Thế giới

Nhật muốn G7 ra tuyên bố về Biển Đông sau phán quyết PCA

Dự kiến chiều nay 12-7, Tòa trọng tài theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) sẽ đưa ra phán quyết về đơn kiện của Philippines. Nhật tuyên bố sẽ tìm cách có tiếng nói.

Dự kiến chiều nay 12-7, Tòa trọng tài theo phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) sẽ đưa ra phán quyết về đơn kiện của Philippines. Nhật tuyên bố sẽ tìm cách có tiếng nói.

Người dân Philippines biểu tình chống Bắc Kinh ở thủ đô Manila ngày 11-7 - Ảnh: Reuters
 
Bắc Kinh sẽ phản ứng với ngôn ngữ cay độc đối với bất kỳ phán quyết nào từ tòa án và có thể gia tăng hiện diện quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ kiểm soát như một cách thách thức

Ashley Townshend (thuộc Trung tâm nghiên cứu Mỹ của ĐH Sydney, Úc)

 

Theo nhật báo Inquirer, Nhật Bản đang dàn xếp với các thành viên G7 (nhóm 7 nước có nền kinh tế phát triển) để đưa ra một tuyên bố chung về Biển Đông sau khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague công bố phán quyết của Tòa trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS về đơn kiện của Philippines phản đối yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Đây sẽ là tuyên bố chung thứ ba của G7 về an ninh hàng hải kể từ tháng 4-2016, mục đích nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của tòa quốc tế, tuân theo các quy tắc và luật quốc tế trong giải quyết tranh chấp.

Các nước lớn bắt đầu 
lưu tâm nghiêm túc

Bắc Kinh không tham gia phiên tòa của PCA với tư cách của bên có liên quan và nhiều lần khẳng định sẽ không công nhận bất cứ phán quyết nào từ tòa này.

Cho đến hôm qua, tờ Nhân Dân Nhật Báo chính thống của Bắc Kinh tiếp tục đăng bài xã luận trong đó cho rằng Trung Quốc “không phải là bên gây rối mà là nạn nhân”!

Tờ báo này tiếp tục giọng điệu tố cáo Mỹ muốn kiềm chế sự lớn mạnh của Trung Quốc để tiếp tục đóng vai trò “đàn anh trong khu vực”.

Có thể thấy Bắc Kinh dù vẫn khăng khăng cho rằng tòa ở The Hague (Hà Lan) không có quyền hạn gì nhưng vẫn rất lo lắng khi nhiều nước lớn trên thế giới kêu gọi tuân thủ luật chơi chung.

Chính giới phân tích lại đánh giá các nước Đông Nam Á có một “lý lịch tốt” trong việc giải quyết tranh chấp thông qua quy trình pháp luật quốc tế và tôn trọng đầy đủ các phán quyết của cơ quan trọng tài.

Tiêu biểu có thể kể đến tranh chấp giữa Singapore và Malaysia xung quanh Pedra Branca, một hòn đảo cách bờ biển Singapore 50km.

Dù Singapore đã sở hữu hòn đảo này, họ vẫn đồng ý đem vụ việc ra Tòa công lý quốc tế (ICJ). Năm 2008, Singapore được xử thắng và cả hai nước đều chấp nhận phán quyết của tòa.

Cách hành xử này giúp họ duy trì mối quan hệ láng giềng tốt đẹp và tiếp tục hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác.

Trong vụ kiện mà Tòa trọng tài theo phụ lục VII của UNCLOS đang thụ lý, Nhật không phải là một quốc gia có liên quan đến tranh chấp (vốn ở Biển Đông), nhưng chứng kiến hành động đe dọa và phô trương quân sự của Trung Quốc, Nhật đã cam kết hỗ trợ cho hải quân Việt Nam và Philippines trong các hoạt động bảo vệ vùng biển.

Tiến sĩ Masashi Nishihara thuộc Viện Hòa bình và an ninh Nhật đánh giá Tokyo, trong tư cách chủ tịch G7 năm nay, đang nỗ lực mang các đối tác G7 xích lại gần hơn những người bạn ASEAN.

“Trước các cuộc họp G7, một số nước châu Âu không hứng thú mấy với Biển Đông, nhưng kể từ đó họ đã quan tâm hơn” - ông Nishihara nhận xét.

Chẳng hạn, nhân sự kiện Đối thoại Shangri-La ở Singapore vừa qua, Pháp đã bực mình trước hành động của Trung Quốc đến mức Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Le Drian đề nghị hải quân châu Âu triển khai tuần tra chung trong vùng biển thuộc ASEAN để tăng cường trật tự hàng hải.

Nhật muốn G7 ra tuyên bố về Biển Đông sau phán quyết PCA
Người dân Philippines biểu tình chống Bắc Kinh trước Lãnh sự quán Trung Quốc ở thủ đô Manila ngày 11-7 Ảnh: Reuters

Cảnh cáo ASEM

Hôm qua, trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Kong Xuanyou cảnh báo Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) không được mang chủ đề Biển Đông ra thảo luận.

ASEM là sự kiện ngoại giao lớn và quan trọng tổ chức vào cuối tuần này ở Mông Cổ. Theo ông Kong, ASEM chỉ là nơi thảo luận các vấn đề giữa hai châu lục và không có chỗ cho Biển Đông.

“Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEM không phải là nơi thích hợp để thảo luận về Biển Đông. Không có kế hoạch dành cho chủ đề này trong hội nghị và nó cũng không nên mang vào nghị trình” - vị quan chức ngoại giao Trung Quốc lên tiếng.

Tuy nhiên, Hãng tin Reuters dẫn lời một số nhà ngoại giao ở Bắc Kinh tham gia công tác chuẩn bị ASEM cho biết tranh chấp Biển Đông không tránh khỏi sẽ được nêu lên tại hội nghị.

Ngoài Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, các nguyên thủ khác tham gia ASEM còn có Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức cao cấp khác của châu Âu.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhiều lần nêu quan điểm nguyên nhân căng thẳng ở Biển Đông là do “một số nước bên ngoài” liên tục “can thiệp và phô trương sức mạnh”.

Theo lời ông Kong, Trung Quốc và các quốc gia có liên quan “có đủ trí khôn” để giữ vững hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

“Không thể mang vấn đề Biển Đông vào ASEM với cái cớ tự do hàng hải và lợi ích an ninh. Nó không có bệ đỡ nào để đứng vững” - nhà ngoại giao Trung Quốc lớn tiếng khẳng định.

Phản ứng của Philippines là chìa khóa

Tiến sĩ Ryoko Nakano (Đại học Kanazawa, Nhật) lưu ý tuy Tokyo có thể mang vấn đề Biển Đông vào nghị trình G7 nhưng Nhật sẽ “giữ kẽ” trong vấn đề này.

Lý do đầu tiên là hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ phản ứng như thế nào với phán quyết của PCA nên Nhật “không muốn tỏ ra quá phấn khích”.

Theo Minh Trung (Tuổi Trẻ)