Thế giới

Nhật Bản: Cấm người mua lạm dụng tình dục robot

Cung cấp sản phẩm robot giống người đang bán rất chạy, hãng công nghệ Nhật Bản SoftBank đặt ra quy định trong thỏa thuận bán hàng rằng, người mua Pepper “không được thực hiện bất kỳ hành vi tình dục nào” trên robot hình người này.

Cung cấp sản phẩm robot giống người đang bán rất chạy, hãng công nghệ Nhật Bản SoftBank đặt ra quy định trong thỏa thuận bán hàng rằng, người mua Pepper “không được thực hiện bất kỳ hành vi tình dục nào” trên robot hình người này.

Pepper có thể dạy học, mua vui, thậm chí giúp người đứng xếp hàng trước quầy ngân hàng và làm thủ tục nhận phòng khách sạn. Nhưng thế hệ robot mới của Nhật Bản không thể trở thành đối tác tình dục. Đó là cảnh báo kỳ lạ mà SoftBank đưa ra gần đây khi tung những lô sản phẩm đầu tiên ra thị trường.
 
Trong thỏa thuận với người sử dụng, SoftBank tuyên bố “người chủ sở hữu không được thực hiện bất kỳ hành vi tình dục nào” trên robot hay “bất kỳ hành vi không đứng đắn nào khác”.
 

Robot Pepper đang tương tác với khách tại triển lãm sáng tạo châu Á. Ảnh: Getty Images

 Hành vi tình dục không mong muốn không phải nguy cơ duy nhất mà Pepper phải đối mặt. Đầu tháng này, một người đàn ông bị bắt tại một cửa hàng điện thoại di động gần Tokyo vì cáo buộc tấn công robot trong cơn giận dữ. Người đàn ông đang say rượu nói với cảnh sát rằng, anh ta trút giận lên robot vì khó chịu với các nhân viên tại cửa hàng.

Thỏa thuận bán Pepper vạch ra ranh giới mà khách hàng không được vượt qua, khi robot đang tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội hằng ngày ở Nhật Bản, từ dịch vụ khách hàng ở ngân hàng, lễ tân khách sạn đến trợ lý bán hàng. Những tính năng này thuyết phục được hàng ngàn người chịu chi 198.000 yen (khoảng 37 triệu đồng) để mua bạn đồng hành Pepper.

Robot này còn có thể đọc cảm xúc của con người, nói chuyện và di chuyển tự động. Nhưng SoftBank nói rằng, không nên hiểu nhầm sự hòa nhã của robot là vô hại. Robot cao 120cm không nên bị đưa ra khỏi khuôn viên của người sử dụng hay bị lạm dụng để tấn công con người.

Thỏa thuận bán hàng cũng cấm người sở hữu dùng robot để gửi thư rác, nhưng một phát ngôn viên của SoftBank nói rằng, người sở hữu có thể thay đổi phần mềm để robot có giọng nói “gợi cảm” hơn.

SoftBank thông báo, những hành vi dâm dục nhằm vào robot sẽ bị phạt, dù hãng không giải thích sẽ phạt như thế nào. Được quảng cáo là robot đầu tiên trên thế giới có khả năng đọc cảm xúc, Pepper đã tự chứng tỏ là bạn đồng hành được nhiều người ưa thích ở Nhật Bản.

 Bốn đợt xuất hàng với tổng số 4.000 robot của SoftBank đều được bán hết chỉ trong vòng 1 phút. Lô hàng tiếp theo sẽ được đưa ra thị trường vào cuối tháng 10.

Nhưng nhiều người còn băn khoăn về một tương lai đáng buồn khi robot có thể thay thế con người, và các chuyên gia về đạo đức robot cũng cảnh báo tình trạng lạm dụng những cỗ máy này vào mục đích tình dục.

Trong bài báo xuất bản đầu tháng này, Chiến dịch Chống Lạm dụng Tình dục Robot nói rằng, việc phát triển những cỗ máy như vậy làm trầm trọng hơn tình trạng “nhằm vào phụ nữ và trẻ em ở khía cạnh tình dục” và “giảm sự đồng cảm con người”.

Nhóm này cho rằng, khi robot giống người ngày càng trở nên phổ biến, điều cần thiết là phải phát triển một nền tảng đạo đức về cách thức cư xử với công nghệ mới.  
 
>> Đám cưới rô bốt đầu tiên trên thế giới
 
Theo Trúc Quỳnh (Tiền Phong)