Thế giới

Người phụ nữ bị nhốt trong cũi giữa sa mạc đến chết vì đói khát và câu chuyện đầy ám ảnh sau bức ảnh khiến cả thế giới rùng mình

Theo tác giả bức ảnh, người phụ nữ này bị quy kết tội ngoại tình và phải chịu hình phạt bằng cách bị nhốt trong một nhà tù di động làm bằng gỗ.

Tháng 7 năm 1913, nhiếp ảnh gia người Pháp tên Albert Kahn trên đường đi chu du đến các vùng đất hẻo lánh khắp thế giới thì vô tình bắt gặp một người phụ nữ đang bị nhốt trong một chiếc cũi làm bằng gỗ tại Mông Cổ. Người phụ nữ này bị giam giữa một sa mạc hẻo lánh không có người qua lại, chiếc cũi gỗ về sau cũng sẽ chính là chiếc quan tài dành cho cô.

Bức ảnh được công bố lần đầu tiên vào năm 1922 trên tạp chí khoa học nổi tiếng National Geographic với một dòng chú thích nhỏ: "Tù nhân Mông Cổ trong một chiếc hộp gỗ". Sau khi được đăng tải, bức ảnh gây ra một làn sóng bức xúc vô cùng mạnh mẽ và khiến cả thế giới, những người chứng kiến phải rùng mình trước những hình thức trừng phạt tàn bạo dành cho con người, đặc biệt là với phụ nữ.

Người phụ nữ bị nhốt trong cũi giữa sa mạc đến chết vì đói khát và câu chuyện đầy ám ảnh sau bức ảnh khiến cả thế giới rùng mình

Theo tác giả bức ảnh, người phụ nữ này bị quy kết tội ngoại tình và phải chịu hình phạt bằng cách bị nhốt trong một nhà tù di động làm bằng gỗ. Cô chỉ được phép thò đầu và một cánh tay ra ngoài để xin thức ăn và nước uống của những người qua đường. Tuy nhiên, ngay cả như thế thì cánh tay cô cũng không đủ dài để có thể với lấy bát thức ăn hoặc cốc nước đặt dưới đất, và ở giữa một sa mạc nóng rát không có bóng người thì cô cũng chẳng thể nào xin đủ thức ăn để sinh tồn trong một khoảng thời gian dài.

Nhiều người bức xúc vì sao nhiếp ảnh gia Albert Kahn lại có thể thản nhiên chụp lại bức hình rồi bỏ đi mà không cứu lấy người phụ nữ tội nghiệp. Thế nhưng, theo tác giả, ông cũng cảm thấy vô cùng buồn bã và bất lực vì ông không được phép can thiệp vào hệ thống luật pháp và trật tự của địa phương.

Một số người cho rằng bức ảnh người phụ nữ trong chiếc hộp gỗ đang phải chịu mức án tử hình. Nhưng có một số thông tin phản bác lại rằng đây chỉ là hình phạt tạm thời vì xung quanh họ vẫn có bát thức ăn và nước uống để sống qua ngày. Thế nhưng, cho dù được xin thức ăn và nước uống của người qua đường, vẫn không có gì đảm bảo được rằng tại một nơi "khỉ ho cò gáy" như thế này họ có thể duy trì được sự sống.

Được biết, hình thức giam cầm này là một sự trừng phạt cực kì khắt nghiệt, giống như một nhà tù di động hay một chiếc quan tài dành cho người sống đối với những người phạm tội theo luật pháp hay tục lệ của địa phương. Khi sử dụng hình thức này như một bản án tử hình, tù nhân chỉ đơn giản là chết từ từ vì đói hoặc khát. Điều đó cũng khiến cho cái chết của tù nhân trở nên thống khổ và bi kịch hơn nhiều phần. 

Người phụ nữ bị nhốt trong cũi giữa sa mạc đến chết vì đói khát và câu chuyện đầy ám ảnh sau bức ảnh khiến cả thế giới rùng mình - 1
Những chiếc hộp gỗ dùng để giam cầm phạm nhân ở Mông Cổ đầu thế kỷ 20.

Chưa có ai chứng thực được người phụ nữ trong bức ảnh có phải vì tội ngoại tình mà chịu sự trừng phạt đáng sợ đến vậy hay không. Nhưng trên thực tế, vào đầu thế kỉ 20, Mông Cổ nổi tiếng với hệ thống nhà tù khắc nghiệt và tàn bạo. Các tù nhân đang chờ thi hành án sẽ bị nhốt trong một chiếc hộp gỗ với một lỗ hổng nhỏ chỉ đủ để nhìn ra ngoài. 

Chiếc hộp gỗ quá nhỏ đến nỗi tù nhân không thể nằm hay ngồi thoải mái, chưa kể họ còn bị còng hai tay và hai chân. Vì vậy, vào mùa đông, tù nhân sẽ bị đóng băng đến chết khi nhiệt độ giảm sâu hoặc nếu sống đủ lâu, chân tay sẽ bị teo đi vì thiếu vận động. Với hình thức dã man này, dường như việc của tử thần là chỉ ở sẵn đó, nhìn họ từ từ kiệt quệ rồi nhẹ nhàng lấy mạng.

Theo Negroni (Helino)