Thế giới

Lần bội ước của NATO khiến Putin mất lòng tin vào phương Tây

NATO từng cam kết với Liên Xô sẽ không mở rộng về phía đông để đổi lấy việc thống nhất nước Đức, nhưng sau đó phá bỏ lời hứa.

Lần bội ước của NATO khiến Putin mất lòng tin vào phương Tây
Tổng thống Putin trả lời các phóng viên trong cuộc họp báo hôm qua. Ảnh: CBC.

Trong cuộc "siêu họp báo" kéo dài 4 giờ với sự tham dự của hàng nghìn phóng viên hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin ca ngợi người đồng cấp Mỹ Donald Trump đang thể hiện rất tốt với thị trường chứng khoán tăng và tỷ lệ thất nghiệp giảm. Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin lại chỉ trích phương Tây, cho rằng việc cấm Nga tham dự Thế vận hội mùa Đông tại Hàn Quốc là "âm mưu" nhằm bôi nhọ hình ảnh của ông trước thềm cuộc bầu cử năm sau, theo CBC.

Giới quan sát cho rằng đây không phải là lần đầu tiên Putin thể hiện sự tức giận và mất lòng tin vào phương Tây. Nhiều chuyên gia nhận định lập trường địa chính trị hiện nay của Nga bắt nguồn từ một thời khắc mang tính quyết định trong lịch sử, khi phương Tây thất hứa trong việc không mở rộng NATO sang phía đông.

Sau khi tìm kiếm các hồ sơ được giải mật tại Cơ quan Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ, các nhà nghiên cứu tại Đại học George Washington nhận thấy những tài liệu này đều chỉ ra rằng các quan chức cấp cao của Mỹ, Đức và Anh trong thập niên 1990 đều đưa ra lời hứa với nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Bộ trưởng Ngoại giao nước này Eduard Shevardnadze rằng NATO sẽ không mở rộng về phía biên giới Nga sau khi nước Đức thống nhất.

Khi được giao nhiệm vụ thuyết phục Liên Xô nhất trí để Đông Đức và Tây Đức thống nhất, Ngoại trưởng Tây Đức lúc đó là Hans-Dietrich Genscher hiểu rằng chỉ có lời hứa về việc không mở rộng NATO về phía đông mới có thể đảm bảo được thành công, theo Bloomberg.

Ông đã trình bày quan điểm này trước người dân Đức và các đồng minh chủ chốt, chẳng hạn như Ngoại trưởng Anh Douglas Hurd. Với ý đồ đưa nước Đức thống nhất vào khối NATO hơn là duy trì địa vị trung lập của nó, Mỹ nhất trí với quan điểm của Genscher. Ngoại trưởng Mỹ James Baker đã nói rõ điều này với người đồng cấp Liên Xô Shevardnadze trong cuộc gặp ở Moscow ngày 9/2/1990.

"Một nước Đức trung lập chắc chắn sẽ có được khả năng hạt nhân độc lập. Nhưng một nước Đức gắn bó chặt chẽ với một NATO đã thay đổi, ý tôi là một NATO mang ít tính chất quân sự và thiên về chính trị nhiều hơn, sẽ không cần đến năng lực hạt nhân độc lập đó", Baker nói, theo biên bản ghi lại cuộc hội đàm giữa hai ông.

"Tất nhiên sẽ có sự đảm bảo chắc chắn rằng NATO sẽ không mở rộng lực lượng sang phía đông. Điều này sẽ được thực hiện theo cách hợp lý nhất cho các nước láng giềng của Đức ở phía đông", Baker cam đoan với Shevardnadze.

Ngoại trưởng Mỹ nhắc lại điều này với nhà lãnh đạo Liên Xô Gorbachev trong cuộc gặp cùng ngày. "Nếu chúng tôi duy trì hiện diện ở một nước Đức thuộc NATO, khối này sẽ không mở rộng một tấc nào sang phía đông", Baker khẳng định. Ông nói rõ đây là cam kết của phương Tây để đổi lấy việc giữ nước Đức thống nhất trong khối NATO thay vì biến Đức thành một quốc gia trung lập.

Ông Gorbachev trả lời rằng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, việc mở rộng của NATO là "không thể chấp nhận được". "Chúng tôi nhất trí với điều đó", Baker đáp lại.

Trong cuộc hội đàm diễn ra đồng thời, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Robert Gates cũng đưa ra đề xuất tương tự với người đứng đầu KGB Vladimir Kryuchkov.

Trong các cuộc thảo luận tiếp theo, phía Liên Xô mong muốn xây dựng một cấu trúc an ninh chung ở châu Âu, dựa trên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu được thành lập gần 20 năm trước, như một diễn đàn hợp tác giữa Liên Xô và khối liên minh do Mỹ đứng đầu. Các nhà đàm phán phương Tây đồng ý nhưng nói rằng họ muốn giữ lại NATO, biến nó thành một tổ chức cởi mở hơn trong việc hợp tác với Liên Xô và khối Hiệp ước Warsaw.

Đến cuối tháng 3/1991, sáu tháng sau khi nước Đức thống nhất, Thủ tướng Anh John Major vẫn trấn an Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Dmitri Yazov rằng NATO sẽ không tiến về phía đông và ông không nhận thấy điều kiện nào trong tương lai để các nước Đông Âu trở thành thành viên NATO.

Tổng thư ký NATO Manfred Woerner sau đó cũng đảm bảo với đoàn đại biểu Nga thay mặt Tổng thống Boris Yeltsin rằng 13 trong số 16 thành viên NATO phản đối việc mở rộng khối này và bản thân ông cũng chống lại việc đó.

Thế nhưng, tất cả những lời cam kết này của phương Tây đều không được đưa vào các thỏa thuận cụ thể, bởi Liên Xô khi đó đang lâm vào tình trạng rất khó khăn và đang rất cần các khoản viện trợ mà Đức đưa ra để đổi lấy phương án thống nhất, cũng như phụ thuộc lớn vào các khoản vay từ phương Tây.

Tình cảnh đó khiến Liên Xô không có bất cứ vị thế nào để đưa ra yêu cầu với phương Tây, ngay cả khi họ nhận ra những lời cam kết về một hệ thống an ninh chung chỉ là trò bịp bợm.

Các nhà quan sát cho rằng trong quá trình đàm phán với Liên Xô khi đó, Mỹ tự coi mình là kẻ thắng cuộc, không quan tâm đến những đề xuất và hứa hẹn không mang tính ràng buộc bới Gorbachev. Khi Liên Xô tan rã và các nước Đông Âu lên tiếng xin gia nhập NATO, phương Tây đã quên tất cả những lời hứa mà họ đưa ra.

Ba Lan, Séc, Hungary gia nhập NATO vào năm 1999, rồi ba nước láng giềng của Nga thuộc vùng Baltic gồm Estonia, Latvia và Litva cũng trở thành thành viên khối này vào năm 2004. 

Theo các chuyên gia tại Đại học George Washington, là một cựu sĩ quan KGB từng công tác suốt 5 năm ở Đông Đức, Putin nhiều khả năng đã được tiếp cận với các tài liệu của Liên Xô về những lời hứa hẹn mà NATO đưa ra trong giai đoạn 1990-1991.

Trong bài phát biểu nổi tiếng năm 2007 tại Hội nghị An ninh Munich, Putin đã dẫn lại lời cam kết không mở rộng NATO của Woerner. Ông sau này dường như cũng muốn đàm phán với phương Tây theo cách mà ông cho rằng phương Tây đã dùng để trao đổi với Liên Xô trước đây.

Các nhà đàm phán phương Tây giờ đây nhận ra rằng họ không thể nào thương lượng được với Putin bởi ông "nói vậy mà không phải vậy" và không để lộ ra những điều mình thực sự muốn. Đây chính là cách đàm phán của người thắng cuộc với kẻ thất bại.

Putin luôn nói rằng sự tan rã của Liên Xô là một "thảm kịch" và các nhà nghiên cứu cho rằng việc nghiên cứu giai đoạn lịch sử này đã khiến Putin thay đổi cách nhìn về phương Tây. Dưới góc nhìn của ông, phương Tây chỉ thực sự nói chuyện với vũ lực, còn những lời hứa hẹn chỉ là một trò chơi giống như những gì Tổng thống Mỹ George H.W. Bush và Ngoại trưởng Baker đã chơi với Gorbachev và Shevardnadze.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học George Washington cho rằng cách phương Tây phá vỡ những lời hứa đưa ra với Liên Xô không phải là tất cả lý do khiến Putin có cái nhìn tiêu cực về phương Tây, nhưng chúng đóng vai trò quan trọng trong quá trình thay đổi thế giới quan của nhà lãnh đạo này.

Đây là lý do phương Tây hiện nay sẽ không bao giờ đàm phán được một cách thực sự với Putin cũng như người kế nhiệm ông. Họ sẽ không dễ dàng quên đi những lời hứa đã bị vùi dập trong lịch sử, khiến tình thế đối đầu giữa Nga và phương Tây có thể tiếp diễn trong nhiều năm, thậm chí là nhiều thập kỷ tiếp theo.

Theo Trí Dũng (VnExpress.net)