Thế giới

Nguy cơ chiến tranh Mỹ-Trung Quốc bùng nổ trên Biển Đông

Trung Quốc vừa có điều chỉnh lớn trong chính sách quốc phòng mình, kéo theo nỗi e ngại của dư luận thế giới về nguy cơ đụng độ vũ trang.

Trung Quốc vừa có điều chỉnh lớn trong chính sách quốc phòng mình, kéo theo nỗi e ngại của dư luận thế giới về nguy cơ đụng độ vũ trang.

Quân đội Trung Quốc sẽ mở rộng các hoạt động của mình trên một cấp độ mới. Lần đầu tiên lực lượng không quân Trung Quốc sẽ sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cả tấn công và phòng thủ.
 

Khu trục hạm tên lửa của Trung Quốc khai hỏa (ảnh: Tân Hoa xã)

Theo tài liệu mới của Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, bao gồm hải quân và không quân, sẽ được phép “phóng chiếu sức mạnh” vượt ra ngoài biên giới của nước này cả trên biển và trên không một cách đầy quyết đoán nhằm bảo vệ “các tài sản trên biển” của Trung Quốc.

Sách Trắng Trung Quốc tuyên bố, Hải quân nước này sẽ thêm nội dung “bảo vệ các vùng biển mở” vào truyền thống bảo vệ “các vùng nước ngoài khơi”.

Thái độ các bên làm gia tăng căng thẳng trên các đảo ở vùng Biển Đông và rộng ra là cả Thái Bình Dương, nơi Mỹ quyết tâm bảo vệ các lợi ích của đồng minh như Đài Loan và Philippines.

Mới tuần qua, một phi cơ Mỹ phớt lờ các cảnh báo của Trung Quốc để thực hiện một chuyến bay trinh sát trên quần đảo ở Biển Đông.

“Chiến tranh không tránh khỏi”

Tờ Thời báo Hoàn cầu- báo khổ nhỏ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho rằng Trung Quốc có thể phải “chấp nhận” có xung đột với Mỹ.

Tờ báo này – được xem là chuyên thể hiện quan điểm của các nhân vật dân tộc chủ nghĩa cứng rắn trong chính phủ Trung Quốc – viết: “Nếu vấn đề cốt yếu của Mỹ là Trung Quốc phải dừng các hoạt động của mình, thì khi đó một cuộc chiến Mỹ-Trung là tất yếu ở Biển Đông.”

Hôm 26/5 truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin Bắc Kinh đã bắt đầu xây dựng 2 ngọn hải đăng trên các rạn san hô ở Trường Sa (của Việt Nam).
 

Bức không ảnh về hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở bãi Vành Khăn (của Việt Nam) ở Trường Sa (ảnh: AP)

Tháng trước, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã gần như hoàn thành một sân bay trên Đá Chữ Thập (của Việt Nam) trong khi họ cũng đang cải tạo Đá Vành Khăn (cũng của Việt Nam) thành các đảo nhân tạo.

Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Yang Yujun bác bỏ những lời chỉ trích đối với chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, điềm nhiên coi các hoạt động phi pháp này là chuyện xây dựng nhà cửa trên đất liền Trung Quốc và “có lợi cho toàn thể cộng đồng quốc tế”.

Robert Dujarric, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á Đương đại tại Đại học Temple ở Nhật Bản, cho rằng mối quan ngại là “Trung Quốc tính toán nhầm về tình hình”.

Ông Dujarric nói: “Không bên nào muốn chiến tranh nếu tránh được điều đó, nhưng có ranh giới đỏ đối với mỗi bên. Tôi lo rằng Bắc Kinh coi Mỹ là một cường quốc đang suy yếu và cho rằng Washington sẽ lùi bước nếu Trung Quốc bắn rơi một máy bay trinh sát của Mỹ”.

Hồi năm 2001, Washington từng quyết định xuống thang sau khi một chiến đấu cơ Trung Quốc va chạm với một máy bay trinh sát của Mỹ ở ngoài khơi đảo Hải Nam.

Thế nhưng, Giám đốc Dujarric cho rằng nếu sự cố tương tự xảy ra trên không phận quốc tế ở Biển Đông, Mỹ sẽ phản ứng khác.
 
>> Trung Quốc khởi công xây hai hải đăng trái phép ở Trường Sa
>> Philippines phớt lờ Trung Quốc, điều phi cơ tới Biển Đông
>> Trung Quốc dọa áp dụng biện pháp mạnh với Mỹ trên Biển Đông
>> Mỹ tiếp tục tuần tra Biển Đông bất chấp Trung Quốc ngăn cản
>> Trung Quốc đuổi phi cơ tuần tra Mỹ trên Biển Đông
 
Theo Trung Hiếu (VOV.vn)