Thế giới

Mỹ vận động đồng minh trước hội nghị lần 2 với Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ ghé Nhật Bản trước khi đến Triều Tiên để tìm kiếm sự ủng hộ của đồng minh cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 giữa lúc đàm phán phi hạt nhân hóa bế tắc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã rời Tokyo đến Bình Nhưỡng hôm 7/10 sau khi cam kết rằng Mỹ sẽ hợp tác với hai đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc trong nỗ lực nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Nhật Bản thận trọng

Trước thềm chuyến đi thứ tư đến Triều Tiên, ông Pompeo đã gặp Thủ tướng Nhật Shinzo Abe hôm 6/10 để thống nhất quan điểm của Tokyo trong lúc tìm cách dàn xếp hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Mỹ vận động đồng minh trước hội nghị lần 2 với Triều Tiên
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 6/10 tại Tokyo. Ảnh: AP.

Nhật Bản vốn thận trọng với sáng kiến của ông Trump, lo sợ điều này có thể ảnh hưởng đến quan hệ an ninh lâu dài giữa Tokyo và Washington.

Ông Pompeo cho biết điều quan trọng là lắng nghe nhà lãnh đạo Nhật Bản "để chúng tôi có cái nhìn thống nhất và phối hợp toàn diện". Ngoại trưởng Mỹ cũng cam kết trong cuộc gặp giữa ông với nhà lãnh đạo Kim ngày 7/10, ông sẽ nêu vấn đề công dân Nhật bị bắt cóc bởi Triều Tiên.

Ông Pompeo có kế hoạch dừng chân ở Hàn Quốc và Trung Quốc sau đó để đánh giá lại việc đàm phán.

"Điều quan trọng là chúng tôi được nghe từ ngài trước khi tôi tới Bình Nhưỡng để đảm bảo rằng chúng ta hoàn toàn thống nhất về chương trình tên lửa, chương trình vũ khí hóa học và sinh học", ông Pompeo nói với Thủ tướng Abe.

"Chúng tôi cũng sẽ nêu vấn đề người bị bắt cóc và sau đó chúng tôi sẽ chia sẻ với ngài về việc chúng tôi hy vọng sẽ tiến hành như thế nào khi chúng tôi ở Bình Nhưỡng vào ngày mai".

Tổng thống Trump đang thúc đẩy cuộc gặp lần hai với ông Kim sau khi hội nghị thượng đỉnh tại Singapore hồi tháng 6 chỉ đạt được thỏa thuận mơ hồ về phi hạt nhân hóa với rất ít chi tiết cụ thể. Sau cuộc gặp lịch sử, hai bên đang bế tắc trong việc làm thế nào để đạt được mục tiêu đó. Ông Trump đã hủy kế hoạch tới Triều Tiên ban đầu của ông Pompeo tháng trước.

Ngược lại với Hàn Quốc, nơi Tổng thống Moon Jae In đi đầu trong việc khuyến khích ông Trump xích lại gần với Triều Tiên, Nhật Bản đã tỏ ra thận trọng một cách rõ ràng, đòi hỏi những lợi ích và quan ngại của họ phải được đề cập.

Ông Abe không nhắc đến những bất đồng nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cho thế giới thấy rằng liên minh Mỹ - Nhật đang "trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết" cũng như việc "phối hợp toàn diện" với Washington trên mọi khía cạnh của chính sách Triều Tiên.

Mỹ vận động đồng minh trước hội nghị lần 2 với Triều Tiên - 1
Ngoại trưởng Pompeo rời Tokyo đến Bình Nhưỡng hôm 7/10 cho chuyến thăm Triều Tiên thứ tư trong năm nay. Ảnh: AP.

Quá sớm để tuyên bố kết thúc chiến tranh

Ngoại trưởng Pompeo đã nhiều lần từ chối bàn luận về nội dung cụ thể của các cuộc đàm phán, bao gồm lập trường của Mỹ về yêu cầu của Bình Nhưỡng trong việc chính thức tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, cũng như đề nghị của Seoul rằng tuyên bố này cần đi cùng với việc đóng cửa cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên.

Mỹ và Nhật Bản đã thúc giục Triều Tiên tổng hợp và bàn giao danh sách chi tiết các cơ sở hạt nhân sẽ tháo dỡ như là bước tiếp theo trong quá trình; Bình Nhưỡng từ chối làm việc này.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho biết việc tổng hợp cho ra danh sách trên tiếp tục là ưu tiên đối với đất nước.

"Công khai toàn bộ danh sách cơ sở hạt nhân là bước đầu tiên hướng tới phi hạt nhân hóa", ông nói với các phóng viên sau khi ông Pompeo kết thúc cuộc gặp tại Tokyo.

Ông Kono cũng cho biết ông và Pompeo không đi vào chi tiết về tuyên bố kết thúc chiến tranh có thể đưa ra vì hiện còn quá sớm khi hầu như không có tiến triển nào về phi hạt nhân hóa.

Nhiều người tin rằng một tuyên bố như vậy có thể tăng thêm trọng lượng cho yêu cầu của Triều Tiên về việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản.

Khi đến châu Á, ông Pompeo cho biết nhiệm vụ của ông là "đảm bảo rằng chúng tôi hiểu những gì mà mỗi bên đang thực sự cố để đạt được... và làm sao để chúng tôi hoàn thành các cam kết đã được đưa ra" tại Singapore. Ông nói rằng họ sẽ thảo luận các phương án về địa điểm và thời gian cho hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim lần hai.

Ông cũng không nhắc đến mục tiêu đã nêu trước đó rằng Triều Tiên sẽ hoàn tất việc giải trừ hạt nhân trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 1/2021.

Mỹ vận động đồng minh trước hội nghị lần 2 với Triều Tiên - 2
Ngoại trưởng Pompeo và người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono tại Tokyo hôm 6/10. Ảnh: AP.

Kể từ khi các nỗ lực được tiến hành với chuyến đi bí mật tới Bình Nhưỡng hồi tháng 4 của ông Pompeo, khi đó còn là giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), những tiến triển đạt được là rất hạn chế.

Đến nay, Triều Tiên đã tạm dừng các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, phóng thích ba tù nhân Mỹ cũng như tháo dỡ một cơ sở động cơ tên lửa và lối vào đường hầm tại một bãi thử hạt nhân. Họ không có bất kỳ động thái nào để chấm dứt việc phát triển vũ khí hạt nhân hay tên lửa.

Bình Nhưỡng vẫn cáo buộc Washington "đòi hỏi một cách đơn phương và theo kiểu xã hội đen" về phi hạt nhân hóa và nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt cần được dỡ bỏ trước khi có bất kỳ tiến triển nào trong đàm phán hạt nhân.

Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)