Thế giới

Mong muốn thành 'người một nhà' với Trung Quốc của Kim Jong-un

Chuyến thăm lần ba tới Trung Quốc của lãnh đạo Triều Tiên "là cơ hội làm sâu sắc thêm tình hữu nghị" giữa hai quốc gia.

Mong muốn thành 'người một nhà' với Trung Quốc của Kim Jong-un
Kim Jong-un (phải) và Thủ tướng Pak Pong-ju.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết tăng cường mối quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc lần ba hôm 20/6, theo SCMP. Trong cuộc gặp ở nhà khách quốc gia tại Bắc Kinh trước khi về nước, Kim nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng hai nước đã ủng hộ lẫn nhau như người cùng gia đình.

Giới phân tích nhận định chuyến thăm thứ ba của Kim Jong-un tới Trung Quốc trong vòng ba tháng là dấu hiệu cho thấy hai nước vẫn tiếp tục gắn bó, và dù Trung Quốc không trực tiếp tham gia hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore hôm 12/6, nhưng vẫn có ảnh hưởng với hội nghị.

Cơ quan thông tấn nhà nước Triều Tiên (KCNA) dẫn lời ông Tập cho rằng quan hệ Trung - Triều đã bước sang tầm cao mới, còn ông Kim sẵn lòng tăng cường hợp tác song phương.

Trong chuyến đi lần này, tháp tùng ông Kim có những quan chức kinh tế hàng đầu như Thủ tướng Pak Pong-ju. Phái đoàn Triều Tiên đã tham quan Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, dấu hiệu rõ ràng cho thấy Bình Nhưỡng tham vọng phát triển kinh tế bằng cách hợp tác với Bắc Kinh.

Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Pak, 79 tuổi, thành viên ban chấp hành Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên.

Wi Sung-rak, cựu đại sứ Hàn Quốc tại Nga, nhận xét chuyến thăm của Pak là bằng chứng cho thấy Triều Tiên đang xây dựng đà phát triển kinh tế.

"Kinh tế là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu tại Triều Tiên hiện nay", Wi nói, nhấn mạnh dường như Bình Nhưỡng đang tập trung vào nỗ lực hợp tác với Trung Quốc để chấm dứt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc.

Go Myong-hyun, nghiên cứu viên tại Viện Chính sách Asan tại Seoul, cho rằng Kim ý thức được cần phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt mới có thể bắt đầu thu hút đầu tư nước ngoài.

Pak Pong-ju từng là thủ tướng của Triều Tiên từ năm 2003. Trong thời gian đầu, Pak đã giới thiệu một chính sách phát triển kinh tế gây tranh cãi là cải cách thị trường theo hướng cho phép các doanh nghiệp nhà nước được tự chủ nhiều hơn, thúc đẩy tinh thần kinh doanh, cải thiện lợi nhuận nông nghiệp, khuyến khích các hộ gia đình độc lập tài chính.

Chính sách của Pak bị chỉ trích gay gắt, chủ yếu là những người bảo thủ trong đảng Lao động cầm quyền cũng như quân đội Triều Tiên. Vì vậy, ông bị cách chức năm 2007. Tuy nhiên, năm 2013, Pak được tái bổ nhiệm sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền, được xem là bằng chứng về tham vọng phát triển kinh tế của tân lãnh đạo. Ngoài chuyến thăm Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp, Pak còn tới thăm một trung tâm kiểm soát giao thông đường sắt.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun nhận xét việc Pak xuất hiện ở Bắc Kinh cho thấy Bình Nhưỡng đang triển khai đội đàm phán. Theo tin tức trên báo chí Trung Quốc, Tập Cận Bình đã nói sẽ ủng hộ nỗ lực phát triển kinh tế của Triều Tiên.

Mong muốn thành 'người một nhà' với Trung Quốc của Kim Jong-un - 1
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19/6. Ảnh: KCNA.

Trong chuyến thăm Trung Quốc lần hai tới Đại Liên hồi tháng 5, một số thành viên của phái đoàn Triều Tiên đã tới thăm phố kinh tế Donggang và tập đoàn điện tử quốc gia Hualu.

Ba quan chức Triều Tiên cùng dự hội nghị với Kim Jong-un ở Singapore là cựu giám đốc tình báo Kim Yong-chol, bộ trưởng Ngoại giao Ri Yong-ho và phó chủ tịch đảng Lao động Triều Tiên Ri Su-yong, cũng có mặt trong cuộc họp của Kim Jong-un với Tập Cận Bình hôm 19/6.

Cha Du-hyeogn, một học giả tại viện Asan ở Hàn Quốc nhận định sự xuất hiện của ba quan chức này cho thấy Triều Tiên đang nỗ lực đồng bộ hóa chiến lược của mình với Trung Quốc trước vòng đàm phán tiếp theo với Mỹ về giải trừ vũ khí hạt nhân.

"Mỹ sẽ không vui khi thấy những quan chức Triều Tiên này gặp gỡ Trung Quốc trước khi sắp xếp vòng đàm phán tiếp theo", Cha nói, nhấn mạnh rõ ràng Kim đang sử dụng chiến thuật cho các cuộc đàm phán tiếp theo với Mỹ. "Có vẻ như quá trình giải trừ vũ khí hạt nhân sẽ mất rất nhiều thời gian".

Theo Hồng Hạnh (VnExpress.net)