Thế giới

Nga-Việt thảo luận hợp đồng mới: Su-35, S-400, T-90?

Theo giới chức lãnh đạo Bộ quốc phòng Nga, nước này và Việt Nam đang thảo luận các hợp đồng mới về cung cấp vũ khí.

Nga và Việt Nam đang bàn thảo những hợp đồng mới

Ngày 11/3, giới truyền thông Nga đăng tải thông tin mới về thúc đẩy hợp tác quốc phòng Nga-Việt, dựa theo tuyên bố của ông Vladimir Kozhin, phụ tá Tổng thống Nga về hợp tác kỹ thuật-quân sự. Theo đó, vị quan chức này cho biết, Nga và Việt Nam đang thảo luận về các hợp đồng mua bán vũ khí mới.

“Hiện Nga đang tiến hành đàm phán các hợp đồng mới với Việt Nam, trong năm 2017, hai nước đã thực hiện xong một hợp đồng lớn. Hiện giờ chúng tôi đang thảo luận về những loại vũ khí mới" - ông Kozhin thông báo trên kênh truyền hình "Nước Nga - 24".

Mặc dù vị quan chức Nga không tiết lộ về hợp đồng lớn mà Nga đã hoàn tất đối với Việt Nam nhưng giới quan sát cho rằng, đó là hợp đồng mua sắm 64 chiếc xe tăng T-90S và T-90SK mà Việt Nam và Nga đã ký kết hồi năm 2016. Việc bàn giao đã bắt đầu vào tháng 11/2017.

Trước đó, các hãng tin chính thức của Nga đã xác nhận Việt Nam đã đặt mua 64 xe tăng phiên bản T-90S và T-90SK. Theo một số nguồn tin, hợp đồng có tổng giá trị ước đạt 250 triệu USD (tức là mỗi chiếc khoảng 3,9 triệu USD) từ nguồn tín dụng của Nga cung cấp.

Trước đó, báo cáo thường niên của Tập đoàn chế tạo máy Uralvagonzavod (Nga) cũng nêu rõ, ngay trong năm 2017 hãng phải hoàn thành hợp đồng đã ký với "khách hàng 704" (theo mã của Nga tức là Việt Nam) cung cấp 64 xe tăng chiến đấu chủ lực T-90S và xe tăng chỉ huy T-90SK.

Nhà phân tích quân sự Alexandr Khrolenko còn dự đoán rằng, 64 chiếc T-90 nhìn chung là một con số còn hơi ít so với tổng số xe tăng của QĐND Việt Nam. Do đó, trong thời gian trung hạn, Binh chủng Tăng - Thiết giáp Việt Nam có thể cần khoảng 200 xe tăng T-90MS.

Do đó, không loại trừ khả năng, tương lai gần, Việt Nam sẽ sắm thêm T-90 thay thế cho các dòng tăng cũ như T-54 và T-62.

Ngoài ra, vị quan chức này còn cho biết, năm 2017 Nga cũng đã hoàn thành hợp đồng lớn về cung cấp tàu ngầm cho Việt Nam, chiếc cuối cùng trong hợp đồng mua sắm 6 tàu ngầm diezen - điện lớp Varshavyanka (NATO gọi là Kilo) cho Việt Nam đã được bàn giao vào tháng 1/2017.

Ông Kozhin nhận định rằng, Việt Nam là khách hàng lớn nhất trong phân khúc tàu ngầm của Nga và cả tàu mặt nước thuộc dự án (Project) 1166.1, lớp Gepard 3.9. Hiện nay, giới truyền thông còn cho rằng, hai bên đang tiếp tục đàm phán mua sắm một số lớp tàu trang bị tên lửa Kalibr.

Theo lời ông Kozhin, Nga và Việt Nam có "mối quan hệ tương hỗ rất mật thiết", bởi Nga còn đang cung cấp các kỹ thuật-thiết bị hàng không cho Việt Nam ví dụ như các chiến đấu cơ hiện đại Su-30MK2, Su-27, trực thăng Mi-8/17.

"Chúng tôi cung cấp thiết bị hàng không cho Việt Nam, hiện nay đã có một trung tâm đa năng về bảo trì và sửa chữa toàn bộ các phương tiện phòng không do Nga sản xuất, vì đã cung cấp rất nhiều, thêm cả các vũ khí dành cho hải quân v.v…" - vị phụ tá Tổng thống Nga khái quát.

Nga-Việt thảo luận hợp đồng mới: Su-35, S-400, T-90?
Mặc dù đa dạng hóa nguồn cung vũ khí nhưng Việt Nam vẫn coi trọng mua vũ khí tác chiến của Nga

Trong thời gian qua, giới truyền thông cũng đăng tải một số thông tin về việc Việt Nam quan tâm đến một số thiết bị hàng không khác của Nga như tiêm kích đa năng thế hệ 4++ như MiG-35 hay chiến đấu cơ Su-35, thậm chí là cả tiêm kích tàng hình thế hệ 5 là Su-57.

Theo giới quan sát, Việt Nam còn có thể ngắm nghía các hệ thống phòng không tầm xa tiên tiến nhất thế giới là S-400 Triump của Nga để tăng cường sức mạnh cho các tổ hợp S-300PMU1 trước đây đã mua. Ngoài ra, Việt Nam cũng có lựa chọn mua sắm các hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn như Bu-M2E hay Buk-M3; Tor-M2 và Pantsir-S.

Việt Nam đa dạng hóa nhưng vẫn đặt trọng tâm là vũ khí Nga

Ông Kozhin tuyên bố rằng, hiện nay Việt Nam đang thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa hợp tác quốc phòng và đa dạng hóa nguồn cung vũ khí. Do đó, một số quốc gia như Israel hay Hoa Kỳ đang có ý định đẩy bật Nga để chiếm chỗ trên thị trường xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự ở Việt Nam.

Tuy nhiên, vị quan chức Nga nhấn mạnh rằng, Việt Nam luôn luôn là đối tác truyền thống của Nga kể từ thời Xô-viết và mối quan hệ này có sự bền vững và tin cậy, đã được kiểm chứng suốt từ thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam cho đến nay.

Do đó, giới chuyên gia nhận định rằng, mặc dù đa dạng hóa nguồn cung vũ khí nhưng Việt Nam vẫn sẽ mua sắm vũ khí tác chiến chủ yếu của Nga, còn lại có thể mua các trang bị hỗ trợ, bảo đảm của các quốc gia phương Tây như Mỹ, Canada, hay Israel.

Theo Huy Bình (Đất Việt)