Thế giới

Mỹ - Hàn rạn nứt vì Trump quá 'tiền bạc', Moon quá tình cảm?

Trong khi Seoul hoài nghi về chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump, Washington cũng không hài lòng với thái độ thân thiện của ông Moon với Bình Nhưỡng.

Mỗi khi gặp gỡ, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc vẫn thường nhắc lại một khẩu hiệu quen thuộc, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa Washington và Seoul trong suốt 70 năm qua. Đó là câu: "Chúng ta đi cùng nhau" (We go together).

Khi ông Donald Trump thăm chính thức Hàn Quốc vào tháng 11/2017 trong chuyến công du đầu tiên của một tổng thống Mỹ đến nước này trong 25 năm, ông Trump đã được tặng những đồ dùng truyền thống Hàn Quốc có khắc dòng chữ này.

Tuy nhiên đằng sau những cử chỉ ngoại giao thân mật, mối quan hệ giữa Mỹ và Hàn Quốc đang đứng trước thử thách lớn và bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu rạn nứt.

Có ba yếu tố chính gây ra tình trạng này: một tổng thống Mỹ với chủ nghĩa đơn phương và xu hướng cô lập, một chính phủ Hàn Quốc có xu hướng ôn hòa đang bị chỉ trích vì tiến tới với Bình Nhưỡng quá nhanh, và một bộ phận người dân Hàn Quốc phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở nước này.

Mỹ - Hàn rạn nứt vì Trump quá 'tiền bạc', Moon quá tình cảm?
Tổng thống Mỹ Donald Trump được chào đóng nồng nhiệt với khẩu hiệu "We go together" khi đến thăm Seoul vào tháng 11/2017. Ảnh: Getty.

Mâu thuẫn vì tiền bạc

Ông Song Dae Sung, cựu chủ tịch Viện Sejong, một viện chính sách chuyên về an ninh ở Seoul, nhận định: "Tôi cho rằng liên minh Mỹ - Hàn đang gặp cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây".

Sau một năm đàm phán thất bại, hạn chót để Washington và Seoul gia hạn thỏa thuận chia sẻ kinh phí hoạt động của 28.500 lính Mỹ ở Hàn Quốc đã trôi qua vào ngày 31/12/2018.

Kể từ năm 1991, cứ sau mỗi 5 năm hai nước sẽ đàm phán lại phần đóng góp của mỗi bên cho kinh phí hoạt động của lính Mỹ ở Hàn Quốc. Seoul đang chi trả khoảng 860 triệu USD mỗi năm cho sự hiện diện này, gần một nửa tổng số tiền.

Trong lần đàm phán năm 2013, Hàn Quốc tăng phần chi trả của mình thêm 6%, nhưng trong lần này, tổng thống Mỹ được cho là yêu cầu Seoul bỏ thêm 150-200% số tiền hiện tại. Theo Wall Street Journal, trong các cuộc đàm phán năm ngoái, phía Mỹ yêu cầu Hàn Quốc trả ít nhất 1,2 tỷ USD.

Kể từ khi chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, các lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc đều ca ngợi liên minh quân sự hai nước, và cho rằng sự hiện diện của quân đội Mỹ là điều kiện quan trọng ngăn chặn xung đột xảy ra với Triều Tiên, giữ ổn định khu vực.

Vào năm 2004, hai nước đã thống nhất kế hoạch mở rộng căn cứ Humphreys, cách Seoul 65 km về phía Nam, biến nơi đây trở thành căn cứ lớn nhất ở nước ngoài của quân đội Mỹ.

Tổng thống Trump từ lâu đã phàn nàn về khoản kinh phí nước Mỹ phải chi trả để hỗ trợ và bảo vệ các đồng minh, bao gồm cả Hàn Quốc, và đã từng gợi ý khả năng rút bớt lính Mỹ tại nước này.

Một cựu quan chức chính quyền Trump cho biết tổng thống Mỹ từng đặt câu hỏi về việc liệu có cần thiết gây dựng một sự hiện diện quân sự lớn như vậy ở Hàn Quốc hay không.

Mỹ - Hàn rạn nứt vì Trump quá 'tiền bạc', Moon quá tình cảm? - 1
Binh lĩnh Mỹ và Hàn Quốc tập trận chung gần khu phi quân sự chia tách 2 miền tại Yeoncheon, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters.

Nỗi lo của người Hàn

Ông Kim Jong Ha, trưởng khoa sau đại học về quốc phòng và chiến lược tại Đại học Hannam ở Daejeon, nhận định: "Người dân Hàn Quốc nghi ngờ rằng ông Trump, với suy nghĩ của một doanh nhân, sẽ không có cam kết cá nhân với liên minh Mỹ - Hàn".

"Nỗi lo chính của nhiều người Hàn Quốc là Mỹ sẽ bỏ rơi nước này bằng việc chấm dứt hiện diện tại bán đảo hoặc đứng ngoài cuộc xung đột hai miền vì e ngại Triều Tiên sẽ tấn công hạt nhân Mỹ", ông nói thêm.

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan vào năm 2017, 96% người Hàn Quốc được hỏi cho biết họ thấy sự tồn tại của liên minh quân sự Mỹ Hàn là "cần thiết", tuy nhiên rất nhiều người bắt đầu tỏ ra bực bội với chính sách "Nước Mỹ lên trên hết" của ông Trump.

"Người dân Hàn Quốc thật sự không hiểu tại sao Tổng thống Trump lại chỉ nhìn liên minh hai nước dưới góc độ tiền bạc. Liên minh này còn hơn cả tiền bạc", ông Choi Kang, phó chủ tịch Viện Asan, cho biết.

"Chúng ta đã có thể giải quyết những bất đồng giữa Mỹ và Hàn Quốc về vấn đề này trong suốt 26 năm qua. Nhưng thật sự thì lần này thì các quan chức cảm thấy thất vọng".

Những lo ngại của phía Hàn Quốc càng tăng thêm sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, người luôn ủng hộ sự hiện diện của quân đội Mỹ ở nước ngoài và giúp đỡ các đồng minh, bất ngờ từ chức do mâu thuẫn quan điểm với Tổng thống Trump.

"Ông ấy là một biểu tượng, là người bảo vệ liên minh này. Nhưng bây giờ ai sẽ bước lên và nói chúng ta nên gìn giữ mối quan hệ đồng minh mà chúng ta đã trân trọng kể từ khi kết thúc Thế chiến 2?", nhà phân tích Choi Kang nhận định.

"Không còn ai nói 'không' với Tổng thống Trump ở phía Mỹ nữa", ông kết luận.

Khác biệt như đêm với ngày về Triều Tiên

Hồi tháng 10 năm ngoái, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha đã thừa nhận có một sự không hài lòng ở Washington về khác biệt giữa Mỹ và Hàn Quốc trong cách tái khởi động quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, vốn đang đình trệ.

Trong một cuộc điện đàm, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ "sự bất mãn" với một thỏa thuận quân sự liên Triều, trong đó hai miền đồng ý ngừng các cuộc tập trận, loại bỏ các trạm gác và bắt đầu tháo dỡ bom mìn dọc ở tuyến biên giới.

Thỏa thuận này được coi là một nhượng bộ lớn với Triều Tiên, khi mà tất cả những gì mà Bình Nhưỡng đưa ra chỉ là một cam kết mơ hồ về phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo, trong khi vẫn chưa có bước đi cụ thể nào trong việc giải giáp kho vũ khí hạt nhân của họ.

Điều này khiến một số quan chức bảo thủ ở Washington, cùng với những người diều hâu ở Hàn Quốc, tin rằng vị tổng thống thiên tả Moon Jae In quan tâm nhiều hơn đến việc hòa giải với Triều Tiên hơn là kho vũ khí của nước này.

Mỹ - Hàn rạn nứt vì Trump quá 'tiền bạc', Moon quá tình cảm? - 2
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đang đối mặt với sự chỉ trích từ phe bảo thủ ở cả Washington và Seoul

Bà Soo Kim, một cựu chuyên gia phân tích Triều Tiên của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), cho rằng có một sự khác biệt như đêm với ngày trong chính sách của Washington và Seoul với Bình Nhưỡng.

"Phía Mỹ vẫn giữ nguyên quan điểm không nới lỏng các biện pháp trừng phạt cho đến khi Triều Tiên cho thấy các bước đi đáng tin cậy, có thể đo lường và không thể đảo ngược đối với việc tháo dỡ các cơ sở hạt nhân của họ", bà nói.

Trong buổi họp báo năm mới, Tổng thống Moon hoan nghênh lời kêu gọi của ông Kim về việc mở lại khu công nghiệp liên Triều và những tour du lịch đến vùng núi phía bắc Triều Tiên. Để những hoạt động như vậy diễn ra, Mỹ và Liên Hợp Quốc cần phải giảm bớt các lệnh cấm vận với Bình Nhưỡng.

Ông Moon từng nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ với liên minh quân sự Mỹ - Hàn, thậm chí còn cho rằng liên minh này sẽ tiếp tục tồn tại ngay cả sau khi hai miền thống nhất. Tuy nhiên, nhiều quan chức trong nội các của ông đã bị chỉ trích vì những hành động và quan điểm được cho là quá thân thiện với Bình Nhưỡng.

Ông Im Jong Seok, người mới gần đây còn là chánh văn phòng của ông Moon, từng bị giam giữ vào hồi những năm 1980 vì tổ chức một chuyến đi bất hợp pháp cho các nhà hoạt động sinh viên tới Triều Tiên để gặp nhà lãnh đạo lúc đó là Kim Il Sung.

Cố vấn của tổng thống, ông Moon Chung In, từng bị chỉ trích khi trả lời phỏng vấn tạp chí Foreign Affairs cho rằng việc ký hiệp định hòa bình với Bình Nhưỡng sẽ khiến cho sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Hàn Quốc trở nên "khó giải thích".

Những rạn nứt trong quan hệ Mỹ - Hàn về liên minh quân sự hai nước lại là thông tin tích cực cho Triều Tiên và Trung Quốc. Bình Nhưỡng từ lâu đã yêu cầu loại bỏ "các lực lượng xâm lược đế quốc" ở Hàn Quốc, coi đây là trở ngại cho quá trình thống nhất bán đảo.

Trong khi đó Bắc Kinh cũng coi liên minh quân sự Mỹ - Hàn như một thách thức với tham vọng chiến lược ở khu vực này của Trung Quốc. Hơn nữa nếu hai miền thống nhất, quân đội Mỹ sẽ hiện diện ở một quốc gia láng giềng của Trung Quốc.

Trong bài phát biểu năm mới của mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tuyên bố hai miền bán đảo nên "nắm tay nhau", trong khi "sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, những người cản trở hòa giải, đoàn kết và thống nhất dân tộc" sẽ không được dung thứ.

"Ông ấy rõ ràng đang nói rằng nếu Hàn Quốc muốn hợp tác nhiều hơn với Triều Tiên, họ sẽ phải đưa ra một lựa chọn. Đó là trở nên độc lập hơn với Mỹ", nhà phân tích Choi Kang nhận định.

Theo Sơn Trần (Tri Thức Trực Tuyến)