Thế giới

Nhà tù chật ních tù nhân 80, 90 tuổi ở Nhật Bản

Nhiều phạm nhân, do tuổi cao sức yếu và bệnh tật, sau khi ra tù không kiếm được việc làm. Và tái phạm là lựa chọn tất yếu của họ.

Nhà tù chật ních tù nhân 80, 90 tuổi ở Nhật Bản
Phạm nhân 92 tuổi ngồi xe lăn, chịu án chung thân tại nhà tù Tokushima vì tội giết người và hãm hiếp, đang tập thể dục với sự trợ giúp của một nhân viên y tế. Ảnh: Reuters.

Ông lão 92 tuổi dáng người gày gò, lọt thỏm trong chiếc xe lăn giữa mảnh sân hẹp. Mắt nhắm nghiền và ngồi bất động, ông cụ tận hưởng sự ấm áp của ánh nắng mặt trời. Gần đó, khoảng hơn 10 cụ ông khác với mái tóc bạc húi cua đang chậm rãi thực hiện các động tác thể dục. "Đừng cố gắng quá", người huấn luyện viên hô to.

Đây không phải quang cảnh một viện dưỡng lão ở Nhật Bản. Ông già 92 tuổi ngồi trên xe lăn không là một cụ ông cao tuổi bình thường mà là một tù nhân đang thụ án chung thân vì tội giết người và hãm hiếp. Những ông lão tập thể dục gần đó đều được xếp vào dạng tội phạm nguy hiểm, theo Reuters. 

Nhà tù này ở vùng Tokushima, cách thủ đô Tokyo của Nhật Bản 520 kilometres về hướng tây, được chuyển đổi công năng để chuyên giam giữ những tù nhân cao tuổi. Như nhiều lĩnh vực khác trong xã hội, hệ thống nhà tù ở Nhật Bản cũng phải vật lộn với vấn đề già hóa dân số.  

Số lượng tù nhân trên 60 tuổi tăng 7% trong suốt 10 năm qua lên hơn 9.000 người, chiếm 19% tổng số tù nhân ở Nhật vào năm 2016. Trong khi đó, số lượng tù nhân cao tuổi ở Mỹ chỉ chiếm 6% và 11% ở Hàn Quốc.

Hàng ngày, các phạm nhân tại nhà tù Tokushima ngủ khoảng 4-5 tiếng. Thời gian còn lại, họ ngồi gấp giấy thủ công và làm các công việc nhẹ nhàng. "Tôi bị bệnh tim nên thường xuyên ngất xỉu ở xưởng sản xuất của nhà tù", theo phạm nhân 81 tuổi đang thụ án chung thân vì hành vi sát hại một tài xế taxi và làm một người khác bị thương trong một vụ án 60 năm trước. 

Bữa nào các quản giáo cũng phải cắt nhỏ thức ăn cho các tù nhân vì họ không còn đủ răng để nhai. Họ còn thuê một đội ngũ hộ lý chuyên chăm sóc người già túc trực trong bệnh viện của nhà tù. 

Không chuyện trò

"Chúng tôi muốn tù nhân rời khỏi đây trong tình trạng sức khỏe tốt", ông Kenji Yamaguchi, giám đốc phụ trách y tế tại nhà tù Tokushima, cho biết. "Có một số ý kiến cho rằng chúng tôi quá dễ dãi với tù nhân. Nhưng họ vẫn hoàn toàn không có tự do. Cuộc sống ở đây không hề thoải mái".  

Ông Yamaguchi lấy ví dụ, trong giờ làm việc, các tù nhân tuyệt đối không được phép nói chuyện, hay trong buồng giam không có điều hòa nhiệt độ, hoặc phạm nhân chỉ được tắm hai lần mỗi tuần vào mùa đông và ba lần vào mùa hè. 

Bộ Tư pháp Nhật Bản không hướng dẫn cụ thể các nhà tù đối xử như thế nào với tù nhân cao tuổi và để mỗi nhà tù được tự quyết. 13 nhà tù lớn nhất nước xác nhận họ không xây dựng khu giam giữ dành riêng cho phạm nhân cao tuổi và cũng không có chính sách đặc biệt cho họ. Tuy nhiên, khi xây dựng một tòa nhà ba tầng vào năm 2010, một nhà tù ở thành phố phía tây Takamatsu đã dành toàn bộ tầng một cho phạm nhân cao tuổi đồng thời đập thông các buồng giam với đại sảnh để tù nhân dễ dàng di chuyển. 

Không chốn dung thân

Nhà tù chật ních tù nhân 80, 90 tuổi ở Nhật Bản - 1
Các phạm nhân cao tuổi vừa ăn xong bữa trưa tại nhà tù Tokushima. Ảnh: Reuters.

Theo các chuyên gia, nhiều phạm nhân do tuổi cao sức yếu và bệnh tật nên không kiếm được việc làm sau khi mãn hạn tù. Và tái phạm là lựa chọn gần như tất yếu của họ. 

Số liệu thống kế chính thức chỉ ra khoảng 1/4 số phạm nhân trên 65 tuổi bị bắt trở lại nhà tù trong vòng hai năm kể từ sau khi được tha bổng, tỉ lệ này cao hơn nhiều so với tỉ lệ tái phạm ở các nhóm tuổi khác.

"Nếu anh trẻ trung, anh có thể tìm được việc làm và có cơ hội sống một cuộc sống bình thường", giáo sư Yasuyuki Deguchi tại đại học Tokyo Future nhận định. "Do không có công ăn việc làm cộng với việc bị dán nhãn là kẻ từng phạm tội, các phạm nhân cao tuổi khó tái hòa nhập xã hội".

Chỉ tính riêng năm 2016, 36% số tù nhân trên 60 tuổi đã từng ra tù vào tội ít nhất 6 lần, cao hơn rất nhiều so với con số 16% của tất cả các tù nhân ở mọi lứa tuổi cộng lại. 

Một phạm nhân 71 tuổi vào tù 7 lần vì tội trộm cắp và lừa đảo cho biết chính vì không kiếm được việc làm nên đành "ngựa quen đường cũ". 

"Không có ai thuê người trên 65 tuổi cả. Chỉ khi có việc làm và có chỗ nương thân, anh mới sống qua ngày được. Bằng không, anh sẽ lại ăn cắp vặt, trộm đồ ăn để bỏ vào cái bụng đói", ông lão 71 tuổi nói và kể thêm rằng biết những người sẵn lòng quay trở lại tù để "có cơm ăn và chỗ ngủ"

Một phạm nhân 70 tuổi khác lĩnh án 13 năm tù và đã thụ án được hơn 7 năm cho biết ông rất mong ngóng tới ngày tự do. "Thành thật mà nói, tôi cảm thấy hơi lo sợ. Tôi sợ sẽ không thích ứng được với thế giới ngoài kia. Tôi thậm chí còn không biết những thứ như điện thoại thông minh. Tôi phải cố xua đi ý nghĩ rằng thà ở lại trong này còn hơn".

Một phạm nhân 81 tuổi mang án chung thân ở nhà tù Tokushima đã từng được ân xá hai lần, nhưng cả hai lần đều bị bắt trở lại nhà tù vì tội uống rượu. Ông cụ mong ước sẽ sớm được ân xá lần thứ ba để được gặp mẹ già 103 tuổi. "Tôi muốn ra tù khi mẹ tôi còn sống. Đó là tất cả những gì tôi muốn", phạm nhân 81 tuổi bộc bạch.

Theo An Hồng (VnExpress.net)