Thế giới

Michelle Obama - Donald Trump: Sự đối lập điển hình của nước Mỹ?

Tuyên bố "không bao giờ tha thứ" cho ông Trump, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ không chỉ công khai thể hiện "ân oán" giữa hai người mà còn phơi bày sự chia rẽ giữa lòng nước Mỹ.

Trong cuốn hồi ký mang tên "Becoming" (Trở thành) lên kệ hôm 13/11, bà Michelle Obama kể về sự bàng hoàng của mình trong đêm bầu cử 2016. Bà tự hỏi tại sao nhiều cử tri nữ đã chọn một "người kỳ thị nữ giới" như ông Donald Trump làm chủ nhân Nhà Trắng, thay vì nữ ứng viên tổng thống đầu tiên của một đảng lớn, bà Hillary Clinton, theo Guardian.

"Tôi muốn mình không biết gì về thực tế này càng lâu càng tốt", bà Obama viết. "Tôi bước vào thang máy, chỉ mong muốn một điều duy nhất là bỏ lại mọi thứ và đi ngủ. Tôi hiểu chuyện gì đang diễn ra nhưng tôi chưa sẵn sàng đối mặt với nó".

Đó không phải là điểm khởi đầu cho mối quan hệ khó mô tả giữa một người là cựu đệ nhất phu nhân và một người là đương kim tổng thống Mỹ. Song đó chắc chắn là một trong những thời khắc minh họa sống động nhất cho sự chia rẽ giữa lòng nước Mỹ vì màu da, giới tính.

Ký ức đêm bầu cử

Bà Obama cố gắng không suy nghĩ liệu có phải sự can thiệp của Nga, "quả bom tháng 10" từ giám đốc FBI James Comey hay những sai lầm trong chiến dịch của bà Clinton đã khiến cựu ngoại trưởng thua cuộc. Bà thừa nhận: "Tôi không phải là người làm chính trị, vì vậy sẽ không cố phân tích kết quả. Tôi sẽ không cố đoán xem ai phải chịu trách nhiệm hay điều gì không đúng".

Michelle Obama - Donald Trump: Sự đối lập điển hình của nước Mỹ?
Bà Obama trong một cuộc vận động tranh cử cho bà Clinton hồi tháng 10/2016. Ảnh: AP.

"Tôi chỉ ước sao đã có nhiều người đi bầu hơn. Và tôi sẽ luôn tự vấn về việc điều gì khiến nhiều người, cụ thể là phụ nữ, lại chối bỏ một nữ ứng viên vô cùng xứng đáng và thay vào đó chọn một người kỳ thị nữ giới làm tổng thống của họ", bà viết. "Nhưng giờ đây chúng ta phải sống chung với kết quả này".

Việc cựu đệ nhất phu nhân Mỹ, một người theo đảng Dân chủ và là vợ của một tổng thống Dân chủ, ủng hộ bà Clinton, cũng là một cựu đệ nhất phu nhân, là điều không bất ngờ. Song sự tương phản giữa bà Obama và ông Trump còn có thể được xem là đại diện cho sự phân cực sâu sắc đã và đang diễn ra tại Mỹ: một người đàn ông da trắng với một phụ nữ da màu; một người thường xuyên kích động phân biệt chủng tộc với một người có tổ tiên ông bà là nô lệ gốc Phi; một người bị cáo buộc miệt thị, sàm sỡ phụ nữ với một người đấu tranh vì các vấn đề của nữ giới.

Bà kể nhiều người trong đội ngũ của bà tại Cánh Đông Nhà Trắng, trong đó nhiều người là phụ nữ và là di dân, đã khóc khi họ gặp nhau ngày hôm sau. Song bà và ông Obama đã quyết định tiến hành cuộc chuyển giao quyền lực "một cách lịch sự và đàng hoàng". Ngày 20/1/2017, họ chào đón vợ chồng ông Trump tại Nhà Trắng, sau đó cùng đi đến sân khấu trước Điện Capitol, nơi bà nhìn thấy "sự đa dạng trong hai lễ nhậm chức trước đã biến mất, thay thế bởi một sự một màu đáng nản, với toàn là người da trắng và đàn ông mà tôi đã gặp quá nhiều trong cuộc đời - đặc biệt ở những nơi có đặc quyền, ở những hành lang quyền lực mà tôi từng đi tới kể từ khi rời ngôi nhà thời thơ ấu của mình".

"Một số người trong chính quyền Barack có thể nói quang cảnh ở đó rất tệ, rằng những gì công chúng nhìn thấy không phản ánh được thực tế hay lý tưởng của tổng thống. Nhưng trong trường hợp này, có lẽ quang cảnh phản ánh đúng (về vị tổng thống mới)", bà viết trong hồi ký.

"Nhận ra điều đó, tôi đã tự điều chỉnh theo cách của mình: Tôi thậm chí không cố mỉm cười".

Sự thiếu đa dạng đó vẫn tồn tại đến gần hai năm sau ngày nhậm chức khi giờ đây nội các của ông Trump vẫn bị thống trị bởi những người đàn ông da trắng trung niên.

Michelle Obama - Donald Trump: Sự đối lập điển hình của nước Mỹ? - 1
Bà Obama (ngoài cùng bên phải) và gương mặt "không cười" trong ngày nhậm chức của ông Trump. Ảnh: Getty.

Chiến dịch "điên rồ và hèn hạ"

Những nội dung về ông Trump chỉ chiếm góc nhỏ trong toàn bộ cuốn sách hơn 400 trang của bà, với nội dung được chia thành ba phần: "Becoming Me" (Trở thành tôi), "Becoming Us" (Trở thành chúng ta) và "Becoming More" (Trở thành nhiều điều hơn nữa). Dù vậy, đây chắc hẳn sẽ nằm trong số những trích đoạn được chú ý nhiều nhất.

Cựu đệ nhất phu nhân vẫn tuân thủ nguyên tắc lâu nay của bà là giữ thái độ tích cực khi đối mặt với các cuộc tấn công mang tính chính trị và cá nhân, như câu nói nổi tiếng "Khi họ đê hèn, chúng ta cao thượng". Song giờ đây, khi đã bước chân ra khỏi Nhà Trắng, bà không hoàn toàn giữ kẽ.

Lần đầu tiên, bà Obama công khai tuyên bố "không bao giờ tha thứ" cho đương kim tổng thống Mỹ, người mà bà vẫn thường tránh đề cập tên trong các bài phát biểu hay trả lời phỏng vấn, vì một câu chuyện cũ: Ông từng nhiều lần công khai ủng hộ thuyết âm mưu cho rằng ông Barack Obama không sinh ra tại Mỹ, tức không đủ tiêu chuẩn làm tổng thống theo hiến pháp.

"Chuyện gì sẽ xảy ra nếu ai đó đầu óc không bình thường cầm súng và đi đến Washington? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người đó tìm đến con gái của chúng tôi?", bà viết.

"Donald Trump, với những lời bóng gió ồn ào và khinh suất của ông ấy, đã đặt gia đình tôi vào chỗ nguy hiểm. Và vì vậy, tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho ông ấy".

Bà mô tả chiến dịch của ông Trump nhằm hạ bệ chồng bà là "điên rồ và hèn hạ, dĩ nhiên, sự mù quáng và tính bài ngoại của nó khó có thể che đậy", cũng như nguy hiểm. Bà cũng chỉ trích những chính sách và đường hướng của đương kim tổng thống bằng những từ ngữ có sức tác động mạnh mẽ.

"Đêm tôi không ngủ được, tức giận về những gì đã xảy ra. Thật đau lòng khi nhìn thấy hành vi và nghị trình của tổng thống đương nhiệm đã khiến nhiều người Mỹ nghi ngờ bản thân, nghi ngờ và sợ hãi người khác như thế nào", bà viết.

Michelle Obama - Donald Trump: Sự đối lập điển hình của nước Mỹ? - 2
Ông Trump từng nhiều lần công khai ủng hộ thuyết âm mưu cho rằng ông Barack Obama không sinh ra tại Mỹ. Ảnh: AFP/Getty.

Đáp lại tuyên bố của bà Obama, ông Trump cho rằng bà "được trả nhiều tiền để viết sách" và vì thế cần phải tạo ra "tranh cãi".

"Tôi sẽ mang đến cho các bạn một cuộc tranh cãi khác nhé, tôi sẽ không bao giờ tha thứ (cho ông Obama) về những gì ông ấy đã làm đối với quân đội Mỹ. Quân đội suy yếu và tôi phải khắc phục", ông nói. Những gì ông ấy đã làm với quân đội chúng ta khiến đất nước này rất không an toàn cho bạn, bạn và cả bạn nữa".

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra ông Trump phản pháo cựu đệ nhất phu nhân Mỹ dù chuyện này cũng tương đối hiếm hoi. Song một điều chắc chắn là bà Obama đã không ít lần "gửi lời" đến ông Trump trong mùa bầu cử 2016 cũng như sau khi ông vào Nhà Trắng.

"Đâu là giới hạn?"

Theo Chicago Tribune, bà Obama nổi lên như là người chỉ trích ông Trump hiệu quả nhất trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ hai năm trước, dù xuyên suốt 6 bài phát biểu ủng hộ cựu ngoại trưởng Clinton, bà chưa một lần nhắc tên ứng viên đảng Cộng hòa. Một trong những lần đầu tiên là khi bà nói về kiểu tổng thống mà bà muốn có cho con gái mình cũng như trẻ em ở Mỹ.

"Tôi muốn ai đó có sự kiên nhẫn đã được chứng minh, ai đó hiểu về công việc này và nghiêm túc với nó, ai đó hiểu rằng những vấn đề mà một tổng thống phải đối mặt không phải là đen và trắng và không thể tóm gọn trong 140 ký tự", bà nói tại Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ tháng 7/2016, mỉa mai thói quen dùng Twitter của ông Trump.

Cũng từ bài phát biểu này, câu nói "Khi họ đê hèn, chúng ta cao thượng", đề cập đến cuộc cạnh tranh Dân chủ - Cộng hòa tại Mỹ, của bà nhanh chóng lan truyền và trở thành một trong những tuyên ngôn có sức lay động nhất mùa bầu cử.

Ông Trump sau đó nói bài phát biểu của bà Obama "rất tuyệt vời". "Tôi nghĩ bà ấy đã làm tốt. Tôi thích bài phát biểu của bà ấy", ông nói.

Trong cuộc phỏng vấn với người dẫn chương trình Oprah Winfrey phát sóng trên đài CBS tháng 12/2016, bà Obama nói giờ đây bà chắc chắn rằng chiến thắng của chồng bà đã truyền cảm hứng cho nhiều người bởi vì "hiện tại chúng ta đang cảm nhận được cảm giác không có hy vọng là như thế nào".

Đáp lại, ông Trump nói đệ nhất phu nhân "chắc là đang nói về quá khứ" và rằng "bà ấy nói như vậy không có nghĩa là chuyện như vậy".

Michelle Obama - Donald Trump: Sự đối lập điển hình của nước Mỹ? - 3
Bà Obama tại trường trung học Whitney M Young Magnet ở Chicago, điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình quảng bá cuốn hồi ký của bà. Ảnh: Reuters.

Lần hiếm hoi cựu đệ nhất phu nhân nhắc tên ông Trump là khi bà so sánh đương kim tổng thống Mỹ với chồng mình tại một hội nghị về sự lãnh đạo của phụ nữ tại Mỹ vào tháng 5 năm nay. Trong khi cho rằng ông Obama là kiểu tổng thống "cha mẹ tốt", "có trách nhiệm", bà nói ông Trump là kiểu "cha mẹ khác".

"Tôi luôn có suy nghĩ kiểu trong 8 năm Barack là tổng thống, việc đó giống như trong nhà có cha mẹ tốt. Bạn biết điều, kiểu cha mẹ có trách nhiệm, luôn bảo bạn ăn cà rốt và đi ngủ đúng giờ", bà nói. "Và giờ đây chúng ta có cha mẹ khác trong nhà. Người ta nghĩ sẽ 'vui' nếu ông Trump quản lý vì chúng ta có thể ăn kẹo cả ngày, thức khuya và không tuân thủ luật lệ".

Một số người kêu gọi bà Obama cân nhắc việc chạy đua vào Nhà Trắng. Một thăm dò gần đây của SurveyMonkey trên Axios cho thấy nếu bà tranh cử tổng thống vào năm 2020, bà sẽ dẫn trước ông Trump 13 điểm, trong khi "nữ hoàng truyền thông" Oprah Winfrey dẫn trước 12 điểm.

Song bà khẳng định trong hồi ký rằng bà chưa bao giờ có ý định tranh cử. "Tôi chưa từng là fan của chính trị và những trải nghiệm của tôi trong 10 năm qua không giúp thay đổi điều đó", bà viết.

Và một lần nữa bà không quên dành cho ông Trump những lời sâu cay.

"Điều đó không phải để nói là tôi không chẳng quan tâm gì đến tương lai đất nước. Từ khi Barack rời nhiệm sở, tôi đã đọc được những tin tức khiến tôi muốn lộn ruột... Đôi khi tôi tự hỏi đâu mới là giới hạn".

Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)