Thế giới

Lãnh đạo Đức, Pháp không tham vấn Mỹ khi đi gặp Putin

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Francois Hollande đã sang Nga để hội đàm với Tổng thống Putin về cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà không báo trước với Mỹ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Francois Hollande đã sang Nga để hội đàm với Tổng thống Putin về cuộc khủng hoảng ở Ukraine mà không báo trước với Mỹ.

Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters.

 
AP dẫn một quan chức Pháp giấu tên cho hay hai nhà lãnh đạo đưa ra quyết định sang Nga vào tối 4/2. Họ đã đến Kiev hôm qua trước khi có mặt Moscow vào hôm nay.

Phát ngôn viên tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết "lãnh đạo ba nước sẽ thảo luận cụ thể về những gì họ có thể làm để góp phần nhanh chóng chấm dứt nội chiến ở đông nam Ukraine, khi tình hình leo thang trong những ngày gần đây và gây ra nhiều thương vong".

Theo một quan chức cấp cao Pháp, quyết định gặp riêng Tổng thống Vladimir Putin được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Nga kêu gọi các bên trong cuộc xung đột ở Ukraine ngừng các hành động quân sự và thù địch.

Sáng kiến này của hai lãnh đạo châu Âu theo sau những cuộc đàm phán bí mật giữa Berlin, Paris và Moscow trước đó.

Sau cuộc gặp với bà Merkel và ông Hollande hôm qua, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cũng cho hay có khả năng một lệnh ngừng bắn sẽ được đưa ra miền đông Ukraine.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại đang có mặt tại Kiev và thông báo rằng Tổng thống Barack Obama sẽ đưa ra quyết định về việc có cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không vào tuần tới. Tuy nhiên, Nhà Trắng thừa nhận hỗ trợ quân sự có thể làm gia tăng bạo lực trong khu vực.

Tuần báo Pháp Le Nouvel Observateur nhận định cuộc hội đàm riêng giữa ông Hollande, bà Merkel và ông Putin là một nỗ lực ngăn chặn Mỹ khi nước này đang có ý định viện trợ vũ khí cho Ukraine và áp đặt giải pháp này lên các đồng minh phương Tây.

Tuần báo này còn cho rằng hai nhà lãnh đạo Đức và Pháp đã đến thẳng Kiev sau ông Kerry vì họ "mất niềm tin vào chính quyền Mỹ" và muốn giới thiệu các giải pháp ngoại giao của mình trước khi phó tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra kế hoạch gửi vũ khí sát thương cho Kiev tại hội nghị an ninh Munich vào ngày mai.
 
Theo Anh Ngọc (VnExpress.net)