Thế giới

Macron nhượng bộ người biểu tình: Tôi biết đã làm tổn thương các bạn

Đường phố Paris mù mịt khói trong ngày 'đại biểu tình'

Tổng thống Pháp Macron tuyên bố sẽ tăng mức lương tối thiểu và loại bỏ các loại thuế mới đối với lương hưu nhằm phản ứng trước các cuộc biểu tình bạo lực.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhượng bộ trước sức ép của những người biểu tình, thừa nhận phần lớn sự tức giận của họ là "đúng đắn" và mọi người có "mối quan tâm chính đáng".

CNN dẫn lời ông Macron nói thêm rằng sự bất mãn xuất phát từ "40 năm bất ổn" nhưng thừa nhận chính phủ của ông đã không thể phản ứng ổn thỏa trong 18 tháng cầm quyền. Ông nói rằng ông nhận trách nhiệm về điều đó.

Ông thừa nhận đã không thể đưa ra giải pháp đủ nhanh kể từ khi nhậm chức. "Có thể tôi khiến các bạn cảm thấy đây không phải mối quan tâm của tôi, rằng tôi có các ưu tiên khác. Tôi nhận phần trách nhiệm của mình. Tôi biết lời nói của tôi đã làm tổn thương một số người". 

Tuy nhiên, ông lên án bạo lực nảy sinh trong các cuộc biểu tình, bao gồm đốt xe và phá hoại tài sản."Không có sự tức giận nào biện minh cho việc tấn công một cảnh sát hoặc cướp bóc nơi công cộng hay cửa hàng. Khi bạo lực nổ ra, tự do không còn nữa", 

Ông cũng đề xuất một số cải cách xã hội, bao gồm tăng mức lương tối thiểu thêm 100 euro (113 USD) một tháng bắt đầu vào tháng 1/2019 và hứa rằng lương làm thêm giờ sẽ không bị đánh thuế.

Về vấn đề thuế thu nhập đối với người giàu, Macon vẫn giữ thái độ thách thức. Ông cho biết sẽ không khôi phục thuế tài sản với người giàu nhưng sẽ chống lại gian lận thuế.

Macron nhượng bộ người biểu tình: Tôi biết đã làm tổn thương các bạn
Thủ tướng Edouard Philippe (trái), Tổng thống Emmanuel Macron (giữa) và Bộ trưởng Sinh thái học François de Rugy gặp gỡ các nhà lãnh đạo công đoàn vào ngày 10/12.

Sáng 10/12, khi Macron gặp công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp trước khi có bài phát biểu toàn quốc, sinh viên Pháp đã lên kế hoạch tiếp tục biểu tình.

Phát ngôn viên của Bộ Giáo dục cho biết hoạt động của 120 trường học trên cả nước bị gián đoạn, bao gồm 40 trường học bị phong tỏa hoàn toàn.

Các sinh viên biểu tình chống lại các cải cách giáo dục gần đây của chính phủ, bao gồm các thay đổi đối với tuyển sinh đại học mà họ cho rằng sẽ mang tính sàng lọc hơn.

Cuộc biểu tình "áo vàng" (gilets jaunes) bắt nguồn từ một phong trào cơ sở chống lại việc tăng thuế nhiên liệu và đã kéo dài trong nhiều tuần. 1.709 người đã bị giam giữ sau cuộc biểu tình vào cuối tuần trước.

Theo Tuyết Mai (Tri Thức Trực Tuyến)