Thế giới

Liên minh 9 nước EU: Nước cờ cao tay phá vòng o ép của Mỹ hay chỉ là 'hữu danh vô thực'?

Mục đích của EU nhằm nâng cao tự chủ và linh hoạt nhiều hơn trong việc đảm bảo an ninh, giảm bớt mức độ lệ thuộc vào cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ trong khuôn khổ NATO.

 EU muốn "tự thân vận động"

Ngày 25.6 vừa qua, 9 quốc gia châu Âu đã ký tuyên bố ý định về Sáng kiến can thiệp châu Âu. Sáng kiến này được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái. Chín quốc gia này là Pháp, Đức, Anh, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Estonia, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.

Mục đích của sáng kiến này là gây dựng khả năng có thể phản ứng nhanh chóng hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn về quân sự mỗi khi xảy ra khủng hoảng hoặc phải trực diện thách thức mới.

Thực chất ở đằng sau - và đấy cũng là ý đồ gốc của ông Macron - là châu Âu tự chủ cao hơn và linh hoạt nhiều hơn trong việc đảm bảo an ninh, là nỗ lực mới của các thành viên EU và NATO ở châu Âu giảm bớt mức độ lệ thuộc vào cam kết đảm bảo an ninh của Mỹ trong khuôn khổ NATO, là kết quả mới của tình thế buộc phải tự thân vận động sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump không còn coi trọng Nato như những người tiền nhiệm và o ép các thành viên Nato phải trả giá đắt hơn để đổi lấy việc Mỹ tiếp tục duy trì cam kết đảm bảo an ninh cho các thành viên khác của NATO.

Thành lập cái gọi là Liên minh phòng thủ là mục tiêu được EU đề ra từ rất lâu rồi nhưng theo đuổi lại không được đến đầu đến đũa. Cuối năm ngoái, 25 thành viên EU - Anh và Đan Mạch không tham gia - đã thoả thuận tăng cường hợp tác về quân sự và quốc phòng theo hướng tiến tới liên minh phòng thủ chung.

Liên minh 9 nước EU: Nước cờ cao tay phá vòng o ép của Mỹ hay chỉ là 'hữu danh vô thực'?
9 nước EU bước đầu lên kế hoạch xây dựng lực lượng quân sự riêng, tách biệt NATO. Ảnh Rueters

Cả ý tưởng về thành lập quân đội chung cho EU cũng không được EU thực hiện triệt để. Năm 2007, EU quyết định thành lập 4 tiểu đoàn quân đội chung, nhưng cho tới nay vẫn chưa được triển khai trên thực tế.

Trong nội bộ EU dai dẳng sự bất đồng quan điểm cơ bản và sâu sắc về sự cần thiết phải có lực lượng vũ trang riêng song song tồn tại và hoạt động với NATO, về tiếp tục dựa vào NATO và Mỹ hay tự thân vận động, về phân bổ đóng góp tài chính và nhân lực cho lực lượng vũ trang chung, về lo ngại phản ứng của Nga.....

Thoả thuận về tăng cường hợp tác trên lĩnh vực quân sự và quốc phòng giữa 25 nước thành viên EU hồi cuối năm ngoái là nỗ lực của EU vừa ứng phó với quan điểm chính sách của ông Trump vừa nhằm tìm kiếm động lực mới cho EU tăng cường hợp tác và liên kết.

Ý định nói trên của 9 thành viên EU là bước tiến tiếp theo định hướng ấy. Nó không phải là một dạng liên minh hay liên kết về quân sự mà chỉ là một khuôn khổ diễn đàn để các bên tham gia trao đổi, tham vấn, thảo luận và đưa ra khuyến nghị chính sách. Nó không bao hàm thực lực quân sự về binh lính và khí tài quân sự.

Nhưng chặng đường còn rất dài

Ông Macron đảm trách vai trò đứng đầu nhưng không có quyền điều binh khiển tướng. Nó có ý nghĩa về chính trị và tâm lý là chính và trước hết ở thời điểm hiện tại. Nó thúc đẩy nỗ lực "tự thân vận động" của EU để tự chủ hơn trên phương diện đảm bảo an ninh.

Một cái lợi quan trọng khác nữa đối với EU từ đó là lôi kéo được Anh và Đan Mạch tham gia. Xưa nay, hai nước này, đặc biệt là Đan Mạch, luôn không mặn mà, không nhiệt tình và không sẵn sàng tham gia mọi dự định của EU về thành lập liên minh phòng thủ chung. Anh lại còn sắp ra khỏi EU (Brexit).

Bản tuyên bố ý định trên của 9 nước chẳng khác gì đã giúp Đan Mạch bắt đầu bước qua lời nguyền và bắc cho nước Anh chiếc cầu nối với và gắn kết với EU sau Brexit.

Nhờ thoả thuận mới này, ông Macron tăng được vị thế trong EU nhưng đồng thời EU cũng còn phát đi được thông điệp về phía Mỹ là EU tự tin và bản lĩnh tự, chủ động và quyết tâm tự lo cho chính mình chứ không sẵn sàng trả mọi giá để đổi lấy sự đảm bảo an ninh của Mỹ.

Nhưng cái gì cũng có mặt trái của nó. Ý tưởng trên hiện được quá ít thành viên EU tham gia, lại chỉ là khuôn khổ diễn đàn chính trị nên không tránh khỏi bị "hữu danh vô thực" mỗi khi EU cần phải phản ứng đối phó nhanh trên thực tế.

Có những thành viên EU tham gia chẳng qua chủ yếu vì không muốn để Pháp có vai trò và ảnh hưởng lấn át, chi phối hoàn toàn và dẫn dắt khuôn khổ diễn đàn.

Đối với EU, mọi bước tiến đều giá trị và đáng khích lệ vì chỉ tiến mới thoát được ra khỏi tình trạng trì trệ và dậm chân tại chỗ. Dù vậy, nếu soi vào mục tiêu EU muốn đạt tới thì bước tiến vừa rồi lại quá nhỏ trên chặng đường rất dài.

Theo Đại sứ Trần Đức Mậu (Soha/Trí Thức Trẻ)