Thế giới

Malaysia chi 70 triệu USD để tìm ra máy bay mất tích MH 370

Malaysia đã chính thức ký thỏa thuận về thù lao cho công ty tư nhân Mỹ Ocean Infinity trong việc tìm kiếm chiếc máy bay bị mất tích ngày 08.3.2014. Theo thỏa thuận, công ty Mỹ sẽ được trả tới 70 triệu USD (58 triệu euro) nếu tìm thấy chiếc máy bay nói trên.

Malaysia chi 70 triệu USD để tìm ra máy bay mất tích MH 370

Chiếc Boeing 777 mang số hiệu MH370 chở 239 người đã mất tích khi đang trên tuyến bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh hồi tháng 3 năm 2014. Vụ mất tích này là một trong những bí ẩn lớn nhất của ngành hàng không.

Australia, Trung Quốc và Malaysia hồi tháng 1.2017 đã chấm dứt một cuộc tìm kiếm trên một vùng biển trải rộng 120.000 kilômét vuông, tiêu tốn 157 triệu USD, mặc dù các nhà điều tra lúc đó hối thúc mở rộng khu vực tìm kiếm lên thêm 25.000 km2 nữa về hướng bắc.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia, ông Liow Tiong Lai nói công ty tư nhân Ocean Infinity có trụ sở ở Houston sẽ tìm chiếc MH370 trong khu vực được chỉ định rộng 25.000 km2 theo điều kiện “tìm thấy mới được trả tiền.”

Bộ trưởng Liow nói tại cuộc họp báo rằng: “Ngay vào lúc này, tàu dò tìm đáy biển tên là Seabed Constructor đang trên đường tới khu vực dò tìm, tận dụng điều kiện thời tiết đang thuận lợi ở Nam Ấn Ðộ dương.”

“Cuộc tìm kiếm sẽ bắt đầu ngày 17.1,” ông Oliver Plunkett, tổng giám đốc của Ocean Infinty nói sau khi ký thỏa thuận.

Ocean Infinity sẽ được trả 20 triệu USD nếu tìm được chiếc máy bay trong vòng 5.000 km2 đầu tiên, 30 triệu USD nếu tìm được trong khu vực 10.000 km2, và 50 triệu USD  trong khu vực 25.000 km2. Nếu tìm được bên ngoài khu vực ưu tiên đó, Ocean Infinity sẽ được trả 70 triệu USD.

Nhiệm vụ hàng đầu của Ocean Infinity là định vị chiếc máy bay hoặc thiết bị ghi dữ liệu phi hành, thường gọi là hộp đen, và cung cấp bằng chứng định vị đáng tin cậy nội trong 90 ngày, ông Liow nói.

“Ocean Infinity không thể kéo dài cuộc tìm kiếm lên 6 tháng, cả năm hoặc vô tận.”

Như vậy, người ta không biết rõ là để được trả tiền thù lao, thì công ty Mỹ phải tìm thấy xác máy bay hay chỉ là những mảnh vụn của chiếc máy bay.

Tàu thăm dò của Ocean Infinity được trang bị tám thiết bị dò tìm tự động sẽ sục sạo đáy biển bằng những máy thu thập thông tin và chuyển về cho các chuyên viên phân tích.

Đội tìm kiếm này có tất cả 65 chuyên viên, trong đó có hai đại diện từ Hải quân Malaysia.

Ông Plunkett nói với hãng tin Reuters rằng tàu thăm dò của công ty ông sẽ dò tìm xong khu vực chỉ định trong khoảng thời gian từ ba đến bốn tuần, và có thể mở rộng khu vực lên đến 60.000 kilômét vuông trong 90 ngày, hay nói một cách khác là nhanh hơn gấp bốn lần so với các cuộc dò tìm đã được thực hiện trước đó.

Ông Plunkett nói: “Đây là một sự cố độc nhất nên cần phải có một giải pháp độc nhất … Chúng tôi theo dõi chuyện này và tự nhủ ‘phải có một cách làm nào đó khác với cách mà những người khác làm', và đó là cốt lõi công việc của chúng tôi.”

Ông Plunkett nói Ocean Infinity chuyên thăm dò cho ngành dầu khí, và làm những dịch vụ khác dưới biển như dây cáp dưới đáy biển hay vẽ bản đồ đáy biển.

Cổ đông của công ty sẽ ứng trước chi phí cho cuộc tìm kiếm máy bay mất tích này, ông Plunkett cho biết.

Các nhà điều tra tin rằng một ai đó đã cố tình tắt máy liên lạc trước khi chiếc máy bay đi ra khỏi lộ trình dự định hàng ngàn dặm trên Ấn Ðộ dương.

Ít nhất có 3 mảnh vỡ trôi dạt vào các hải đảo trên Ấn Ðộ dương và bờ biển tây Phi châu được xác định là từ chiếc máy bay mất tích này.

Ocean Infinity có ba tháng để làm việc này. Chiếc tàu được huy động vào việc tìm kiếm được lắp đặt những thiết bị tối tân, để rà soát một khu vực mới rộng 25 ngàn km2, được đánh giá là có rất nhiều khả năng máy bay rơi ở đó. Thế nhưng, việc khoanh vùng mới này vẫn dựa trên những tính toán đã được dùng trước đây để vạch ra một khu vực rộng tới 120 ngàn km2 và việc tìm kiếm ở đó không mang lại kết quả gì".

Theo Đình Dương (Dân Việt)