Thế giới

Lập kỷ lục, F-16 phá vỡ mọi giới hạn, khiến tiêm kích Nga, Trung Quốc ngả mũ kính nể

Một chiếc tiêm kích F-16C Block 50 của Không lực Hoa Kỳ đóng tại Nhật Bản đã đạt tới cột mốc 9.500 giờ bay vào ngày 20/11 vừa qua.

Theo trang theaviationgeekclub, chiếc chiến đấu cơ F-16C Block 50 số đuôi 808 có tên gọi "Bob" đóng tại Căn cứ không quân Misawa trên đất Nhật Bản đã trải qua 27 năm phục vụ liên tục với hơn 9.500 giờ bay, nó thậm chí còn cao tuổi hơn nhiều viên Trung úy lẫn Đại úy từng điều khiển mình.

Chuyên gia cao cấp Brittany A. Chas cho biết rằng chiếc tiêm kích trên đã phá vỡ mọi giới hạn vẫn tồn tại từ trước tới nay, hầu hết các phi công đóng tại Misawa đều đã có cơ hội "cưỡi" trên Bob trong khuôn khổ chương trình huấn luyện bay của họ, thậm chí cả một số chỉ huy hiện tại.

Lập kỷ lục, F-16 phá vỡ mọi giới hạn, khiến tiêm kích Nga, Trung Quốc ngả mũ kính nể
Chiếc tiêm kích F-16C Block 50 số hiệu 808 có tên gọi Bob đang phục vụ trong phi đội tiêm kích số 35 của Không quân Mỹ đóng tại Căn cứ Misawa

Trung tá Matt Kenkel, Chỉ huy Phi đội tiêm kích số 14, người đã bay trên Bob từ lần đầu tiên nói rằng để đạt tới số giờ bay như hiện tại là một nỗ lực phi thường của đội ngũ đảm bảo kỹ thuật.

Như những cỗ máy bình thường khác, sau một thời gian hoạt động thì tiêm kích F-16 sẽ yêu cầu phải thay thế các bộ phận hao mòn, sửa chữa động cơ hay gia cố khung vỏ... sau mỗi giờ bay thì chiếc F-16 trên sẽ yêu cầu 19,5 giờ bảo trì để tiếp tục tung cánh trên bầu trời.

Do tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình mà phi cơ đã phục vụ liên tục được 27 năm với tần suất cao và dự kiến sẽ tiếp tục hiện diện tại Căn cứ không quân Misawa thêm một thời gian rất dài nữa, giữ vững vị trí tiêm kích F-16 có số giờ bay cao nhất trong Không lực Hoa Kỳ.

Lập kỷ lục, F-16 phá vỡ mọi giới hạn, khiến tiêm kích Nga, Trung Quốc ngả mũ kính nể - 1
Đại tá Scot Jobe, Chỉ huy phi đội tiêm kích số 35 kiểm tra chiếc F-16 "Bob" trước khi cất cánh, sau chuyến bay này nó đã trở thành chiếc F-16 đầu tiên của Không lực Hoa Kỳ vượt qua con số 9.500 giờ bay

Việc các máy bay tiêm kích do Mỹ sản xuất nói chung hay F-16 Fighting Falcon nói riêng có thể vươn tới thời gian hoạt động kỷ lục kể trên là do ngành công nghiệp hàng không Hoa Kỳ đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc nghiên cứu tạo ra các loại vật liệu composite phức hợp có khả năng chịu mỏi cao hơn nhiều so với hợp kim nhôm hay titan truyền thống.

Thậm chí gần đây Tập đoàn Lockheed Martin còn công bố chương trình nâng cấp kéo dài thời hạn tại ngũ cho F-16 lên tới 12.000 giờ bay (giới hạn cuối cùng là 16.000 giờ nhưng quá tốn kém, ngang với sản xuất mới nên sẽ không được triển khai), khiến nó đủ sức phục vụ tới sau năm 2040.

So sánh với các dòng tiêm kích do Nga sản xuất, Su-27SK chỉ có tuổi khung 2.000 giờ bay trong 20 năm phục vụ, tức là thời gian hoạt động tiêu chuẩn trong mỗi năm chỉ là 100 giờ; con số này ở Su-30MK cao hơn một chút, đạt 3.000 giờ bay và 30 năm tại ngũ, tức là thời gian hoạt động trong một năm cũng chỉ tương đương Su-27SK.

Các loại chiến đấu cơ do Trung Quốc chế tạo thậm chí còn bị nhận xét là có độ bền khung thân kém xa máy bay Nga, ước tính tiêm kích J-10 hay J-11 chỉ mới vươn tới giới hạn 1.500 giờ bay. So sánh với máy bay do Mỹ sản xuất dễ dàng nhận thấy khoảng cách là cực lớn.

F-16 Block 50 số hiệu 808 "Bob" - Chiếc F-16 có thời hạn phục vụ kỷ lục trong Không lực Hoa Kỳ

Theo Hải Dương (Soha/Thời Đại)