lượng thuyền cứu sinh quá ít cùng một số sai lầm khác. Cuộc điều trần kết thúc với Thượng nghị sĩ William Smith của bang Maine phỏng vấn thuỷ thủ trên tàu Olympic, con tàu “chị em” của Titanic.

Toàn văn các phiên điều trần dài 1.100 trang và đã được in lại năm 1988 sau khi phim Titanic khiến công chúng chú ý đến chuyện diễn ra với con tàu xấu số này.

Theo Trọng Tuấn (Tri Thức Trực Tuyến)