Thế giới

Mỹ - Nga đọ căn cứ

Quân đội Nga không thể sánh với Mỹ về tài chính và hậu cần nhưng vẫn có thể cạnh tranh về chất lượng của sự hiện diện quân sự ở nước ngoài.

Mỹ - Nga đọ căn cứ
Một góc căn cứ không quân Hmeimim của Nga ở Syria 

Thực tế là cả quân đội Mỹ lẫn Nga đều đang tích cực vươn ra toàn cầu. Các cơ sở quân sự của Mỹ ở nước ngoài ước tính vượt xa con số của Nga trong khi lập trường của Moscow đã đổi thay mạnh thời hậu Liên Xô.

Nga có 21 căn cứ quan trọng

Mỹ cho đến giờ vẫn chưa chịu cam kết hiện diện quân sự thường trực ở các nước đồng minh Đông Âu. Thế nhưng, khả năng này đã làm dấy lên cuộc tranh luận rằng Nga phản ứng lại bằng cách thiết lập một căn cứ ở Belarus, nước láng giềng phía Tây.

Ở đây, vai trò dường như đã bị đảo ngược: Giới chức Belarus tỏ ra miễn cưỡng với viễn cảnh có một căn cứ không quân Nga đóng tại nước mình, còn phía Moscow công khai thể hiện mong muốn điều này.

Các quốc gia như Ba Lan giờ không còn tham gia vào liên minh quân sự do Điện Kremlin dẫn đầu nữa mà cho phép binh sĩ Mỹ và NATO đồn trú trên đất của mình. Ba Lan thậm chí sẵn sàng chi khoảng 2 tỉ USD để bảo đảm sự hiện diện quân sự thường trực của Mỹ trên lãnh thổ mình để đối phó điều mà họ gọi là "nguy cơ gây hấn từ Moscow".

Trong một số trường hợp, chính phủ Nga cũng cho đóng cửa một số căn cứ nhằm tiết kiệm chi phí. Ngày nay, Nga điều hành ít nhất 21 căn cứ quân sự quan trọng ở nước ngoài - nhật báo Izvestiya trích dẫn dữ liệu của Bộ Quốc phòng Nga và Liên Hiệp Quốc.

Trong số này có các sư đoàn bộ binh cơ giới ở Armenia và Tajikistan; các trạm radar ở Belarus và Kazakhstan - nơi Nga cũng có một bãi thử tên lửa; các sân bay ở Kyrgyzstan, Syria và Armenia; một vài cảng ở Syria…

Con số trên còn gồm các căn cứ gây tranh cãi ở Moldova và Georgia, nơi Nga được cho là đang hậu thuẫn phe ly khai và lực lượng chống chính phủ. Danh sách trên không tính đến bán đảo Crimea, bị Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014. Trước khi sáp nhập, quân đội Nga đã thuê cảng Sevastopol ở Crimea để làm căn cứ ở nước ngoài cho Hạm đội biển Đen.

Một bản tin của Reuters hồi năm 2016 tiết lộ Nga có ít nhất 18 cơ sở quân sự tại Crimea nhưng Moscow không bình luận gì về thông tin này. Cũng như Georgia và Moldova, Ukraine cho đến giờ vẫn phản đối mạnh việc triển khai quân đội Nga tại phần lãnh thổ được hầu hết thế giới công nhận là của họ.

Mỹ hiện diện khắp nơi

Trong khi đó, quân đội Mỹ đã công bố vài báo cáo cơ cấu các căn cứ quân sự, trong đó liệt kê khoảng 600-900 cơ sở quân sự ở nước ngoài. Báo cáo năm 2009 liệt kê 716 cơ sở quân sự ở nước ngoài, trong đó 13 nơi được xếp loại "lớn" và 19 được xếp hạng "trung bình".

Trong số 620 cơ sở được coi là "nhỏ" vẫn có những căn cứ tầm cỡ đáng kể. Đơn cử, doanh trại Coleman ở TP Mannheim - Đức, với hơn 1.000 binh sĩ Mỹ và một kho vũ khí có cả xe tăng.

Tại Nhật, căn cứ lính thủy đánh bộ Futenma là nơi trú đóng của hơn 3.000 binh sĩ Mỹ. Danh sách cũng đề cập Iceland, nơi "cơ sở" quân sự duy nhất của Mỹ là trạm phát sóng hải quân ở thị trấn đánh cá Grindavik.

Ngoài ra, khi đào sâu dữ liệu của Lầu Năm Góc, trang Politifact nhận thấy tại 148 quốc gia được liệt kê có cơ sở quân sự Mỹ hồi năm 2010, có đến 56 nước chỉ có chưa đến 10 quân nhân Mỹ hoạt động thường xuyên.

Những con số trên có thể giúp Mỹ tự hào khoe về hàng trăm cơ sở quân sự ở nước ngoài, cao gấp nhiều lần số lượng căn cứ của Nga. Tuy nhiên, bà Evelyn Farkas, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về Nga, Ukraine và khu vực Á - Âu, nhấn mạnh các con số không thể hiện đầy đủ về hoạt động của các quân đội.

"Mỹ vẫn là thế lực quân sự vượt trội trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người Nga không thể sử dụng ảnh hưởng của họ ở một số nơi trên thế giới" - bà nhận định.

Theo bà Farkas, Nga không có đủ năng lực để có được hạ tầng căn cứ quân sự như Mỹ hiện có trên toàn cầu.

Xét về mặt tài chính và hậu cần, quân đội Nga không thể sánh với Mỹ. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa Nga không thể cạnh tranh với Mỹ về chất lượng của sự hiện diện quân sự ở nước ngoài.

Bà Farkas nhận định rằng Điện Kremlin dưới thời Putin nói chung rất giỏi việc tiết kiệm sức mạnh và sử dụng ít nguồn lực để đạt mục tiêu. Chẳng hạn, họ đưa vào Syria những lực lượng đủ để đạt mục tiêu với phí tổn thấp nhất. "Họ không cần phải có những cơ sở lớn và quyền kiểm soát các căn cứ miễn là có thể áp đặt sự điều khiển" - bà đánh giá.

Những chương trình huấn luyện quân sự ở các nước Mỹ Latin, như Nicaragua hoặc sứ mệnh gìn giữ hòa bình ở Serbia là những ví dụ về hoạt động quân sự của Nga ở nước ngoài mà không cần đến căn cứ. Cả 2 trường hợp này cho phép quân nhân Nga tiếp cận Mỹ và các đồng minh gần hơn.

"Nếu có đủ nguồn lực, họ vẫn muốn có cách tiếp cận thông thường và những cơ hội mà các căn cứ truyền thống mang đến. Thế nhưng, họ đang làm những gì có thể với những gì có trong tay" - bà Farkas nhận xét về hướng tiếp cận của người Nga lúc này.

Theo Lục San (Nld.com.vn)