Thế giới

Người đàn ông Pháp kể về hành trình bơi vượt Thái Bình Dương

Từ Nhật Bản tới Hawaii, có những chặng mà cứ mỗi ba phút, Benoît "Ben" Lecomte lại nhìn thấy rác thải nhựa.

Lecomte đặt chân lên bãi biển Oahu, Hawaii hôm 10/12, hơn 6 tháng sau khi bước xuống biển ở Nhật Bản trong nỗ lực bơi xuyên đại dương tới San Francisco, theo CNN.

Người đàn ông Pháp kể về hành trình bơi vượt Thái Bình Dương
Lecomte bắt đầu hành trình xuyên Thái Bình Dương hồi tháng 6/2018. 

Lecomte, 51 tuổi, người Pháp, là phó giám đốc một công ty tư vấn môi trường bền vững, cùng đoàn thủy thủ tàu Discoverer khởi ngày từ Choshi, Nhật Bản hôm 5/6. Ông bơi 8 giờ một ngày, trung bình mỗi ngày 48 km. Lecomte đeo máy định vị GPS lên người. Thủy thủ sẽ đón ông lên tàu vào cuối ngày, hôm sau đưa ông quay lại điểm cũ để bơi tiếp.

Nhiệm vụ chính trong chuyến bơi vượt biển của ông là nghiên cứu ảnh hưởng của rác thải nhựa tới đại dương và nâng cao nhận thức của mọi người về nó. Lecomte đã nhìn thấy rất nhiều rác nhựa ở Thái Bình Dương.

"Thỉnh thoảng chúng tôi bơi cùng cá voi và sau đó 10 phút, một đống rác lớn nổi lềnh bềnh đập vào mắt. Có rất nhiều rác thải là đồ gia dụng", ông cho hay. "Nó gây ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống biển".

Người đàn ông Pháp kể về hành trình bơi vượt Thái Bình Dương - 1
Lecomte vào ngày thứ 160 trên biển. Ảnh: Lecomte.

Có những chặng Lecomte cứ mỗi ba phút lại nhìn thấy rác nhựa. Đội thuyền hỗ trợ đã thu thập khoảng 100 mẫu nhựa trong mỗi nửa giờ thả lưới.

"Đại dương đang trong tình cảnh bị đe dọa. Nếu chúng ta không có biện pháp khắc phục, vài năm nữa, tình hình sẽ khó khăn hơn nhiều", Lecomte cảnh báo. "Chúng ta phải thay đổi tình trạng này".

Các nhà nghiên cứu từ 12 tổ chức khoa học, bao gồm Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Hải dương học Woods Hole đã nghiên cứu và thu thập mẫu vật trong hành trình của Lecomte. Họ tập trung vào 8 yếu tố, bao gồm ô nhiễm rác nhựa, bức xạ từ thảm họa Fukushima, ảnh hưởng của bơi lội tới tim mạch và tâm lý của Lecomte.

Vào tháng 11, thuyền liên tục gặp thời tiết xấu buộc họ phải từ bỏ mục tiêu bơi xuyên Thái Bình Dương và dừng chân ở Aloha.

"Thời tiết rất xấu. Chúng tôi cố gắng khắc phục một số thiết bị trên thuyền bị hư hại, nhưng không được. Con thuyền không còn chắc chắn nữa, không đảm bảo an toàn. Vì vậy chúng tôi quyết định không bơi nữa", Lecomte nói khi đặt chân lên Hawaii.

Người đàn ông Pháp kể về hành trình bơi vượt Thái Bình Dương - 2
Một vỏ chai nhựa mà các nhà nghiên cứu đi cùng Lecomte vớt được hồi đầu tháng 12. Ảnh: Lecomte.

Dù không hoàn thành mục tiêu do thời tiết, nhưng Lecomte vẫn hy vọng sẽ hoàn thành mục tiêu bơi đến San Francisco và tiếp tục cảnh báo thế giới về mối nguy của ô nhiễm rác thải nhựa.

"Nhiệm vụ này sẽ không bao giờ dừng lại. Nó sẽ được tiếp tục, mang lại càng nhiều nhận thức về ô nhiễm đại dương do nhựa, nhằm truyền cảm hứng cho mọi người thay đổi thói quen sống", Lecomte bày tỏ.

"Thói quen sống của chúng ta trên đất liền, thói quen không tái chế rác, thói quen sử dụng túi nhựa một lần... Vì vậy chúng ta phải thay đổi thói quen này", ông kêu gọi.

Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)