Thế giới

Lý do tổng thống Singapore đắc cử không cần phiếu bầu

Halimah Yacob là ứng viên duy nhất đáp ứng được quy định bầu cử, tuy nhiên điều này cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Halimah Yacob là ứng viên duy nhất đáp ứng được quy định bầu cử, tuy nhiên điều này cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi.

Tân tổng thống Singapore Halimah Yacob. Ảnh: allsingaporestuff

Halimah Yacob, cựu chủ tịch quốc hội Singapore đến từ cộng đồng người Mã Lai, hôm qua chính thức trở thành nữ tổng thống đầu tiên của quốc đảo. Điều đặc biệt là bà đắc cử mà không cần phiếu bầu, do bà là ứng viên duy nhất đủ tiêu chuẩn.

Trong cuộc bầu cử năm nay, ứng viên tổng thống Singapore chỉ có thể đến từ một nhóm sắc tộc duy nhất là Mã Lai. Singapore quy định cuộc bầu cử sẽ được dành riêng cho một nhóm sắc tộc cụ thể nếu 5 cuộc bầu cử trước đó không bầu ra tổng thống nào từ sắc tộc này, theo BBC.

Singapore không có tổng thống Mã Lai kể từ khi Tổng thống Yusof Ishak đầu tiên của nước này giữ chức năm 1965 - 1970. Các tổng thống kế tiếp đến từ cộng đồng Á - Âu, Trung Quốc và Ấn Độ.

Singapore cho rằng họ phải thực hiện chính sách này để đảm bảo tính đại diện tốt hơn với ba cộng đồng lớn tại Singapore là người Hoa, Ấn Độ và Mã Lai.

"Mọi công dân, người Hoa, Mã Lai, Ấn Độ hay một số chủng tộc khác, cần biết rằng một người trong cộng đồng của họ có thể trở thành tổng thống", Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói.

Dân số Singapore gồm 74% người Hoa, 13% người Mã Lai, 9% người Ấn Độ và 3,2% từ chủng tộc khác. Cộng đồng Mã Lai thường có thu nhập thấp hơn và phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, chẳng hạn như trong lực lượng vũ trang.

Ủy ban bầu cử Singapore cũng đặt ra quy định ngặt nghèo về xuất thân của ứng viên tổng thống. Những người từ khu vực tư nhân phải là giám đốc điều hành của một công ty, với ít nhất 370 triệu USD trong vốn cổ phần. Hai doanh nhân Mã Lai là Salleh Marican và Farid Khan đã không nhận được giấy chứng nhận đủ điều kiện từ ủy ban vì lý do này.

Tranh cãi

Tổng thống Singapore không có nhiều quyền lực và chủ yếu giữ vai trò nghi lễ. Dù vậy, nhiều người vẫn mong muốn được bỏ phiếu và đã giận dữ khi biết tin bà Halimah đắc cử vì là ứng viên duy nhất.

Một số người coi động thái này là phân biệt đối xử và chống lại quy tắc vàng của Singapore, đó là người giỏi nhất giành được chiến thắng, bất kể xuất thân. Ngoài ra, nhiều người còn chế nhạo việc bà Halimah có bố là người Ấn.

Một số người tin rằng chính quyền đã cố tình áp dụng các quy định để ngăn chặn cựu ứng viên tổng thống Trần Thanh Mộc tái tranh cử. Ông Trần từng là nghị sĩ trong đảng cầm quyền Singapore nhưng sau đó trở thành người phê bình chính quyền. Ông đã thua sít sao trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2011, trước cựu phó thủ tướng Tony Tan, người được cho là ứng viên mà chính phủ ủng hộ.

Trần Chấn Thanh, quan chức trong văn phòng thủ tướng Singapore bác bỏ cáo buộc quy định được đặt ra vì lợi ích chính trị. Ông nhận thức được sự tức giận trong một số bộ phận dân chúng, nói rằng "chúng tôi sẵn sàng trả giá chính trị" nhưng nhấn mạnh chính quyền phải làm vậy "vì tương lai đất nước".

Người Singapore có cảm xúc lẫn lộn về tân tổng thống. Một số người có quan điểm giống nhà bình luận Bertha Henson, cho rằng dù sao bà Halimah cũng xứng đáng vì bà là "người tốt với trái tim nhân hậu", nhưng những người khác chỉ trích rằng bà chỉ là tổng thống "được chọn chứ không phải được bầu".

Trong khi đó, bà Halimah thường tránh né các câu hỏi về tranh cãi. "Tôi hứa sẽ làm hết sức mình để phục vụ nhân dân Singapore, dù có bầu cử hay không bầu cử cũng vẫn vậy", bà nói.

Theo Phương Vũ (VnExpress.net)