Thế giới

Mắt thần Israel sẽ giám sát toàn bộ Trung Đông

Theo giới chức Israel, nước này có khả năng chế tạo tên lửa đẩy và phóng vệ tinh giám sát toàn bộ Trung Đông vào năm 2025.

Israel sẽ giám sát toàn bộ Trung Đông vào năm 2025

Ngày 14/5, ông Aharon Zeevi Farkas, cựu lãnh đạo tình báo của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), đã thừa nhận rằng khả năng tình báo lực lượng mặt đất nước này vẫn chưa được phát triển.

Phát biểu tại một hội nghị ở Tel Aviv, cựu lãnh đạo tình báo của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Aharon Zeevi Farkas nói rằng, việc sở hữu ít nhất 10 vệ tinh sẽ giúp quốc gia này cung cấp giám sát video liên tục vào Trung Đông vào năm 2025.

Israel là quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển và có khả năng độc lập phóng vệ tinh trinh sát vào quỹ đạo, một năng lực mà chỉ Nga, Hoa Kỳ, Anh Quốc, Pháp, Hàn Quốc Italia, Đức, Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Ấn Độ, Nhật Bản, Brasil và Ukraine làm được.

Mắt thần Israel sẽ giám sát toàn bộ Trung Đông
Một vệ tinh Israel (ảnh minh họa)

Các ngành công nghiệp hàng không vũ trụ của Israel đủ khả năng phát triển cả các vệ tinh (Ofeq) và bệ phóng (Shavit).

Israel cũng được cho là đã phát triển thành công vũ khí hạt nhân (có thể phóng từ tàu ngầm thông thường), và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Jericho III, có tầm phóng trên 6500km, dù họ chưa bao giờ chính thức thừa nhận điều này.

Giới phân tích cho rằng, khả năng này của Israel là có thật, bởi nước này đã chế tạo thành công tên lửa đẩy mang vệ tinh Shavit, có cơ cấu thiết kế và cơ chế phóng như các loại ICBM.

Ấn Độ cũng đã được lợi nhờ hợp tác to lớn về hàng không vũ trụ với Israel. Năm 2008, tên lửa ISRO của Ấn Độ đã phóng vệ tinh do thám TecSAR tiên tiến nhất của Israel vào vũ trụ. Năm 2009, Ấn Độ cũng thông báo đã phát triển một vệ tinh trinh sát công nghệ cao RISAT-2 với sự hỗ trợ to lớn từ Israel.

Hiệu quả giám sát trên không của Israel

Theo tờ Jerusalem Post, việc sở hữu khả năng gám sát toàn bộ các hoạt động mặt đất ở Trung Đông sẽ cho phép quân đội Israel tiến hành các vụ tấn công vào các mục tiêu của những kẻ khủng bố "bất cứ lúc nào và bất cứ nơi nào" - Farkas nhấn mạnh.

Đề cập đến việc nâng cấp nhanh chóng khả năng tình báo của Israel, ông Farkas đồng thời cũng thừa nhận rằng, trong khi Israel "có quyền lực tối cao trên không thì họ lại thiếu ưu thế trong chiến tranh mặt đất". Các lực lượng tác chiến trên bộ của đất nước này vẫn chưa được chú trọng phát triển đầy đủ về năng lực trinh sát, giám sát trên mặt đất.

"Chúng tôi sẽ không thể ngăn chặn tên lửa chống lại chúng tôi cho đến khi chúng tôi đạt được quyền ưu thế tuyệt đối trong chiến tranh mặt đất" - ông nói thêm và nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu tình báo sử dụng công nghệ vệ tinh trong các hoạt động quân sự.

Ví dụ điển hình về năng lực giám sát trên không của Israel là vào ngày 3/5/2017, vệ tinh Eros B của quân đội Israel đã ngay lập tức phát hiện máy bay chỉ huy cảnh báo sớm (AWACS) Beriev A-50U Mainstay của Nga xuất hiện tại căn cứ không quân Latakia của Syria.

Một minh chứng khác là mặc dù không có lực lượng vũ trang trên lãnh thổ Syria nhưng Israel có khả năng thần tốc tấn công một đoàn xe chở vũ khí của Syria khi chúng đang di chuyển trên đường, ngay khi chúng mới xuất phát được vài chục phút hoặc tấn công các cơ sở quân sự ở Syria ngay sau khi có những chuyến hàng “lạ” đến các căn cứ này.

Điều này chỉ có được khi Israel sở hữu khả năng giám sát trên không rất tốt.

Israel tuyên bố trong tình hình nóng

Những phát biểu của ông được đưa ra sau khi phát ngôn viên của Lực lượng Phòng vệ Israel nói rằng, máy bay Israel đã tấn công "mục tiêu khủng bố Hamas ở miền bắc Gaza", sau những gì Tel Aviv mô tả như là “sự khiêu khích” của Hamas gần thị trấn biên giới Sderot.

Bạo lực đã bùng phát ở dải Gaza và khu Bờ tây sông Jordan (thường gọi là bờ Tây) sau khi nổ ra các cuộc biểu tình rộng khắp của người Palestine ở Dải Gaza, vào ngày kỷ niệm 70 năm thành lập Israel (cũng là ngày người Palestine gọi là “Nakba Day”, tức “Ngày thảm họa”, ngày mà họ phải tha phương khi đất nước Do Thái được thành lập) và sau buổi lễ khai trương Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Jerusalem ngày 15/5.

Tổng cộng hơn 60 người Palestine đã thiệt mạng và hơn 2.700 người bị thương trong các cuộc đụng độ vẫn đang tiếp diễn với lực lượng an ninh Israel, theo Bộ Y tế Palestine.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel Avigdor Lieberman đổ lỗi cho các nhà lãnh đạo của Hamas về bạo lực Gaza, nhưng nhiều nước trên thế giới (kể cả các đồng minh của Mỹ) đã chỉ trích kịch liệt lực lượng quân sự của Israel đã đàn áp dã man người Palestine không vũ khí.

Theo Nhật Nam (Đất Việt)