Thế giới

Lộ diện người được phẫu thuật ghép đầu đầu tiên trên thế giới

Valery Spiridonov, người đàn ông Nga 30 tuổi tình nguyện tham gia ca phẫu thuật ghép đầu đầu tiên trên thế giới.

Valery Spiridonov, người đàn ông Nga 30 tuổi tình nguyện tham gia ca phẫu thuật ghép đầu đầu tiên trên thế giới.
Người đàn ông Nga 30 tuổi có tên Valery Spiridonov, sinh ra với hội chứng Werdnig-Hoffman, một dạng bệnh teo cơ tủy sống. Căn bệnh này khiến Spiridonov bị teo cơ, và từ nhỏ anh đã không thể di chuyển được.
 
Phát biểu với Daily Mail, Spiridonov cho biết anh sẵn sàng trở thành người đầu tiên phẫu thuật ghép đầu, và hy vọng ca phẫu thuật sẽ diễn ra trong năm 2016.
 

Chàng trai 30 tuổi người Nga hy vọng sẽ thay đổi cuộc đời sau ca phẫu thuật (Ảnh: Daily Mail)

 
Chàng kỹ sư máy tính người Nga quyết định đặt niềm tin vào bác sĩ phẫu thuật bị coi là "điên", ông Sergio Canavero. Ông này khẳng định có thể ghép đầu Spiridonov vào một cơ thể được hiến tặng.
 
Phải chịu đựng hội chứng hiếm gặp Werdnig-Hoffman suốt đời, giờ đây chàng kỹ sư người Nga muốn có một cơ thể mới trước khi qua đời, đồng thời tuyên bố sẽ không thay đổi quyết định.
 
Bác sĩ Canavero và Spiridonov chưa hề gặp mặt, mà mới chỉ trao đổi qua dịch vụ nhắn tin Skype.
 
Ca phẫu thuật ghép đầu đầu tiên đã được thực hiện trên khỉ 45 năm trước, và gần đây nhất y học Trung Quốc đã thử trên chuột.
 

Chân dung bác sĩ "điên" Sergio Canavero (Ảnh: World CDN)

 
Những nhà phê bình cho rằng kế hoạch của bác sĩ Canavero là "chỉ có trong tưởng tượng", thậm chí còn so sánh ông với nhân vật bác sĩ Frankenstein trong truyện kinh dị.
 
Ca phẫu thuật dự kiến sẽ diễn ra trong 36 tiếng đồng hồ, tại một trong những cơ sở y tế hiện đại nhất thế giới, với chi phí khoảng 7,5 triệu bảng.
 
Quy trình phẫu thuật sẽ diễn ra như sau: phần đầu của bệnh nhân và cơ thể được hiến sẽ được cắt rời cùng lúc, sau đó đầu bệnh nhân sẽ được gắn vào cơ thể mới bằng một hỗn hợp polyethylen glycol.
 
Sau đó, bệnh nhân sẽ được giữ trong trạng thái hôn mê 4 tuần để cơ thể hồi phục.
 
Theo giới chuyên môn, bác sĩ Canavero đã đơn giản hóa quá mức việc tách và gắn xương sống. Bất chấp điều đó, bác sĩ người Italia tỏ ra hết sức tự tin.
 
Nếu phẫu thuật thành công, đây sẽ là cơ hội tuyệt vời để những người bị tàn tật hoặc tàn phế thay đổi cuộc đời.
 
Theo Phan Cao (MASK Online)