Thế giới

Mưa nhân tạo: Công cụ điều khiển thời tiết theo ý con người

Kể từ khi xuất hiện năm 1946, công nghệ gây mưa nhân tạo được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới giúp chống hạn hạn, giảm ô nhiễm không khí, phục vụ sự kiện quan trọng...

Kể từ khi xuất hiện năm 1946, công nghệ gây mưa nhân tạo được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới giúp chống hạn hạn, giảm ô nhiễm không khí, phục vụ sự kiện quan trọng...

Mưa nhân tạo được hình thành bằng cách phun một lượng nhỏ hóa chất (iôt bạc hoặc cacbon dioxit) để kích thích các khối không khí bốc lên, gây ra quá trình ngưng tụ hơi nước. Sau đó, người ta dùng máy bay hay tên lửa... tác động vào khối ngưng tụ này gây mất cân bằng và tạo ra các hạt nước.

 Mua nhan tao: Cong cu dieu khien thoi tiet theo y con nguoi hinh anh 1
Máy bay hỗ trợ quá trình tạo mưa nhân tạo. Ảnh: gizmodo.

Mỹ

Trận mưa tuyết gần Schenectady, ngoại ô thành phố New York vào năm 1946 là sự kiện mở đầu cho công nghệ tạo mưa nhân tạo trên thế giới.

Theo trang Artificialclouds, các bang khô hạn ở Mỹ, điển hình là California, đã tiến hành gây mưa nhân tạo với iot bạc vào những năm 1960. Khi tình trạng khan hiếm nước ngày càng trầm trọng, các bang khác như Colorado, Georgia, Hawaii... cũng áp dụng theo, trong khi các bang như New York hay Washington vẫn còn có những tranh chấp pháp lý liên quan đến công nghệ này.

Ở Mỹ, chính quyền địa phương thường là đơn vị thuê các công ty điều khiển thời tiết gây mưa nhân tạo với mục đích gia tăng lượng mưa và nguồn cung cấp nước. Những dự án tăng cường lượng mưa được người tiêu dùng thanh toán thông qua một khoản phụ phí trong hóa đơn thanh toán tiền nước. Họ coi đây là một trong những cách thức cung cấp nước ít tốn kém.

Nga

Năm 2015, Nga đã chi hơn 6,6 triệu USD đảm bảo tạnh ráo trong dịp lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, theo Moscow Times.

 Mua nhan tao: Cong cu dieu khien thoi tiet theo y con nguoi hinh anh 2
Quảng trường Đỏ của Nga tạnh ráo trong lễ duyệt binh kỷ niệm chiến thắng Phát xít. Ảnh: AP

Trước khi cuộc diễu hành tại Quảng trường Đỏ diễn ra, một phi đội bay của không quân Nga đã xuất kích từ căn cứ phía Bắc Moscow từ 6h sáng để phun hỗn hợp hóa chất vào các đám mây ở độ cao 8.000 m, gây mưa trước đó ở các khu vực lân cận, tránh xảy ra mưa ở trung tâm thủ đô của Nga.

Đại diện trung tâm kí tượng Nga cho biết kỹ thuật gây mưa theo cách này không ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường.

Trước đó một năm, chính quyền Moscow đã chi gần 4 triệu USD cho việc "đảm bảo thời tiết tốt" cho thành phố trong những ngày nghỉ lễ của tháng 5.

Nhật Bản

Hiện tượng khan hiếm mưa trong nửa cuối năm 2013 đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân toàn khu vực Kanto, phía đông đảo Honshu, bao gồm 6 tỉnh của Nhật Bản và thủ đô Tokyo.

Tháng 8/2013, chính quyền thành phố Tokyo trên cơ sở thử nghiệm, đã sản xuất mưa nhân tạo để đối phó với mực nước thấp hơn mức trung bình trong hồ chứa của sông Tama, Japan Times cho hay.

Máy phát điện trên mặt đất đã được sử dụng ở khu vực Okutama, phía tây Tokyo, và Koshu, tỉnh Yamanashi, để đưa iot bạc trộn với acetone vào không khí để tạo hơi ẩm. Khi khối hơi này đạt đến độ cao 4.000 đến 5.000 mét, hỗn hợp ban đầu đóng băng và ngưng tụ trong các đám mây, tạo ra mưa.

Cuối cùng, mưa đã xuất hiện tại thượng nguồn đập Ogouchi trên sông Tamagawa với lượng mưa ở mức 10 mm.

Trung Quốc

Quốc gia đông dân nhất thế giới tạo ra 55 tỷ tấn mưa nhân tạo mỗi năm, theo thống kê năm 2013 và trở thành đất nước chi tiêu nhiều nhất cho công nghệ này. Mục đích tạo mưa nhân tạo ở Trung Quốc là chống hạn hán, hạn chế mưa đá và ô nhiễm không khí.

Công nghệ gây mưa nhân tạo được sử dụng từ năm 1958 và đã trở thành một trong những biện pháp quan trọng trong việc tăng cường giám sát và ứng phó với thiên tai của Trung Quốc.

 Mua nhan tao: Cong cu dieu khien thoi tiet theo y con nguoi hinh anh 3
Một trong các thiết bị gây mưa nhân tạo của Trung Quốc. Ảnh: AP.

Đặc biệt, vào dịp Olympic Bắc Kinh 2008, hơn 1.000 tên lửa iot bạc đã được bắn lên vào bầu trời từ 21 địa điểm khác nhau ở thủ đô trong tổng cộng hơn 7 giờ đồng hồ.

Nỗ lực xua mây, tan mưa trước thềm lễ khai mạc giúp "gột rửa thành phố" và giữ cho Bắc Kinh khô ráo sau đó, trong khi các khu vực xung quanh trung tâm thủ đô và ngoại thành có mưa nhỏ. 

Malaysia

Tháng 9/2015, Malaysia đã pha chế hỗn hợp để phun chất gây mưa nhân tạo nhằm làm giảm tình trạng ô nhiễm không khí do đốt rừng, Borneo Post đưa tin.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khí quyển và tạo mây thuộc Cục khí tượng Malaysia cho biết cơ quan này phối hợp cùng Không quân Hoàng gia Malaysia làm mưa nhân tạo tại hai khu vực Klang Valley và Kuching. 

Các chuyên viên Malaysia pha hỗn hợp muối, chủ yếu là NaCl, để nạp vào bình phun rồi chuyển lên máy bay của quân đội Malaysia để sẵn sàng phun lên các đám mây.

 Mua nhan tao: Cong cu dieu khien thoi tiet theo y con nguoi hinh anh 4
Binh sĩ Malaysia phun muối vào mây. Ảnh: The Star.

Sau khi máy bay đạt độ cao từ 1.200 m đến 2.100 m tùy khu vực và điều kiện thời tiết, binh sĩ không quân Malaysia phun dung dịch vào các vùng mây. Việc phun muối vào mây nhằm tăng sự ngưng tụ của các hạt nước, từ đó tăng khả năng tạo mưa.

Malaysia đã áp dụng tạo mưa nhân tạo từ năm 1979 để dập các đám cháy rừng lớn hoặc làm giảm ô nhiễm không khí. Đại diện Cục Khí tượng Malaysia cho biết, mỗi chuyến bay làm mưa nhân tạo có thể tốn khoảng 7.500 USD. 

Thái Lan

Đầu năm nay, trong bối cảnh hứng chịu đợt hạn hán lớn nhất trong nhiều thập kỷ, Thái Lan đã quyết định cử lực lượng tạo mưa Hoàng gia tác động vào các đám mây nhằm gây mưa cho cả nước.

Global Express News dẫn lời nhà khoa học Thái Wiraphon Sudchada cho biết quá trình tạo mưa bắt đầu bằng việc phun muối bột vào các đám mây. Sau đó họ trộn và phun hỗn hợp calcium chloride và calcium oxide vào những đám mây đó để làm tăng kích thước. Các chuyên gia cũng phun nước đá bên dưới các đám mây để mưa nhanh hơn.

Đây không phải lần đầu tiên Thái Lan áp dụng công nghệ làm mưa nhân tạo. Nhà vua Thái Lan đã cho điều hành các dự án làm mưa nhân tạo từ cuối những năm 60 của thế kỷ trước.

Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)

Là một trong những khu vực khô cằn nhất trên thế giới, từ lâu, các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã chú trọng đến các biện pháp làm tăng lượng mưa hàng năm, trong đó có ứng dụng mưa nhân tạo. 

 Mua nhan tao: Cong cu dieu khien thoi tiet theo y con nguoi hinh anh 5
Pháo hóa chất được gắn vào cánh máy bay. Ảnh: waterworld.

Các công nghệ từng được UAE áp dụng để tạo mưa có thể kể đến như: tạo dòng ion, gây giống đám mây, dự án xây dựng núi nhân tạo. Trong đó dự án gây giống đám mây nhận được sự hợp tác của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).

Qua những công nghệ này, mưa nhân tạo có thể xuất hiện do dòng điện đưa ion ẩm lên tầng trên tạo thành những vùng mây tích ẩm hay pháo hóa chất được bắn vào mây trong thời điểm thích hợp qua sự theo dõi của radar. Riêng núi nhân tạo có thể giúp đẩy không khí lên cao, tạo ra những đám mây sinh mưa...

Theo Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển Quốc gia của UAE, khoảng 558.000 USD được đầu tư nhằm tạo ra nguồn mưa nhân tạo trên toàn lãnh thổ trong năm ngoái. 

Theo Mai Anh (Zing.vn)