Thế giới

Mỹ và Nga trong cuộc chiến S-400

Mỹ đau đầu vì từ đồng minh đến đối tác đều bị hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga thu hút.

Hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph của Nga đang có sức hấp dẫn với rất nhiều nước, trong đó có cả nhiều đồng minh Mỹ. Mỹ đã và đang rất nỗ lực ngăn chặn các nước, ít nhất các đồng minh mình, đừng mua S-400. Có vẻ Mỹ khá lẻ loi và yếu thế trong cuộc chiến này khi các ngón đòn trừng phạt và đe dọa không lung lạc được quyết tâm mua S-400 của các nước.

Sức hút S-400 đối với đồng minh Mỹ

Hàng loạt đồng minh quan trọng của Mỹ như Thổ Nhĩ Kỳ , Qatar, Saudi Arabia đều đã và đang có kế hoạch mua S-400. Thổ Nhĩ Kỳ chính thức ký thỏa thuận mua S-400 trị giá 2,5 tỉ USD với Nga tháng 12-2017. Nếu thương vụ diễn ra suôn sẻ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là thành viên NATO đầu tiên sở hữu S-400 của Nga.

Điều này làm Mỹ đặc biệt đau đầu. Theo Mỹ, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga đi ngược lại tinh thần Luật Đối phó các kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA).

Ngoài ra, nếu Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của nhiều loại vũ khí và công nghệ vũ khí Mỹ mà Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng, trong đó có F-35. Trước mắt Mỹ đã đáp trả bằng việc ngưng chuyển giao máy bay chiến đấu tàng hình F-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Phần mình, cuối tháng 8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói nước này cần cả S-400 của Nga và máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ, cảnh báo nước này sẽ tìm mua máy bay chiến đấu ở chỗ khác nếu Mỹ không chuyển giao F-35.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Çavuşoğlu cũng nói "nhất quyết" phải mua bằng được S-400, khẳng định như đinh đóng cột rằng hệ thống S-400 đầu tiên sẽ được giao vào năm tới.

Theo ông Çavuşoğlu, chuyện mua S-400 là "điều bắt buộc" khi Thổ Nhĩ Kỳ không thể mua các hệ thống tên lửa phòng thủ Patriot của Mỹ, vì Mỹ không đảm bảo được các nghị sĩ sẽ chấp thuận thương vụ này.

Ông Çavuşoğlu cũng nhắc nhở Mỹ rằng Thổ Nhĩ Kỳ là nhà cung cấp một số bộ phận chính để Mỹ sản xuất F-35, đề nghị Mỹ chấm dứt đe dọa, cảnh cáo sẽ không ngại trả đũa nếu Mỹ cứ tiếp tục làm áp lực. Theo CNBC, hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng hạ tầng đón các hệ thống S-400.

Ngay giữa các đồng minh của Mỹ cũng có xích mích vì S-400. Hồi tháng 6, Saudi Arabia tuyên bố sẽ cân nhắc "mọi biện pháp cần thiết" nếu Qatar ký thỏa thuận mua S-400 với Nga, Le Monde cho biết.

Saudi Arabia là một trong những nước vùng Vịnh đang phong tỏa Qatar. Bất kể đe dọa từ láng giềng Saudi Arabia và cả từ đồng minh Mỹ, Qatar vẫn khẳng định chuyện mua S-400 là "quyết định mang tính chủ quyền" của nước này. Phần mình, Nga vẫn tuyên bố sẽ theo đuổi cung cấp S-400 cho Qatar.

Mỹ và Nga trong cuộc chiến S-400
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan (trái) quyết mua bằng được S-400 (giữa) mặc sự đe dọa của Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải). Ảnh: REUTERS

Các đối tác Mỹ cũng mê mẩn S-400

Bên cạnh đồng minh, nhiều đối tác của Mỹ như Ấn Độ cũng đang muốn sở hữu S-400. Ấn Độ đang trong giai đoạn cuối thương lượng mua năm hệ thống S-400 từ Nga với giá 6 tỉ USD, dự kiến thỏa thuận sẽ được hai bên ký cuối năm nay.

Trước khi mua S-400, Ấn Độ đã mua máy bay chiến đấu, tàu chiến, tàu ngầm từ Nga. Khí tài quân sự hạng nặng của Nga chiếm tới 62% tổng nhập khẩu vũ khí của Ấn Độ trong năm năm qua, theo báo cáo của Viện Nghiên cứu hòa bình Stockholm (Thụy Điển) đầu năm nay.

Mỹ thời gian qua nhiều lần cảnh cáo Ấn Độ từ bỏ thương vụ mua S-400. Cuối tháng 8 vừa rồi, trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương Randall Schriver cảnh báo Mỹ không thể đảm bảo Ấn Độ sẽ được miễn trừng phạt theo Luật CAATSA nếu mua S-400.

Ông Schriver nói Mỹ muốn bàn chuyện bán hệ thống tên lửa phòng thủ của Mỹ cho Ấn Độ để thay thế S-400 của Nga.

Nói với Sputnik tuần trước, nhà Phân tích quốc phòng vốn là cựu thiếu tá không quân Ấn Độ Vijainder Thakur cho rằng sở dĩ Mỹ không muốn Ấn Độ mua S-400 của Nga chủ yếu vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống máy bay chiến đấu của Mỹ, đặc biệt khả năng tàng hình của F-35.

Trừng phạt của Mỹ khó cản được Nga

Trong nỗ lực ngăn chặn Nga bán S-400, ngày 20-9, Mỹ đưa vào danh sách đen thêm 22 cơ quan và cá nhân liên quan đến quân đội và tình báo Nga, thể theo Luật CAATSA. Theo đó, những ai làm ăn với các cơ quan và cá nhân trong danh sách, hiện đã có 72 cái tên, sẽ bị Mỹ trừng phạt.

Bên cạnh Nga, ngày 20-9, Mỹ cũng áp trừng phạt lên một số cá nhân và cơ quan thuộc quân đội Trung Quốc (TQ) liên quan việc TQ mua từ Nga 10 chiếc máy bay chiến đấu đa năng Su-35 (năm 2017) và hệ thống tên lửa đất đối không S-400 (năm 2018) từ Nga.

Cụ thể, Mỹ trừng phạt lên Cơ quan Phát triển thiết bị thuộc quân đội TQ vốn chịu trách nhiệm về vũ khí và thiết bị và giám đốc cơ quan này là ông Li Shangfu vì có giao dịch với tập đoàn xuất khẩu vũ khí lớn nhất của Nga là Rosoboroexport.

Theo trừng phạt thì cơ quan này và ông Li không được tham gia hệ thống tài chính của Mỹ và không được vào Mỹ. Cơ quan này và ông Li cũng bị đưa vào danh sách đen của Bộ Tài chính Mỹ, vốn khoanh vùng các cơ quan, cá nhân bị cấm làm ăn ở Mỹ.

Nói với Reuters, một nguồn tin quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên cho biết gói trừng phạt Mỹ áp lên TQ thực ra là nhắm vào Nga chứ không phải nhắm vào TQ hay quân đội nước này, dù hai nước đang leo thang chiến tranh thương mại. Cụ thể là Mỹ muốn gây khó cho quá trình bán S-400 của Nga.

Các quan chức Mỹ nói họ hy vọng hành động trừng phạt mới nhất với Nga và TQ là một thông điệp gửi đến các nước khác đang tính chuyện mua S-400 của Nga. Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ hy vọng bước đi này sẽ "khuyến khích các nước suy nghĩ kỹ càng hơn về việc gắn bó với lĩnh vực quốc phòng và tình báo Nga".

Tuy nhiên, nghị sĩ Nga Franz Klintsevich ngày 20-9 lên tiếng rằng đợt trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng đến các hợp đồng mua bán S-400 và Su-35. Nói với Interfax, ông Klintsevich khẳng định: "Tôi đảm bảo các hợp đồng này sẽ được thực hiện theo lịch. Việc sở hữu các thiết bị quân sự này rất quan trọng với TQ".

Nói với hãng tin Tass tháng trước, ông Alexander Mikheyev, Tổng Giám đốc Tập đoàn vũ khí Rosoboronexport - tập đoàn vũ khí lớn nhất của Nga, cho biết:

"Nhu cầu S-400 tăng đáng kể sau các sự kiện chiến đấu ở Syria". Ông Mikheyev tiết lộ Nga ngày càng nhận thêm nhiều đề nghị đàm phán mua S-400 từ các khách hàng tiềm năng. Còn báo Moscow Defense Brief thì cho biết Nga có thể sẽ thu về tới 30 tỉ USD từ việc bán S-400 trong 15 năm tới.

Phản ứng lệnh trừng phạt của Mỹ, ngày 21-9, người phát ngôn chính phủ Nga Dmitry Peskov nói trừng phạt của Mỹ là bước đi "không công bằng" nhằm cản trở tính cạnh tranh trong việc xuất khẩu vũ khí của Nga.

Về phía TQ, ngày 22-9, nước này triệu tập đại sứ và tùy viên quân sự Mỹ, triệu hồi một chỉ huy hải quân của mình đang ở Mỹ, phản đối chuyện Mỹ trừng phạt, theo Tân Hoa Xã.

Vài nét về S-400 Triumph

Cuộc chiến quanh S-400 của Nga diễn ra giữa lúc chính phủ Trump đang nỗ lực tăng tính cạnh tranh trong bán vũ khí của mình. Theo Washington Times, so với Mỹ, có vẻ Nga đang thắng thế về sức cạnh tranh bán vũ khí. Và S-400 có lẽ là loại vũ khí thành công nhất trong xuất khẩu của Nga, kể từ sau loại súng trường tự động Kalashnikov (AK).

Từ khi xuất hiện năm 2007, hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumph còn được NATO đặt biệt danh là SA-21 Growler. Đây được xem là hệ thống tên lửa chống máy bay cao cấp nhất của Nga. S-400 Triumph được cho là đối thủ trực tiếp của hệ thống tên lửa phòng không PAC-3 Patriot và hệ thống tên lửa phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối THAAD của Mỹ.

S-400 là nhân tố thiết yếu bảo vệ các căn cứ quân sự của Nga trên các chiến trường Syria, thu hút sự quan tâm của rất nhiều nước, trong số này có nhiều đồng minh Mỹ. Sự trình diễn của S-400 trong quá trình Nga hỗ trợ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad là một điểm cộng nổi bật của chiến dịch tiếp thị loại vũ khí này, các nhà thầu quân sự Nga nhận định.

Theo Đăng Khoa (Pháp Luật TPHCM)