Thế giới

MH370 bị bắn hạ để ngăn chặn thảm họa 11.9 thứ hai?

MH370 có thể đã bị các quan chức quân sự ra lệnh tấn công vì họ lo sợ nó bị không tặc kiểm soát trong âm mưu thực hiện một cuộc tấn công kiểu 11.9, một nhà điều tra tư nhân nói với Daily Star.

MH370 bị bắn hạ để ngăn chặn thảm họa 11.9 thứ hai?
Một nhà điều tra tư nhân nói ông tin rằng MH370 đã bị không tặc tấn công

Theo một nhà điều tra độc lập, chính quyền Malaysia tin rằng chiếc máy bay chở 239 người đã bị những kẻ khủng bố người Iran chiếm. Chúng có ý định lái máy bay quay trở lại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia, theo giả thuyết của nhà điều tra nói trên.

Hành động nhanh trước nguy cơ xảy ra thảm họa kinh hoàng, chính phủ đã ra lệnh tấn công cảnh cáo chiếc máy bay, theo giả thuyết của nhà điều tra tư nhân Noel O’Gara.

Nhưng Noel nói rằng nhiệm vụ này của chính phủ đã biến thành một sai lầm khủng khiếp, khiến MH370 bị rơi xuống biển Andaman - như một số nhân chứng nhìn thấy.

Noel, một nhà báo ở Ireland, đã nghiên cứu về sự biến mất của MH370 trong 4 năm, nói chuyện với hàng chục chuyên gia và nghiên cứu tất cả các thông cáo báo chí khác nhau của chính phủ Malaysia.

Chìa khóa cho giả thuyết của Noel là hai thanh niên đến từ Iran có mặt trên chuyến bay bằng các hộ chiếu lấy cắp của người khác.

MH370 bị bắn hạ để ngăn chặn thảm họa 11.9 thứ hai? - 1
Hai công dân Iran có mặt trên MH370: Pouria Nour Mohammad Mehrdad, 19 tuổi và Delavar Seyedmohammaderza, 29 tuổi

Pouria Nour Mohammad Mehrdad, 19 tuổi và Delavar Seyedmohammaderza, 29 tuổi, đều ở trên chuyến bay MH370 và được tin là đang trên đường tới Đức với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn ở châu Âu.

Vào ngày 11.10.2014, sau khi Mehrdad được xác nhận là một trong những hành khách trên máy bay xấu số, cảnh sát trưởng Malaysia, Khalid Abu Bakar đã nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi tin rằng anh ta không có khả năng là thành viên của bất kỳ nhóm khủng bố nào. Chúng tôi tin rằng anh ta đang cố gắng di cư sang Đức”.

Nhưng, Noel nói chắc hẳn hai thanh niên này đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng an ninh Malaysia, và việc họ được loại khỏi danh sách tình nghi là điều đáng ngờ.

"Hai người Iran lên chuyến bay tới Đức (quá cảnh tại Trung Quốc) với hộ chiếu bị đánh cắp sẽ gửi tiếng chuông báo động cho bất kỳ cảnh sát nào", Noel giải thích.

Do đó, Noel tuyên bố khi MH370 đi lệch đường bay định sẵn với hai công dân từ Iran trên máy bay, chính quyền Malaysia đã lo sợ điều tồi tệ nhất.

Mục tiêu khả dĩ nhất cho một cuộc tấn công kiểu 11.9 ở Kuala Lumpur là tòa tháp đôi Petronas cao 452m biểu tượng - tòa nhà cao nhất thế giới từ năm 1998 đến 2004.

Mehrdad đã chụp ảnh đứng trước tòa tháp Petronas chỉ vài ngày trước chuyến bay MH370 xấu số.

MH370 bị bắn hạ để ngăn chặn thảm họa 11.9 thứ hai? - 2
Mehrdad chụp ảnh trước tòa tháp Petronas

Nếu MH370 bị không tặc tấn công, Noel nói chắc chắn chúng sẽ có một mục tiêu cụ thể trong đầu và việc máy bay rơi xuống biển là không hợp lý.

Do đó, nhà điều tra tư nhân tin rằng chiếc máy bay hoặc đã bị phi công hoặc hành khách điều khiển lao xuống biển, hoặc bị các lực lượng Malaysia tấn công theo lệnh của chính phủ.

Noel cũng đề cập đến một số nhân chứng quan trọng đã nhìn thấy một chiếc máy bay rơi xuống khu vực ngoài khơi thành phố Banda Aceh của Malaysia, bao gồm một người Anh, một người New Zealand, một người Malaysia và một người Indonesia.

Noel tuyên bố câu chuyện sẽ bị lãng quên nếu không có Internet và các chiến dịch không mệt mỏi của gia đình nạn nhân.

"Internet đóng một vai trò lớn trong việc giữ cho cuộc tìm kiếm và bí ẩn luôn hiện hữu trong mắt công chúng", ông nói.

Theo Trà My (Dân Việt)