Thế giới

Kim Jong-un - từ người kế nhiệm non trẻ đến lãnh đạo quyền lực

6 năm sau khi lên nắm quyền ở độ tuổi rất trẻ, Kim Jong-un trở thành lãnh đạo đầy quyền lực với việc thu xếp được cuộc gặp với Trump.

Kim Jong-un - từ người kế nhiệm non trẻ đến lãnh đạo quyền lực
Kim Jong-un khóc tại lễ tang của cha mình Kim Jong-il vào tháng 12/2011. Ảnh: KCNA.

Theo bộ máy tuyên truyền Triều Tiên, lãnh đạo Kim Jong-un là hậu duệ của gia tộc huyền thoại. Kim Nhật Thành, ông nội của Kim, được xem là thiên tài vĩ đại nhất trên trái đất. Kim Jong-il, cha của Kim, cũng là người phi thường trong mọi lĩnh vực, biết bắn súng khi ngồi trên lưng ngựa lúc mới 5 tuổi.

Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế Thomas Bach đã ngạc nhiên khi thấy Kim thoải mái thừa nhận vóc người bệ vệ của mình trong cuộc gặp với ông ở Bình Nhưỡng hồi tháng ba. "Tôi thích chơi thể thao, đặc biệt là bóng rổ, dù trông tôi có vẻ không giống người như vậy", Bach kể lại lời nói của Kim.

Khi ông kế nhiệm bố mình vào tháng 12/2011, nhiều chuyên gia dự báo ông có thể bị lật đổ hoặc bị sát hại trong vòng một năm. Xuất hiện trong lễ tang của cha với gương mặt đỏ ửng và khóc sụt sùi, Kim Jong-un, người gần 30 tuổi, dường như không phù hợp với nhiệm vụ nặng nề là lãnh đạo đất nước. 6 năm trôi qua, ông giờ chuẩn bị gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 12/6 - cuộc gặp mà ông nội và cha của Kim hằng mong muốn, theo WSJ.

Không còn khép kín

Sau khi nắm quyền, Kim đã phát triển thành công năng lực tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vượt xa mức nhiều nhà khoa học dự báo và đe dọa sử dụng chúng để tấn công các thành phố của Mỹ.

Từng được đánh giá là lãnh đạo khép kín, thiếu tự tin, Kim Jong-un giờ tất bật với các hoạt động ngoại giao. Kể từ tháng ba, ông hai lần gặp Chủ tịch Trung Quốc Tận Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông cũng làm dịu hình ảnh của mình bằng sự hài hước.

Người mà Trump sắp gặp là lãnh đạo tham vọng, quyết liệt và nhiều tính toán hơn những gì mọi người từng nghĩ và có thể đặt ra nhiều thách thức đối với Washington trong những năm tới, bình luận viên John Lyons của WSJ nhận xét.

Ken Gause, người nghiên cứu giới lãnh đạo Triên Tiên ở tổ chức tư vấn CAN tại Arlington, Mỹ, nói nhiều người từng cho rằng Kim Jong-un chỉ là một "gã thanh niên non trẻ" được đặt vào vị trí quyền lực nhưng giờ đây họ thấy ông ấy có nhiều năng lực hơn thế.

Sau cuộc trò chuyên riêng với Bach mà không cần sử dụng giấy tờ hay trợ lý, Kim dẫn ông đến một sân vận động nơi khoảng 100.000 người Triều Tiên đang chờ xem một trận thi đấu bóng đá nữ. Đám đông khổng lồ đã vỗ tay chào đón Kim trong khoảng 15 phút trước khi trận đấu bắt đầu.

Làm việc với các cường quốc

Các quan chức tình báo Mỹ thừa nhận họ thiếu thông tin đầy đủ về Kim Jong-un, người con trai thứ ba mờ nhạt của Kim Jong-il, khi Kim xuất hiện với tư cách là người kế nhiệm. Tuy nhiên, họ cho rằng điều quan trọng hơn là Kim đã phát triển năng lực trong thời gian cầm quyền. Họ mô tả chuỗi cuộc gặp ngoại giao của Kim trước thềm hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim như một ví dụ hoàn hảo về hoạch định các vấn đề ngoại giao chiến lược.

Kim đã ứng biến lập trường sao cho hiệu quả và nỗ lực khiến các lợi ích của Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ đối chọi lẫn nhau theo cách có lợi cho mình, học giả cao cấp Jung H. Pak từ Viện Brookings ở Washington, nhận xét.

Cuối tháng ba, khi Kim Jong-un gặp Tập Cận Bình ở Trung Quốc, truyền thông ghi lại hình ảnh ông Kim chăm chú lắng nghe và ghi chép khi ông Tập phát biểu. Vài ngày sau, Kim gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng. Pompeo nói rằng cuộc gặp này này hiệu quả và là một dấu hiệu cho thấy có cơ hội thực sự cho một thỏa thuận lịch sử để giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi tháng 4, Kim đã cười, siết chặt tay lãnh đạo nước láng giềng và cam kết xây dựng một kỷ nguyên hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Sau cuộc gặp đó, 78% người Hàn Quốc được hỏi cho biết họ nhìn nhận Kim tích cực hơn, theo một cuộc khảo sát của hãng tin MBC. "Một khi chúng ta bắt đầu thảo luận, Mỹ sẽ nhận thấy rằng tôi không phải là kiểu người sẽ phát động tấn công hạt nhân", Kim nói với Moon tại cuộc gặp.

Các quan chức chính quyền Trump tin rằng các lệnh trừng phạt kinh tế cứng rắn và đe dọa tấn công quân sự của Mỹ đã gây áp lực, buộc Kim phải ngồi vào bàn đàm phán, khơi dậy các hy vọng về một thỏa thuận giảm căng thẳng hạt nhân và một hiệp định hòa bình chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953.

Những người theo phe bảo thủ ở Hàn Quốc và các quan chức diều hâu ở Mỹ cho rằng Kim không có ý định từ bỏ vũ khí hạt nhân vì xem đây giống như một hành động tự sát. Thay vào đó, họ xem đòn tấn công quyến rũ của Kim là nhằm giảm nguy cơ bị Mỹ tấn công quân sự và thuyết phục Trung Quốc nới lỏng các biện pháp trừng phạt, đồng thời được Hàn Quốc cung cấp thực phẩm và các hình thức viện trợ khác. Thực tế, Triều Tiên từng phá vỡ 4 thỏa thuận hạt nhân kể từ năm 1992 trong khi nhận được 1,3 tỷ USD viện trợ thực phẩm và dầu thô từ Mỹ. 

Họ cho rằng về lâu dài, Kim muốn chia rẽ Mỹ và Hàn Quốc và có thể là một ngày nào đó thống nhất bán đảo Triều Tiên theo các điều kiện của mình. Nhiều quan chức Mỹ khẳng định họ đang rất cảnh giác. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton nói: "Không ai trong chính quyền Trump hão huyền về những gì đang xảy ra".

Nắm bắt được ý đồ của Kim là điều rất khó khăn vì Triều Tiên là quốc gia khép kín nhất thế giới, hầu như cắt đứt mạng lưới điện thoại và internet với bên ngoài. Triều Tiên từng giữ bí mật về cái chết của Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un, trong hai ngày mà các cơ quan tình báo Mỹ và Hàn Quốc không hề biết. Ngay cả năm sinh của Kim được cho là 1984 vẫn chưa được xác nhận.

Kim Jong-un - từ người kế nhiệm non trẻ đến lãnh đạo quyền lực - 1
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) ôm Tổng thống Hàn Moon Jae-in tại cuộc gặp lần hai ở khu vực phi quân sự liên Triều hồi cuối tháng 5.

Siết chặt quyền lực

Các chuyên gia phương Tây từng cho rằng Kim sẽ điều hành Triều Tiên như một lãnh đạo bù nhìn bị giật dây bởi Phó Chủ tịch Ủy ban quốc phòng quốc gia Triều Tiên Jang Song-thaek, chú rể của Kim Jong-un, và dàn tướng lĩnh quân đội quyền lực. Tuy nhiên, tháng 12/2013, Jang bị xử tử vì tội phản quốc sau khi bị tước mọi chức vụ.

Theo tình báo Hàn Quốc, trong 5 năm, Kim đã xử tử hoặc thanh trừng khoảng 340 quan chức để củng cố quyền lực.

"Ban đầu, chúng tôi không hiểu vì sao ông ấy được chọn làm người kế nhiệm. Nhưng rồi sau đó, chúng tôi nhận ra rằng ông ấy là một lãnh đạo hiệu quả, thực dụng, đầy tính toán và chỉ có người như vậy có thể điều hành Triều Tiên. Nếu không, đất nước này sẽ sụp đổ", Andrei Lankov, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên từ Đại học Kookmin ở Seoul, nhận xét.

Phong cách hiện đại

Diện mạo thủ đô Bình Nhưỡng đang thay đổi dưới thời cầm quyền của Kim. Trong chuyến thăm gần đây, Bach nhận thấy rằng thành phố này tươi sáng và năng động hơn những gì ông chứng kiến trong chuyến thăm cách đây hai thập kỷ. Từng mang vẻ ngoài xám xịt và buồn tẻ, Bình Nhưỡng giờ nổi bật với nhiều tòa nhà mới. Người dân ăn mặc diện hơn với những bộ trang phục nhiều màu sắc hơn. Các quan chức Triều Tiên giơ phát biểu trực tiếp với Bach, thay vì nhìn vào những văn bản chuẩn bị sẵn.

Kim Jong-un từng sử dụng tên giả để theo học những trường học danh tiếng của Thụy Sĩ. Việc được giáo dục ở nước ngoài đã tạo ra cho ông một số lợi thế. Ông được nhìn nhận là có xu hướng phương Tây hơn cha mình và có thể nói tiếng Đức và tiếng Anh.

Triều Tiên đã nuôi dưỡng tham vọng vũ khí hạt nhân trong 60 năm trước khi Kim lên cầm quyền nhưng chỉ thử được hai quả bom hạt nhân có sức công phá yếu ớt. Dấu hiệu quan trọng cho thấy Kim quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển loại vũ khí này xuất hiện chỉ 4 tháng sau khi ông lên nắm quyền, khi ông từ bỏ thỏa thuận đóng băng chương trình hạt nhân để nhận viện trợ lương thực mà ông đã đồng ý trước đó hai tuần.

Thay vào đó, Kim tuyên bố sẽ phóng thử tên lửa đẩy vệ tinh vào không gian, một bước đi quan trọng trong quá trình phát triển tên lửa đạn đạo. Vụ phóng thất bại vì tên lửa nổ tung và rơi xuống vùng biển phía tây Seoul chỉ 90 giây sau khi rời bệ phóng. Kim, người mời báo chí quốc tế đến xem vụ phóng, đã thất bại trong nỗ lực quảng bá sức mạnh tên lửa.

Thay vì che giấu thất bại này như giới quan sát nước ngoài nhận định, Kim cho phép truyền thông trong nước đưa tin công khai. Ông thừa nhận thất bại và khuyến khích các nhà khoa học tiếp tục nỗ lực.

"Động thái này cho thấy một phong cách quản lý linh động và hiện đại - điều cần thiết để đổi mới. Nó cũng cho thấy sự khác biệt giữa một hệ thống mà mọi người e sợ thất bại với một hệ thống mà bạn có thể học hỏi từ sai lầm, khắc phục chúng và trở nên tốt hơn", John Delury, chuyên gia nghiên cứu Triều Tiên từ Đại học Yonsei ở Seoul, tác giả một cuốn sách viết về gia tộc họ Kim, nói.

Một tháng sau, Kim đưa cụm từ "quốc gia hạt nhân" vào hiến pháp để định nghĩa đất nước Triều Tiên. Cuối năm đó, các kỹ sư tên lửa Triều Tiên đã phóng tên lửa đẩy vệ tinh một lần nữa và thành công.

Tháng 9/2017, Kim thực hiện vụ thử hạt nhân có sức công phá lớn nhất. Tháng 11/2017, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên liên lục địa Hwasong-15 có thể vươn tới nước Mỹ. Sau đó, Kim tuyên bố Triều Tiên đã trở thành một cường quốc hạt nhân dù vẫn còn nhiều ý kiến nghi ngờ.

"Đất nước của chúng ta cuối cùng đã sở hữu một công cụ răn đe chiến tranh đáng tin cậy và đầy sức mạnh mà không một thế lực nào và không có điều gì có thể đảo ngược", Kim nói trong bài phát biểu hồi đầu năm. "Nút hạt nhân luôn luôn ở trên bàn làm việc tôi".

Vài tháng sau, Kim tuyên bố dừng thử tên lửa, hạt nhân vì đã hoàn thành mục tiêu. Ông bày tỏ mong muốn đối thoại với Mỹ về chương trình vũ khí và cả thế giới đang nín thở chờ đợi kết quả từ cuộc họp của ông với Trump.

Theo Hồng Vân (VnExpress.net)