Thế giới

Nga lên án mộng bá chủ của Mỹ

Nga dọa sẽ thông qua một loạt biện pháp trả đũa, kể cả về quân sự.

Nga lên án mộng bá chủ của Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu ở bang Nevada hôm 20-10.Ảnh: REUTERS

Dư luận có những phản ứng trái chiều sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo kế hoạch rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF) vì cáo buộc Nga vi phạm thỏa thuận này.

Quan điểm "diều hâu"

"Chúng ta phải phát triển loại vũ khí đó. Chúng ta sẽ chấm dứt thỏa thuận và chúng ta sẽ rút ra khỏi nó. Nga đã vi phạm thỏa thuận này trong suốt nhiều năm và tôi không hiểu vì sao Tổng thống Obama đã không đàm phán hoặc rút lui" - Tổng thống Trump tuyên bố với báo giới ở bang Nevada hôm 20-10 (giờ địa phương).

Khi được yêu cầu làm rõ, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng không thể chấp nhận được thực trạng Nga và Trung Quốc đều phát triển các loại vũ khí đó trong khi Mỹ lại tôn trọng triệt để hiệp ước.

Hai nhà lãnh đạo Ronald Reagan và Mikhail Gorbachev ký kết INF năm 1987 nhằm cấm các loại tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Theo hiệp ước này, gần 2.700 tên lửa tầm ngắn và tầm trung sẽ bị tiêu hủy và dẫn đến chấm dứt tình trạng đối đầu nguy hiểm giữa tên lửa đạn đạo của Mỹ và tên lửa SS-20 của Liên Xô ở châu Âu.

Cũng theo quy định của hiệp ước này, quyết định rút lui của Mỹ sẽ có hiệu lực sau 6 tháng. Một ngày trước, báo The Guardian (Anh) đưa tin nhân vật thúc đẩy Mỹ rút khỏi INF là Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người vẫn phản đối các hiệp ước kiểm soát vũ khí.

Các chính khách "diều hâu" của Mỹ cũng biện luận rằng INF trói tay Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc ở Thái Bình Dương khiến Mỹ không thể phản ứng trước tên lửa tầm trung của Trung Quốc có thể đe dọa các căn cứ, các đồng minh và tàu thuyền của Mỹ.

Chưa hết, ông Bolton và cố vấn kiểm soát vũ khí hàng đầu trong Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), ông Tim Morrison, cũng phản đối gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới, thỏa thuận hạn chế số lượng đầu đạn hạt nhân được triển khai ở mỗi bên ở mức 1.550 và thiết lập cơ chế thanh tra mới.

Thỏa thuận này được ký kết dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev và sẽ hết hạn vào năm 2021.

Phản ứng quyết liệt

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump thông báo như trên, các hãng tin Nga trích dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao nước này khẳng định động thái rút khỏi INF của Washington là để thực hiện giấc mơ một mình trở thành siêu cường trên toàn cầu.

"Động cơ chính là giấc mơ về một thế giới đơn cực" - một nguồn tin Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh với hãng tin Ria Novosti. Vị này cho biết Nga đã nhiều lần công khai lên án đường lối chính sách của Mỹ theo hướng hủy bỏ thỏa thuận kể trên.

Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bày tỏ với đài Sputnik rằng nếu Mỹ tiếp tục đơn phương rút khỏi INF thì Nga sẽ thông qua một loạt biện pháp trả đũa, kể cả về quân sự. Ông Ryabkov nhận xét rằng Mỹ cáo buộc Nga vi phạm INF dường như nhằm che giấu những vi phạm của họ. Theo ông, Nga sẽ tiếp tục đối thoại với Mỹ để giải quyết vấn đề liên quan đến INF.

Thượng nghị sĩ Nga Alexei Pushkov viết trên trang Twitter rằng động thái rút khỏi INF là "ngón đòn" mạnh thứ hai giáng vào toàn bộ hệ thống ổn định chiến lược trên thế giới. Trước đây, Washington đã rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo năm 2001. Chuyên gia Anh Malcolm Chalmers lo ngại:

"Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất về kiểm soát vũ khí hạt nhân kể từ những năm 1980. Nếu INF sụp đổ cùng với Hiệp ước START mới hết hạn, thế giới có thể sẽ lần đầu tiên kể từ năm 1972 chẳng còn giới hạn nào về kho hạt nhân ở các quốc gia sở hữu loại vũ khí này".

Hai ngày trước khi Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch như trên, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố người Nga sẽ "lên thiên đường" như những người tử vì đạo trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân bởi Moscow sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để trả đũa.

Theo Lục San (Nld.com.vn)