Thế giới

Nhật Bản – Địa ngục của lao động trình độ thấp?

Hiện Nhật đang thiếu lao động trầm trọng nhưng người Nhật vẫn không thể chấp nhận được việc đất nước của họ sẽ mở cửa với nhập cư.

Hiện Nhật đang thiếu lao động trầm trọng nhưng người Nhật vẫn không thể chấp nhận được việc đất nước của họ sẽ mở cửa với nhập cư.

Nhật Bản – Địa ngục của lao động trình độ thấp?
 

Cả tháng bạn hoàn toàn không được nghỉ một ngày nào. Trong hình chụp cuốn sổ tay của bạn thực tập sinh như chúng tôi đăng tải dưới đây, con số 141 có nghĩa là trong tháng đó bạn đã làm thêm giờ đến 141 tiếng, và mức lương thêm giờ cực kỳ thấp đến phi lý.

Hiện nay, mức lương tối thiểu vùng cho lao động với kỹ năng nghề nghiệp tương tự đang được chính phủ Nhật đặt ra nhiều mức, tuy nhiên mức thấp nhất cũng không dưới 700 yên/giờ. Tại chính tỉnh Gifu nơi nữ thực tập sinh đó đang làm việc, lương tối thiểu hiện ở mức 776 yên.

Thế nhưng cách tính lương làm việc tại nhà máy mà bạn nữ thực tập sinh đang làm việc lại hoàn toàn trái với quy định của chính phủ Nhật. Bạn cho biết giờ làm việc thêm giờ đầu tiên, bạn được trả 905 yên, thế nhưng từ giờ thứ 2, con số này chỉ còn lại 505 yên.

Vì vậy nên dù làm việc cực kỳ chăm chỉ với 141 giờ làm thêm mỗi tháng, bạn cũng chỉ kiếm được khoảng 15 man, tức khoảng 30 triệu đồng Việt Nam – con số quá bèo bọt so với thời gian và công sức mà bạn đã bỏ ra.

Để đưa ra khung so sánh tương đương, chắc hẳn rất nhiều người trong chúng ta chưa thể quên vụ việc nhân viên công ty quảng cáo Dentsu đã tự tử vì làm việc quá sức. Ở thời điểm cô chết, cô đang làm thêm giờ với tần suất 105 tiếng/tháng.

Vậy với tần suất làm việc như trên, bạn nữ thực tập sinh Việt Nam được nhắc đến ở trên chắc cũng không thể duy trì việc làm thêm giờ kinh khủng như vậy nếu không muốn ngày nào đó cũng phải tự tìm đến cái chết hoặc trốn việc về nước.

Cuộc sống của các thực tập sinh Việt Nam cũng như người nước ngoài trên đất Nhật đối diện với vô vàn rủi ro trong điều kiện làm việc nguy hiểm, khắc nghiệt. Bạn Hà Minh, một tu nghiệp sinh Việt Nam khác tại tỉnh Hiroshima của Nhật mới đây cũng đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng giúp đỡ vì bị đối xử quá tồi tệ trong công việc.

Theo lời kể của bạn, một công ty Việt Nam khá lớn đã đăng tuyển thực tập sinh sang Nhật với những cam kết về lương, chế độ đãi ngộ bao gồm: Sẽ được đảm bảo quyền lợi khi sang Nhật, được trả lương đầy đủ khoảng 14 man yên Nhật, được bao tiền nhà, tiện điện nước, được cho xe đạp để đi từ nhà ra bến tàu cho thuận lợi.

Khi bạn ký hợp đồng lao động tại Việt Nam, công việc được thông báo là làm cơm hộp, nhưng bạn đã sang đến nửa năm tính đến thời điểm hiện tại, nhưng bạn vẫn chỉ làm dọn dẹp nhà máy. Sự thất vọng về nhà ở cũng không hề nhỏ.

Dù công ty cam kết lo nhà ở cho nhân viên nhưng trên thực tế khi các bạn đến nơi, các bạn bị đẩy vào căn phòng trống không có bất kỳ đồ đạc nào, phải trải chăn xuống đất nằm, không có bất kỳ trang thiết bị vật dụng gia đình nào khác, số tiền phòng thân các bạn mang theo vì vậy cứ vơi dần.

Sau đó, bạn được đưa đến căn hộ khác với nhiều thực tập sinh khác nhưng chính căn hộ này cũng hoàn toàn không có chìa khóa, không có bóng đèn, thậm chí không có rèm cửa trong khi căn hộ có cửa sổ lớn kính trong ánh sáng chiếu trực diện. Với điều kiện sinh hoạt như vậy nhưng mỗi tháng công ty cắt ra 25% lương của các bạn cho tiền nhà, điện nước, trái hoàn toàn với cam kết lương nhận về sẽ đạt 14 man bao toàn bộ nhà ở.

Nếu người lao động thắc mắc và kiện cáo, nhiều khả năng người đó sẽ bị tịch thu toàn bộ tư trang và bị đẩy lên máy bay bắt phải về nước. Phần đông các thực tập sinh trước khi sang Nhật đã vay mượn rất nhiều nên họ đành cắn răng chịu đựng để kiếm tiền trả nợ cho gia đình. Những tưởng rằng sang Nhật kiếm được công việc giúp giải tỏa bớt khó khăn tài chính cho gia đình nhưng cuối cùng nhiều người đi Nhật về lại nợ nần chồng chất.

Tác giả bài viết tự hỏi, không biết có khi nào đó những người tiêu dùng cầm trên tay các sản phẩm may mặc đẹp, giá rẻ, họ có nghĩ đến những người công nhân may nước ngoài đang phải bán cả sức khỏe và cuộc sống để sản xuất ra sản phẩm như vậy không?

Tháng 6/2014, hãng tin Reuters đã chạy một loạt bài điều tra rất có tiếng vang về cái mà gọi là “địa ngục trần gian”. Ba nhân vật chính trong phóng sự của Reuters bao gồm cô Lu Xindi, Qian Juan và Jiang Cheng, đều đến từ Trung Quốc.

Theo hồ sơ kiện lên tòa án Nhật, ba cô gái cho biết, họ được tuyển đến Nhật với mục đích để đào tạo nghề sau đó quay về Trung Quốc làm việc. Thế nhưng khi đến, họ chẳng được học bất kỳ kỹ năng nghề nghiệp nào mới mà bị đẩy vào xưởng chế biến đồ da giầy và may mặc làm các công việc dọn dẹp giản đơn. Mỗi ngày làm việc 16 tiếng, nghỉ một ngày Chủ Nhật và không được trả tiền làm thêm giờ.

Vụ việc của ba cô gái đặc biệt được chú ý bởi các cô làm việc trong xưởng sản xuất các sản phẩm cho hãng Burberry. Hiện nay, Nhật đang là thị trường quan trọng cho các hãng kinh doanh đồ xa xỉ của Anh. Mỗi năm, thị trường Nhật đóng góp khoảng 12,8% doanh thu toàn cầu cho Burberry.

Burberry đã ký hợp đồng thuê tuyển nhân công tại Nhật từ nhiều thập kỷ nay. Hiện đang có 4 nhà máy tại Nhật sản xuất đồ cho Burberry. Nhà máy lâu đời nhất của Burberry được xây từ thập niên 1970. Đồ Burberry được sản xuất tại những nhà máy này được bán ngay tại nội địa Nhật.

Phóng viên của Reuters đã nhiều lần cố gắng liên hệ với quản lý các nhà máy tại Nhật của Burberry nhưng hãng từ chối trả lời. Tất cả những đề nghị cung cấp thông tin liên quan đến các nữ công nhân đang làm việc trong điều kiện tồi tệ tại đây cũng không được hãng hồi đáp.

Số liệu mới công bố gần đây cho thấy hiện nay Nhật đang có khoảng 190 nghìn thực tập sinh. Gần 70% trong số đó đến từ Trung Quốc, người lao động phải trả một khoản tiền khá lớn để sang được Nhật với hy vọng kiếm được mức lương khá bù lại cho tiền đã bỏ ra. Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật từng nhiều lần tuyên bố sẽ sử dụng các biện pháp mạnh mẽ, thậm chí có thể truy tố và bỏ tù.

Thê nhưng cùng lúc đó, số lượng các vụ vi phạm về lạm dụng lao động tăng chóng mặt. Theo một thống kê vào năm 2012, có đến khoảng 79% các công ty đang sử dụng lao động tu nghiệp sinh vi phạm các quy định lao động.

Nhiều chuyên gia chỉ ra tình trạng này không thể sớm được giải quyết, lý do bởi dù Nhật là một trong những nước có dân số già nhất thế giới và hiện Nhật đang thiếu lao động trầm trọng nhưng người Nhật vẫn không thể chấp nhận được việc đất nước của họ sẽ mở cửa với nhập cư.

Theo Ngọc Thanh (Trí Thức Trẻ)