Thế giới

Những cách chạy trốn khỏi nhà tù an ninh bậc nhất ở Mỹ

Dù Clinton là nhà tù an ninh nhất tại bang New York, các cai tù ở trại giam này đã để xảy ra hàng chục vụ phạm nhân vượt ngục.

Dù Clinton là nhà tù an ninh nhất tại bang New York, các cai tù ở trại giam này đã để xảy ra hàng chục vụ phạm nhân vượt ngục.

Trại cải tạo Clinton là một trong những nhà giam lâu đời và an ninh nhất ở bang New York. Những tù nhân ở đây có thời gian án phạt kéo dài nhiều năm, nhiều thập kỷ, thậm chí tù chung thân. Họ phải đối mặt với thời tiết khắc nghiệt và sự buồn tẻ. Do vậy, tia hy vọng duy nhất của nhiều phạm nhân là nỗ lực vượt ngục.
 

Trại cải tạo Clinton năm 1929. Ảnh: NYT

Sau 170 năm hoạt động (từ năm 1845 đến nay), nơi này chứng kiến hàng chục vụ phạm nhân bỏ trốn. Tội phạm sử dụng nhiều biện pháp để đào tẩu, như phá cửa, mặc quần áo cải trang, hoặc lẩn trốn khi cai tù không để ý, theo báo New York Times.

Luis Garrastegue, tù nhân thụ án tại trại Clinton những năm 1980 và 1990, thường xuyên bàn bạc về kế hoạch vượt ngục với những bạn tù. "Chúng tôi nói về những bức tường dày, và liệu tôi có thể trèo cao tới đâu", Garrastegue cho biết.

Còn John Resko, một tù nhân tại nhà giam Clinton giai đoạn 1920 - 1930, khẳng định: "Chạy trốn luôn là mục tiêu cháy bỏng của tôi. Một phạm nhân luôn mong muốn thoát khỏi bức tường đang giam cầm để trở về với mái ấm, với gia đình. Anh ta sẽ làm mọi cách để đạt được mục tiêu này".

Một trong những vụ vượt ngục đầu tiên ở trại Clinton xảy ra năm 1860. Phạm nhân James Whitting trút bỏ quần áo nhà tù, mặc bộ đồ sinh hoạt đời thường và đi ra ngoài trong khi nhân viên bảo vệ không chú ý. Một năm sau, y bị bắt và đưa trở lại nhà giam do liên quan tới vụ lừa đảo thợ kim hoàn ở thành phố Philadelphia. Tuy nhiên, chỉ đến khi cảnh sát chụp hình phạm nhân, họ mới nhận ra đây là người tù từng vượt ngục.

Mùa hè năm 1903, Peter James, một tên trộm ngân hàng bị kết án tù chung thân, chạy trốn khỏi nhà giam Clinton qua đường hầm mà y mất 4 năm để đào xới. Đây là một trong những vụ vượt ngục có kế hoạch kỹ lưỡng nhất ở trại Clinton.

Trong thời gian thi hành án, James nhận công việc bảo dưỡng máy tại một cơ sở sản xuất đồ thiếc trong tù. Mỗi ngày, y dành vài phút để cào mòn lớp vữa và đá trên sàn nhà của xưởng bằng những mảnh thiếc. James khoác một lớp áo bên ngoài để tránh bụi bám lên bộ đồng phục trong tù.
 

Bên trong trại cải tạo Clinton năm 1997. Ảnh: NYT

Sau một thời gian, James bắt đầu đào sâu hơn. Lúc này, anh ta huy động sự hỗ trợ của những bạn tù khác. Họ sẽ rung chuông để cảnh báo cho James về hoạt động của cai tù.

Nhiều năm trôi qua, James đã đào xong một đường hầm dài 6 m và nối với hệ thống cống thoát nước của trại giam. Một ngày, theo kế hoạch, James cùng 3 tù nhân mang đồ ăn mà họ bí mật tích trữ để xuống đường hầm, chạy qua đường ống và thoát ra ở cánh đồng gần nhà tù.

Tờ Police Gazette đánh giá, vụ vượt ngục của James là sự kiện chấn động vì "nhà tù Clinton áp dụng kỷ luật thép, các cai tù không bao giờ lơi là". Tuy nhiên, James và đồng bọn không tự do được lâu. Cảnh sát đã bắt họ sau 5 ngày ở địa điểm gần biên giới với Canada.

Giáo sư sử học Jeff Hall (Cao đẳng cộng đồng Queensborough) cho biết: "Vượt ngục không phải chuyện dễ dàng nhưng nó đã xảy ra nhiều lần. Trong nhiều trường hợp, tù nhân bị phát hiện không phải do trực thăng tìm kiếm của cảnh sát hay các chiến dịch truy lùng rầm rộ mà từ thông tin của những người dân cảnh giác".

Rất ít trường hợp tù nhân ở trại Clinton vượt ngục thành công. Một trong những ngoại lệ hiếm hoi là vụ của John Filkins khi y chạy trốn vào ngày 15/9/1874. Khi đó, phạm nhân mặc bộ đồ sinh hoạt đời thường và rời khỏi nhà giam bằng cổng chính. Gần một năm sau, tờ Albany Times đưa tin: "Một người đàn ông thề sống chết rằng ông ta đã nói chuyện với Filkins ở Canada".
 
>> Con đường tội ác của 2 sát nhân vượt ngục rúng động Mỹ
>> Tiết lộ kinh hoàng về nhà tù có vụ vượt ngục chấn động Mỹ
>> Hé lộ mỹ nam kế trong cuộc vượt ngục New York
>> Hai tù nhân tại Mỹ đã vượt ngục như thế nào?
>> Hai tù nhân vượt ngục như trong phim tại Mỹ
 
Theo Minh Anh (Zing.vn)