Thế giới

Nhà điều tra buôn lậu ngà voi nổi tiếng bị sát hại ở Kenya

Hàng trăm kg ngà voi giấu trong container nhựa đường

Ông từng phanh phui nhiều đường dây buôn lậu ngà voi và sừng tê ở Nigeria, Ethiopia, Lào, và đang viết báo cáo về chuyến đi Myanmar khi bị sát hại

Nhà điều tra buôn lậu ngà voi nổi tiếng bị sát hại ở Kenya
Nghiên cứu của ông Esmond Bradley Martin giúp cắt đứt nhiều mạng lưới buôn lậu động vật hoang dã quốc tế

Đài CNN dẫn nguồn Bộ nội vụ Kenya thông tin ông Esmond Bradley Martin, một trong những nhà điều tra hàng đầu thế giới về buôn lậu ngà voi và sừng tê giác, được phát hiện đã thiệt mạng tại nhà riêng ở Kenya, thi thể có nhiều vết đâm.

Ông Bradley Martin mang quốc tịch Mỹ và là cựu đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về bảo tồn tê giác.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Kenya Mwneda Njoka, thi thể ông Bradley Martin được phát hiện tại căn nhà ở vùng Karen, ngoại ô thủ đô Nairobi vào ngày 4.2. Đây cũng là ngày sinh nhật lần thứ 77 của ông.

Hiện cảnh sát đang điều tra và chưa đưa ra nhận định nào về động cơ gây án của hung thủ. Theo CNN, ông Bradley Martin vừa trở về sau chuyến đi đến Myanmar và đang viết báo cáo về những phát 

Khi còn là đặc phái viên Liên Hiệp Quốc, ông Bradley Martin từng nổi tiếng vì góp phần tác động khiến Trung Quốc cấm buôn bán sừng tê giác vào năm 1993.

Trong nhiều thập niên, ông cùng vợ là bà Chryssee bóc trần nhiều đường dây buôn lậu sản phẩm từ động vật hoang dã ở châu Phi và Đông Nam Á, chủ yếu trong thời gian họ làm việc cho tổ chức phi lợi nhuận Save the Elephants ở Kenya.

Chuyên gia về voi Paula Kahumbu của tổ chức Wildlife Direct cho rằng ông Bradley Martin là một “tượng đài” về bảo tồn.

“Ông ấy một trong số ít người tiến hành điều tra thực sự về buôn lậu ngà voi và sừng tê. Việc làm của ông đã giúp các nhà bảo tồn có thêm động lực để nỗ lực hơn nữa”, bà Kahumbu nói.

Chuyên gia Ali Kaka thuộc tổ chức IUCN kể công việc điều tra của ông Bradley Martin là “cực kỳ nguy hiểm”. “Điều tôi lo ngại là cuộc chiến vẫn chưa kết thúc. Nó đang diễn ra ngầm và nguy hiểm hơn nhiều”, ông nhận định.

Chia sẻ với tạp chí Nomad vào năm ngoái, ông Bradley Martin cho biết giá bán sỉ của sừng tê giác châu Phi ở thị trường châu Á đã giảm xuống còn 28.000 USD/kg sau khi tăng đến 65.000 USD/kg.

“Điều gây thắc mắc là dù giá sừng tê giảm nhưng việc săn bắn lậu vẫn không giảm. Một băng săn trộm gồm 3 người thường được 2.300 USD/kg. Trung bình một sừng tê giác nặng khoảng 3kg và một băng săn trộm được hơn 6.000 USD. Đó là một số tiền rất lớn”, ông nói.

Theo Khánh An (Thanh Niên Online)