Thế giới

Lá thư hủy gặp gỡ Mỹ - Triều mang đậm phong cách của ông Trump

Bức công văn đánh máy được nhiều người coi là "thư chia tay" thể hiện một sự pha trộn giữa văn phong ngoại giao và giọng điệu đặc trưng của đương kim tổng thống Mỹ.

Theo BBC, cách ông Donald Trump hủy thượng đỉnh với Triều Tiên bằng một lá thư gửi đích danh nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã tiết lộ phong thái ngoại giao của vị tổng thống, đồng thời mang tính tiên liệu về những diễn biến kế tiếp. 

Theo nhiều chuyên gia, "lá thư chia tay" không đồng nghĩa với việc "cánh cửa hoàn toàn đóng" trước viễn cảnh tái thiết lập nền hòa bình thịnh vượng cũng như phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

"Ông ấy (Trump) đang thử quyết tâm của Kim Jong Un. Chúng ta phải nhớ vì sao ông Kim đến cuộc gặp. Các biện pháp trừng phạt là nặng nề đối với Triều Tiên. Tôi không nghĩ đây là đoạn cuối con đường", AP dẫn lời Olli Heinonen, cựu phó tổng giám đốc tại cơ quan hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Lá thư hủy gặp gỡ Mỹ - Triều mang đậm phong cách của ông Trump
Một phần lá thư ông Trump gửi ông Kim. Ảnh: AP.

Nhắc lại đe dọa "hỏa lực và thịnh nộ"

Trong đoạn đề tên người nhận bức thư, ông Trump gọi Kim Jong Un là "quý ngài", một cách xưng hô lạ thường khi được sử dụng cho nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ngoài ra, ông cũng cảm ơn ông Kim vì đã dành "thời gian, sự kiên nhẫn và nỗ lực", cách mở đầu được đánh giá là giống những bức thư trong các thương vụ buôn bán.

Đoạn đầu lá thư còn thể hiện một chút thái độ tức giận "ngầm" dành cho ông Kim Jong Un khi chỉ ra Triều Tiên là bên mong muốn gặp gỡ nhưng lại liên tục đưa ra những phát ngôn đe dọa và thù địch, dù sau đó lá thư cho rằng điều này hoàn toàn "không quan trọng".

Ông Trump cũng nhấn mạnh đây là một "cuộc thượng đỉnh đã được chuẩn bị từ rất lâu" khi ý tưởng gặp gỡ bắt đầu nhen nhóm từ tháng 3 và các bên liên quan, bao gồm Hàn Quốc, đã gấp rút chuẩn bị mọi thứ từ thời gian đến địa điểm. Qua đó, ông ám chỉ việc bản thân đã trăn trở nhiều khi đưa ra quyết định hủy bỏ, đồng thời ngầm nhắn nhủ Triều Tiên hãy trân trọng những nỗ lực từ chính họ, theo BBC. 

Điều đáng nói nằm ở cuối đoạn đầu tiên khi tổng thống Mỹ đổi sang giọng điệu chỉ trích. Ông đáp trả lời đe dọa sử dụng vũ lực vừa qua từ phía Bình Nhưỡng bằng ngôn ngữ đậm chất "hỏa lực và thịnh nộ" như cách ông thường dùng trong những cuộc "khẩu chiến" với nhà lãnh đạo Kim Jong Un hồi năm ngoái.

Lá thư hủy gặp gỡ Mỹ - Triều mang đậm phong cách của ông Trump - 1
Ngoại trưởng Mike Pompeo cầm lá thư hủy thượng đỉnh có chữ ký của ông Trump. Ảnh: Getty.

Một lần nữa, Trump thể hiện niềm kiêu hãnh về kho vũ khí hạt nhân đồ sộ và có uy lực khủng khiếp mà ông "cầu Chúa sẽ không phải sử dụng đến". Đây rõ ràng là giọng điệu đặc trưng tổng thống Mỹ. Hồi đầu năm, ông từng khẳng định "nút hạt nhân" trên bàn làm việc của ông "to và có uy lực hơn nhiều" so với của Triều Tiên.

Trước tuyên bố hủy thượng đỉnh vài giờ, Triều Tiên đã có động thái phá bỏ bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Tuy nhiên, họ cũng kèm theo nhiều phát ngôn đe dọa chiến tranh hạt nhân và công kích Phó tổng thống Mỹ Mike Pence bằng việc gọi ông là "kẻ ngu ngốc". Ông Trump từng nhiều lần khẳng định không thể chịu được những lời lẽ thù địch từ phía Triều Tiên.

Từ vui mừng phấn khởi đến một kết cục buồn

Đến đoạn thứ hai, vị tổng thống quay lại sử dụng ngôn ngữ của một nhà ngoại giao mẫu mực. Ông nhấn mạnh về mối quan hệ có dấu hiệu tiến triển tốt đẹp giữa hai nước trong thời gian qua ("một cuộc nói chuyện tuyệt vời"), đồng thời ám chỉ rằng cánh cửa chưa hoàn toàn đóng khi bày tỏ mong muốn gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên (bất kể viễn cảnh một cuộc chiến tranh hạt nhân).

Tổng thống Trump cũng cho rằng việc Bình Nhưỡng thả ba tù nhân Mỹ là một "cử chỉ đẹp" đáng được trân trọng. Tuy nhiên, nhiều nhà phê bình đã nêu câu hỏi liệu đây có phải là thời điểm thích hợp để bày tỏ lòng biết ơn đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Ở đoạn kết thúc, giọng văn của ông Trump được đánh giá có phần nhàm chán và giống như đang muốn kinh doanh, buôn bán hơn là thương thảo chuyện đại sự. "Nếu ông thay đổi ý định về việc tham dự cuộc thượng đỉnh quan trọng bậc nhất này, đừng do dự gọi điện hoặc viết thư cho tôi", Trump nhấn mạnh. Theo BBC, điều nay không khác gì gửi thông điệp Mỹ sẽ luôn túc trực bên chiếc điện thoại mong chờ Triều Tiên phản ứng.

Lá thư hủy gặp gỡ Mỹ - Triều mang đậm phong cách của ông Trump - 2
Trump hủy cuộc thượng đỉnh đúng lúc cả thế giới đang hy vọng nền hòa bình đucợ tái lập trên bán đảo Triều Tiên. Ảnh: AP.

Lá thư kết thúc bằng một sự nuối tiếc. Trong đoạn tweet thông báo thời gian và địa điểm cho cuộc thượng đỉnh, ông Trump nói đây sẽ là "một khoảnh khắc vô cùng đặc biệt đối với nền hòa bình của thế giới". Những người ủng hộ vị tổng thống Mỹ còn nhắc đến khả năng ông được trao giải Nobel Hòa bình, điều mà ông cho rằng "mọi người đều nghĩ thế" và khiêm tốn phủ nhận "phần thưởng mà tôi mong chờ là sự chiến thắng của thế giới".

Tuy vậy, kết cục chỉ là "một khoảnh khắc đáng buồn trong lịch sử", theo bức thư.

Trong khi đó, hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA dẫn lời thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng cởi mở và sẽ cho Mỹ "thời gian và cơ hội". 

"Chúng tôi xin lặp lại với nước Mỹ rằng chúng tôi sẵn sàng trò chuyện trực tiếp bất cứ lúc nào và bằng bất cứ phương thức nào. Tôi muốn khẳng định rằng tuyên bố của Tổng thống Trump về cuộc thượng đỉnh Mỹ - Triều là đi ngược lại ý định của những người mong muốn thiết lập nền hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên cũng như trên thế giới", ông Kim nói. 

Ông Kim cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã nỗ lực hết sức để chuẩn bị gặp gỡ Tổng thống Trump. "Quyết định đơn phương hủy bỏ thượng đỉnh của Mỹ làm chúng tôi suy nghĩ lại về sự đúng đắn của tất cả những cố gắng và con đường mà chúng tôi đã chọn", nhà ngoại giao từng nhiều lần làm việc với các nhà đồng cấp tại Mỹ nói.

Theo Chi Mai (Tri Thức Trực Tuyến)