Thế giới

Nga 'xẻ thịt' tên lửa thu được của Mỹ và liên quân: Bóc trần bí mật quân sự tinh vi

Giá trị thực sự của một quả tên lửa thu giữ được không phải là việc nó sẽ giúp đối phương chế tạo ra một vũ khí tương tự mà nằm ở chỗ họ sẽ tìm ra được cách bắn hạ nó.

Nga 'xẻ thịt' tên lửa thu được của Mỹ và liên quân: Bóc trần bí mật quân sự tinh vi
Tàu khu trục USS Porter phóng tên lửa Tomahawk trên biển Địa Trung Hải tấn công Syria năm 2017. Ảnh: Hải quân Mỹ

Ngày 25/4, trong cuộc họp báo tại Moscow, Bộ Quốc phòng Nga đã cho công bố những hình ảnh đầu tiên về 2 quả tên lửa của liên quân Mỹ - Anh - Pháp bị Quân đội Syria thu giữ được trong vụ không kích hôm 14/4/2018.

Cục trưởng Cục tác chiến Bộ tổng Tham mưu Quân đội Nga, Thượng tướng Sergei Rudskoy còn cho biết, các chuyên gia Nga đang nghiên cứu về hai quả tên lửa thu được này và kết quả sẽ được ứng dụng để cải tiến các hệ thống vũ khí của Nga.

Các kỹ sư quân sự Nga sẽ xử lý hai tên lửa "chiến lợi phẩm" này như thế nào? Trong bài viết đăng tải trên Tạp chí Popular Mechanics ngày 26/4, chuyên gia Joe Pappalardo đã đưa ra một số khả năng như sau.

Giải mã công nghệ (Reverse Engineering)

Bất cứ một tên lửa nào khi đã bắn đi thì thường bị coi là không còn sử dụng được nữa và bản thân nó cũng đã được thiết kế để không bộc lộ quá nhiều bí mật nếu chẳng may bị trục trặc kỹ thuật rơi xuống mà vẫn còn nguyên vẹn. Tuy nhiên, có một số bộ phận trong tên lửa hiện đại mà đối phương vẫn có thể khai thác.

Điều này đã từng xảy ra trước đây mà điển hình nhất là việc các kỹ sư Liên Xô đã giải mã được công nghệ của tên lửa không đối không Sidewinder.

Năm 1998, 6 quả tên lửa Tomahawk bị rơi ở Pakistan trong đợt tấn công vào các căn cứ ở Afghanistan do trùm khủng bố Osama bin Laden điều hành. Các nhà khoa học Pakistan và Trung Quốc được cho là đã nghiên cứu rất kỹ số tên lửa này và đã sử dụng kế quả thu được ứng dụng cho các chương trình vũ khí của họ.

Giá trị thực sự của một quả tên lửa thu giữ được không phải là việc nó sẽ giúp đối phương chế tạo ra một vũ khí tương tự mà là khi nghiên cứu được vũ khí của kẻ thù họ sẽ tìm ra được cách bắn hạ nó.

Nga 'xẻ thịt' tên lửa thu được của Mỹ và liên quân: Bóc trần bí mật quân sự tinh vi - 1
Mảnh vỡ tên lửa liên quân sử dụng tấn công Syria được Bộ QP Nga công bố

Rơi nhưng chưa "chết"

Nhiều năm trước đây, Tạp chí Popular Mechanics đã tiến hành một chuyến khảo sát tại Phòng Thí nghiệm Chế áp của Tập đoàn BAE Systems ở Nashua, New Hampshire. Tại đây, cơ quan này thực hiện các thí nghiệm nghiên cứu cách ngăn chặn tên lửa phòng không tấn công máy bay quân sự và dân sự.

Trên thực tế, cuộc cạnh tranh trong vấn đề này giữa Nga và Mỹ chưa bao giờ kết thúc dù Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt. Chuyến thăm quan phòng thí nghiệm của BAE đã mang lại cho Popular Mechanics một cái nhìn tổng quan về sự cạnh tranh thầm lặng đó và hiểu được cách những vũ khí thu giữ được của đối phương sẽ trở thành một tài sản quý giá như thế nào.

BAE không mua các hệ thống phòng không từ các nhà thầu của Nga hay Trung Quốc. Thay vào đó, họ được cung cấp bởi "những người bạn của chính phủ" (các cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh). Những tên lửa thu giữ được trên chiến trường sẽ trải qua một chuỗi các cuộc kiểm nghiệm đánh giá.

Điểm dừng chân đầu tiên của tên lửa "chiến lợi phẩm" sẽ là một phòng vô trùng. Tại đây, nó được đưa vào môi trường kiểm thử để các kỹ sư nghiên cứu những câu lệnh mà hệ thống dẫn đường chuyển tới cho các cánh lái tên lửa.

Nhóm nghiên cứu về chế áp sẽ xác định xem tên lửa bám bắt mục tiêu như thế nào và tìm hiểu xem có bất kỳ công nghệ mới nào được ứng dụng trong quá trình giải phẫu điện tử này không.

Đánh giá sơ bộ cũng chỉ là công đoạn đầu tiên. Sau đó, "bộ não" của tên lửa sẽ còn trải qua hàng loạt các kiểm nghiệm khác như: khả năng dẫn đường, thu thập thông tin mục tiêu...Các kỹ sư nghiên cứu có thể tiến hành hàng nghìn mô phỏng với nhiều tham số khác nhau và thậm chí kéo dài trong nhiều năm nếu cần thiết.

Nga chắc chắn cũng sẽ có những phòng thí nghiệm tương tự như của BAE, nơi các kỹ sư có thể nghiên cứu kỹ lưỡng những đầu dò chưa bị hư hại hoặc ăng ten liên lạc từ một quả Tomahawk thu giữ được và thử nghiệm khả năng phòng thủ trước công nghệ Mỹ.

Các ăng ten có thể được kiểm tra để tìm ra điểm yếu phục vụ mục đích chế áp; các dữ liệu dẫn đường có thể được sử dụng để xác định vị trí radar phòng vệ.

Bộ Quốc phòng Nga đã tuyên bố đang có kế hoạch chuyển giao thêm cho Syria các hệ thống phòng không mới trong tương lai gần.

Cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà chế tạo vũ khí Mỹ và Nga sẽ vẫn tiếp diễn. Do đó, ác mộng từ những quả tên lửa dẫn đường thu giữ được chắc chắn sẽ vẫn còn hiện hữu.

Theo Trung Phạm (Soha/Trí Thức Trẻ)