Thế giới

Lãnh đạo thế giới 'xếp hàng' để được gặp ông Kim Jong-un

Ông Kim Jong-un đang nổi lên như một người chơi đầy quyền lực. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nga và Syria đều đã gặp hoặc dự kiến gặp ông Kim trong năm nay. Theo nghĩa đen, họ đang xếp hàng để được gặp Kim Jong-un.

Lãnh đạo thế giới 'xếp hàng' để được gặp ông Kim Jong-un
Cả Tổng thống Syria và Tổng thống Nga đều bày tỏ mong muốn gặp ông Kim Jong-un. Ảnh: Getty Images

Ông Kim Jong-un đang dần trở thành một ngôi sao nổi tiếng của lớp các nhà lãnh đạo quốc tế năm 2018. Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa mời ông Kim Jong-un đến Vladivostock vào tháng Chín và Tổng thống Syria Bashar al-Assad nói cũng muốn thăm Bình Nhưỡng.

"Chúng ta đang chứng kiến sự chào đời của 'Kim Jong-un, chính trị gia quốc tế'" - Jean Lee, cựu trưởng đại diện AP tại Bình Nhưỡng cho biết. "Đây là một sự ra mắt quốc tế khác với những gì chúng tôi thấy trong năm 2010, khi ông Kim Jong-un xuất hiện như một người thừa kế lạ mặt, non trẻ".

"Bây giờ, khi có trong tay các tên lửa đạn đạo liên lục địa, ông Kim đang bước ra thế giới như một nhà lãnh đạo của một quốc gia tự coi mình là một cường quốc hạt nhân ngang bằng với các cường quốc hạt nhân khác trên thế giới, kể cả Mỹ".

Cuộc gặp thượng đỉnh dự kiến với Tổng thống Donald Trump đem lại cơ hội ngoại giao mà ông Kim Jong-un luôn hằng mong đợi. Và điều này cũng cho ông cơ hội để nói Triều Tiên đang mở cửa với thế giới - BBC dẫn nhận định của Jean Lee.

Có hai điều đã giúp ông Kim Jong-un hình thành chiến lược ngoại giao mới.

Thứ nhất là Hàn Quốc đã bầu được một tổng thống dân chủ, người hứa hẹn sẽ tiếp cận với miền Bắc. Điều này cho phép ông Kim thiết lập một mối quan hệ tốt đẹp với người láng giềng.

Thứ hai là lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Các vị Tổng thống trước luôn đòi hòi nhiều sự chắc chắn, đảm bảo trước khi một cuộc hội nghị thượng đỉnh có thể xảy ra.

Nhưng không phải Donald Trump. Vị tổng thống thứ 45 là một nhân tố không thể đoán trước. Ông Donald Trump đã dành cả một năm đe dọa Bình Nhưỡng với các lời lẽ công kích thù địch, nhưng sau đó lại đột ngột quyết định đồng ý gặp trực tiếp ông Kim Jong-un.

Chính cuộc hội nghị thượng đỉnh là một lợi thế chính trị của nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Chiến lược ngoại giao mới này không chỉ phát sinh từ một vị thế đầy sức mạnh, mà cũng còn vì sự tất yếu sống còn.

Sau khi tuyên bố chương trình vũ khí của mình đã hoàn tất, ông Kim cũng thông báo rằng trọng tâm chính của ông là kinh tế. Để làm điều đó, ông cần phải tạo liên minh và tái thiết mối quan hệ cũ.

Điểm dừng đầu tiên là, tất nhiên, Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Triều Tiên. Hai chuyến thăm Trung Quốc trong vòng hai tháng. Đầu tiên đến Bắc Kinh và sau đó đến Đại Liên vào đầu tháng Năm, nơi ông đi dạo dọc bãi biển với ông Tập Cận Bình và dường như bàn luận về thương mại.

Và cuộc gặp lịch sử với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào tháng Tư tại biên giới cũng gây tiếng vang. Như một đôi bạn đi dạo, nói về tương lai của hai nước.

Ông Kim cũng có một động thái tương tự khi dùng Mátxcơva làm đòn bẩy vào tuần trước. Khi cựu lãnh đạo ngành tình báo Triều Tiên Kim Yong-chol đang trên đường tới Mỹ với bức thư khá lớn từ nhà lãnh đạo tối cao, thì ông Kim Jong-un quyết định gặp gỡ Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong-un đã sẵn sàng mở cửa Triều Tiên theo cái cách mà cha và ông của ông chưa bao giờ có thể làm được.

Theo S.M (Lao Động)