Thế giới

Người có thể đã khiến cuộc đảo chính của phe đối lập Venezuela 'chết yểu'

Chánh án Tòa án Tối cao Venezuela được cho là hứa hẹn đứng về phía phe đối lập nhưng cuối cùng không thực hiện cam kết.

Người có thể đã khiến cuộc đảo chính của phe đối lập Venezuela 'chết yểu'
Chánh án Tòa án Tối cao Venezuela Maduro Moreno (hàng đầu, trái) trong lễ tuyên thệ của Tổng thống Venezuela Maduro hồi tháng một. Ảnh: Reuters. 

Đêm 23/4, một tuần trước khi phe đối lập Venezuela phát động cuộc đảo chính, 4 người đàn ông ngồi trên sân thượng tòa nhà ở Caracas của Chánh án Tòa án Tối cao Venezuela Maduro Moreno để vạch kế hoạch lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.

Tướng Christopher Figuera, lãnh đạo Cơ quan Tình báo Quốc gia Venezuela (SEBIN) và Cesar Omana, doanh nhân người Venezuela sống tại Miami, Mỹ đã đàm phán với Moreno trong vài tuần để đạt được thỏa thuận. Hai người nói với Moreno rằng các quan chức chính phủ và quân đội hàng đầu Venezuela đã sẵn sàng quay lưng với Maduro. Nhưng họ cần một đòn bẩy pháp lý để khiến cuộc đảo chính có tính hợp pháp và chỉ Moreno làm được điều đó.

Họ muốn Tòa án Tối cao Venezuela ngày 29/4 ra phán quyết không công nhận Hội đồng Lập hiến, cơ quan được thành lập vào năm 2017 để thay thế Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Quốc hội Venezuela đã tuyên bố Maduro là "người chiếm đoạt quyền lực" và coi thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời. Nếu Tòa án Tối cao ra phán quyết nói trên, tuyên bố của Quốc hội sẽ có cơ sở pháp lý và các lực lượng vũ trang sẽ có lý do chính đáng để quay lưng với Maduro.

Đổi lại, các thẩm phán trong Tòa án tối cao, bao gồm cả Moreno, sẽ được giữ chức vụ sau khi đảo chính thành công.

Phe đối lập Venezuela không muốn thực hiện một cuộc đảo chính bằng bạo lực. Họ muốn dùng một loạt tuyên bố chính thức được xâu chuỗi chặt chẽ để gây sức ép buộc Maduro từ chức mà không cần bắn một viên đạn nào.

Vì vậy, "phán quyết của Tòa án Tối cao là rất cần thiết. Nó cho quân đội lý do chính đáng để quay lưng với Maduro, hành động của họ sẽ được coi là hợp pháp", một người thuộc phe đảo chính nói.

Tuy nhiên, Moreno có vẻ lo lắng và ngờ vực trong cuộc họp đêm 23/4. Ông này trước đó đã liên lạc với một người Mỹ và những người thuộc phe đối lập đang sống lưu vong. Tuy nhiên, ông phàn nàn rằng nếu kế hoạch thất bại, ông có thể phải rời Venezuela và đến Mỹ tị nạn.

Sau đó, Moreno nêu vấn đề ai sẽ lãnh đạo đất nước nếu Maduro rời ghế. "Tại sao lại là Guaido? Sao phải là anh ta?", ông đặt câu hỏi. Moreno gợi ý nên để chính ông làm lãnh đạo lâm thời của đất nước.

Chánh án đưa ra phương án rằng ông sẽ hoãn việc công nhận quyền lực của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Thay vào đó, Tòa án Tối cao Venezuela sẽ là cơ quan lãnh đạo chính quyền lâm thời. Nếu động thái này được thực hiện, không phải Juan Guaido mà Moreno mới là lãnh đạo lâm thời của Venezuela nếu Maduro rời ghế.

Những người tham gia cuộc họp phản đối. Họ cho rằng quá trình chuyển đổi quyền lực cần một người có ảnh hưởng quốc tế và sự ủng hộ từ nhiều người dân. Người đó phải là Guaido.

Đến cuối cuộc họp đêm 23/4, Moreno dường như đã đồng ý với quan điểm này. Nhưng trong hai cuộc họp vào cuối tuần đó với Figuera (lần cuối cùng là vào ngày 28/4), ông bắt đầu tỏ ra nghi ngờ. Ông yêu cầu phe đối lập phải cho thấy bằng chứng rõ ràng rằng họ có sự ủng hộ từ quân đội trước khi Tòa án Tối cao ra phán quyết. Ông cũng yêu cầu Figuera bố trí lực lượng để bảo vệ gia đình ông sau khi phán quyết được ban hành.

Cuối cùng, không có hứa hẹn nào được thực hiện.

Các quan chức phe đối lập nói rằng cuộc đảo chính ban đầu được lên kế hoạch diễn ra vào ngày 1/5 nhưng bị đẩy sớm lên một ngày, sau khi Figuera gửi tin nhắn vào 1h sáng 30/4 thông báo ông sắp bị cách chức lãnh đạo SEBIN.

Figuera cũng cho biết Leopoldo Lopez, tù nhân chính trị nổi tiếng nhất Venezuela và là người đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực hạ bệ Maduro, sắp bị đưa trở lại phòng giam sau quãng thời gian bị quản thúc tại gia.

Các quan chức phe đối lập cũng được thông báo rằng chính quyền Maduro đang chuẩn bị thực hiện một số động thái cứng rắn đối với Guaido và các phụ tá của ông này. Thông điệp của Figuera là: "Chúng ta phải hành động".

Rạng sáng 30/4, Guaido xuất hiện với một nhóm binh sĩ tại căn cứ quân sự La Carlota ở Caracas, thông báo rằng ông được các đơn vị quân đội chủ chốt ủng hộ và kêu gọi những người khác cùng tham gia lật đổ Maduro.

Phe đối lập cố gắng tiếp cận Moreno vào ngày hôm đó nhưng các cuộc gọi của họ đều không được trả lời. Moreno không đưa ra phán quyết ủng hộ cuộc đảo chính như hứa hẹn.

Người có thể đã khiến cuộc đảo chính của phe đối lập Venezuela 'chết yểu' - 1
Quân đội Venezuela điều động xe bọc thép để giải tán người biểu tình ngày 30/4. Ảnh: Reuters.

Cuối cùng, Guaido không nhận được nhiều sự ủng hộ từ quân đội. Lực lượng của Maduro bảo vệ được căn cứ quân sự La Carlota và giải tán người biểu tình. Ít nhất 4 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa hai phe. Tổng thống Maduro lên truyền hình tuyên bố âm mưu đảo chính bị dập tắt.

Những diễn biến nói trên được tổng hợp từ các cuộc phỏng vấn ba người am hiểu những cuộc đàm phán với Moreno: một người trực tiếp tham gia cuộc họp, một quan chức đối lập cấp cao và một quan chức Mỹ cấp cao. Chúng làm sáng tỏ câu hỏi vấn đề gì đã khiến cuộc đảo chính ngày 30/4 nhanh chóng thất bại.

Moreno không phản hồi yêu cầu bình luận về thông tin trên. Ông đã công khai lên án âm mưu lật đổ Maduro. Tòa án Tối cao Venezuela sau đó buộc tội phản quốc với một số người liên quan đến cuộc đảo chính.

"Tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ với ý định bất hợp pháp của một nhóm rất nhỏ quân đội và thường dân tìm cách chiếm quyền bằng vũ lực, chống lại hiến pháp và luật pháp", Moreno nói trong cuộc gọi tới đài truyền hình nhà nước Venezuela 90 phút sau khi cuộc đảo chính bắt đầu ngày 30/4.

Maduro không có động thái trừng phạt Moreno hay những người mà Mỹ và phe đối lập nói là đã bí mật quay lưng lại với ông. Các nhà phân tích cho rằng có thể có hai lý do: Những người này thực chất chỉ giả vờ muốn lật đổ Maduro để phơi bày hoặc phá hoại âm mưu đảo chính, hoặc Maduro không có đủ quyền lực để thanh trừng các quan chức cấp cao.

Trong khi đó, dù thất vọng vì kế hoạch đổ bể, phe đối lập vẫn tin rằng diễn biến vừa rồi cho thấy có sự thiếu trung thành nghiêm trọng trong vòng tròn thân tín của Maduro. Họ cho rằng các quan chức cấp cao và thẩm phán Venezuela vẫn có thể thay đổi quan điểm.

"Lúc đó Moreno mà hành động như hứa hẹn thì rạn nứt trong vòng tròn thân tín của Maduro đã sâu hơn và có thể đó là vết nứt 'trí mạng'", một quan chức phe đối lập nói.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)