Thế giới

Ngày đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật Bản

Sau khi đến Nagoya, Nhật Bản, vào chiều 26/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Đối thoại chính sách kinh tế cấp cao Việt - Nhật, chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”.

Sau khi đến Nagoya, Nhật Bản, vào chiều 26/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Đối thoại chính sách kinh tế cấp cao Việt - Nhật, chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam-Nhật Bản. Ảnh: VOV​

Sáng nay 26/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn đại biểu cấp cao đã lên đường tới Nhật Bản, bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng theo lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. 

TTXVN cho biết, tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường. 

Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kể từ khi được bầu vào vị trí này. 

Hoạt động đầu tiên ở Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là dự Đối thoại chính sách kinh tế cấp cao Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề “Việt Nam hội nhập và phát triển”.

Theo TTXVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều điểm tương đồng như người dân hai nước hàng ngày ăn cơm bằng bát nhỏ và dùng đũa, trong lao động luôn coi trọng sự cần cù, hợp tác giúp đỡ, cởi mở, hiếu khách trong giao tiếp. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trích dẫn lời cựu thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama nói tình bằng hữu Việt - Nhật được xây đắp từ những tương đồng “cùng chung nhịp đập trái tim”.

Ngay dau tien cua Thu tuong Nguyen Xuan Phuc tai Nhat Ban hinh anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam-Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” giữa Việt Nam và Nhật Bản đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Đề cập việc triển khai TPP, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai nước hoàn toàn có khả năng nâng kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2020. 

Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản mở cửa thị trường cho trái cây Việt Nam như xoài, vải, thanh long… và mong muốn tiếp tục đưa nhiều hơn các mặt hàng thủy sản, hàng tiêu dùng, điện tử, linh kiện sản xuất tại Việt Nam đến với người tiêu dùng Nhật Bản. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết người Việt Nam ưa chuộng hàng hóa “Made in Japan” và sẵn sàng đón nhận các mặt hàng có chất lượng, công nghệ cao từ Nhật Bản.

Thời gian tới, Việt Nam sẽ có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác, trong đó có tất cả 7 thành viên Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và 15/20 thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển năng động nhất (G20). 

Bên cạnh các hoạt động chính thức, báo điện tử Chinhphu.vn cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng có nhiều cuộc gặp gỡ, như gặp Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) Angel Gurria, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Largarde, lãnh đạo tỉnh Aichi cùng một số doanh nghiệp Nhật Bản.

Hoạt động quan trọng kế tiếp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến công tác Nhật Bản là dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Theo M.A (Zing.vn)