Thế giới

Liệu Không quân Hải quân Việt Nam có thể có lực lượng tiêm kích riêng biệt?

Theo xu hướng tiến thẳng lên hiện đại, việc Không quân Hải quân Việt Nam xây dựng cho mình những phi đội tiêm kích là đòi hỏi mang tính tất yếu.

Theo xu hướng tiến thẳng lên hiện đại, việc Không quân Hải quân Việt Nam xây dựng cho mình những phi đội tiêm kích là đòi hỏi mang tính tất yếu.

Liệu Không quân Hải quân Việt Nam có thể có lực lượng tiêm kích riêng biệt?
 

Lữ đoàn Không quân Hải quân 954 thực hiện các chức năng: tác chiến săn ngầm; vận tải quân sự; trinh sát, quan sát trên không, trên mặt đất, trên mặt nước; tìm kiếm cứu nạn trên biển, trên đất liền và cứu hộ, cứu nạn và phòng chống bão lụt.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đơn vị được trang bị các loại máy bay chuyên dụng như trực thăng săn ngầm Ka-28 và thủy phi cơ trinh sát - vận tải DHC-6.

Liệu Không quân Hải quân Việt Nam có thể có lực lượng tiêm kích riêng biệt? - Ảnh 1.

Biên đội Ka-28 và DHC-6 của Lữ đoàn Không quân Hải quân 954. Ảnh: Quân đội nhân dân.

Có thể nhận thấy lực lượng hiện tại của  Không quân Hải quân Việt Nam chủ yếu thiên về hoạt động hỗ trợ và đảm nhiệm những chức năng phi chiến đấu, điều này cũng dễ hiểu vì đây là binh chủng mới thành lập, cần có thêm thời gian để xây dựng, kiện toàn.

Trên thế giới, các cường quốc quân sự như Mỹ, Nga, Trung Quốc... đều có lực lượng tiêm kích trực thuộc hải quân với sức mạnh không hề thua kém bên không quân. Đối với Việt Nam, theo xu hướng tiến thẳng lên hiện đại, việc trang bị cho Không quân Hải quân những phi đội tiêm kích riêng liệu có được đặt ra?

Do đặc thù của nhiệm vụ bảo vệ hải đảo cũng như vùng đặc quyền kinh tế, Hải quân Việt Nam chưa đóng mới hay mua sắm chiến hạm có lượng giãn nước lớn, những con tàu đang phục vụ trong biên chế đều trên dưới 2.000 tấn, bởi vậy năng lực phòng không của chúng tương đối hạn chế, chỉ đủ để tự vệ.Trong bối cảnh này, sở hữu tiêm kích sẽ giúp Không quân Hải quân "che đầu" cho tàu mặt nước làm nhiệm vụ tốt hơn, thậm chí còn hỗ trợ tung đòn tấn công tầm xa trong đội hình tác chiến liên hợp 3 chiều. Việc điều động máy bay trong biên chế hải quân sẽ nhanh chóng và kịp thời hơn so với đề nghị bên không quân hỗ trợ.

Liệu Không quân Hải quân Việt Nam có thể có lực lượng tiêm kích riêng biệt? - Ảnh 2.

Tiêm kích đa năng Su-30MK2 thuộc Trung đoàn Không quân 935. Ảnh: Lao động.

Theo đánh giá từ các chuyên gia quân sự, tiêm kích đa nhiệm Su-30MK2 của Không quân Việt Nam có khả năng đánh biển khá tốt. Với đặc tính trên, trong Quân đội Trung Quốc, rất nhiều máy bay Su-30MKK/MK2 được trang bị cho hải quân nước này.

Hiện tại số lượng chiến đấu cơ tối tân của Việt Nam chưa nhiều, nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, khai thác mà chúng đều thuộc biên chế không quân. 

Nhưng thời gian tới, tiến trình hiện đại hóa tiếp tục diễn ra, các cường kích Su-22 sẽ nghỉ hưu và được thay thế bằng tiêm kích thế hệ 4. Khi đó, liệu có khả năng một vài phi đội Su-30MK2 sẽ được điều động sang Không quân Hải quân, tương tự như trường hợp của Lữ đoàn 954?

Nếu như vậy, Hải quân Việt Nam sẽ thực sự trở thành một lực lượng có sức mạnh toàn diện, cơ cấu tổ chức đầy đủ, sánh vai được với những cường quốc quân sự trong khu vực.

Theo Sao Đỏ (Thời Đại)