Thế giới

Kịch bản cho một hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim thành công

Thành công lớn nhất của thượng đỉnh Mỹ - Triều, nếu có, nên là tạo ra nhận thức chung về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Kịch bản cho một hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim thành công
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: Reuters.

Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12/6 ở Singapore là sự kiện khiến toàn thế giới quan tâm. Câu hỏi đặt ra lúc này là: Một hội nghị Mỹ - Triều thành công sẽ trông như thế nào?

Ngoài cảnh tượng hiếm có là Tổng thông Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên bắt tay nhau, hội nghị khó lòng đạt bước phát triển đột phá trong ngày nó diễn ra, theo CBS News. Tuy nhiên, nếu kết thúc hội nghị, hai bên có thể thống nhất duy trì các kênh đối thoại mở và xây dựng nhận thức chung về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên với vài khuôn khổ được đề ra, kết quả này chắc chắn sẽ tạo nên những tiến bộ thực chất, giới chuyên gia đánh giá.

Đại sứ Robert Gallucci, người từng tham gia các cuộc đàm phán Mỹ - Triều năm 1994, lại định nghĩa thành công của hội nghị theo cách đơn giản hơn. Đấy là khi "không ai bỏ về trước bởi những điều phía kia nói hoặc làm. Không có ném đồ ăn và một thỏa thuận khái quát, nhất trí hướng tới tiếu tục đối thoại".

Các chuyên gia khác cũng đồng tình về việc hội nghị nên đưa ra một tuyên bố với mục tiêu rõ ràng và chương trình nghị sự dọn đường cho những cuộc đàm phán, thảo luận kế tiếp.

"Hội nghị cần phác thảo được một thỏa thuận xác định phi hạt nhân hóa phải là mục tiêu cuối cùng", Suzanne DiMaggio, giám đốc viện nghiên cứu New America ở Washington, cho hay.

Theo DiMaggio, người từng tham gia thảo luận với các quan chức Triều Tiên hồi cuối tháng ba ở Stockholm, Thụy Điển, Mỹ nên đặt mục tiêu cao nhất là soạn thảo những điều lệ nhằm đình chỉ hoạt động thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ở Triều Tiên, đồng thời thiết lập các văn phòng liên lạc tại Bình Nhưỡng và Washington. Những văn phòng kiểu này đóng vai trò như "bằng chứng thực sự về cam kết đối với quá trình phi hạt nhân hóa" và củng cố các kênh đối thoại.

Joel Wit, người 15 năm phụ trách các vấn đề liên quan đến kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí tại Bộ Ngoại giao Mỹ, đồng tình với ý tưởng về việc thiết lập những kênh liên lạc thường xuyên.

"Chúng ta cần liên tục trao đổi. Bạn không thể chỉ trao đổi định kỳ hay trao đổi gián đoạn nếu mọi chuyện thuận lợi. Nó cần phải liên tục", Wit nhấn mạnh và thêm rằng đôi bên cũng có thể thống nhất về các cuộc gặp cấp cao giữa quan chức hai nước trong tương lai.

Nhưng Wit lưu ý rằng Mỹ không nên đặt kỳ vọng quá cao trước các cuộc thảo luận sắp tới ở Singapore và cũng không nên đặt mục tiêu đạt được bất kỳ thỏa thuận mang tính kỹ thuật nào.

"Nếu bạn đề ra tiêu chuẩn thành công là phải có một thỏa thuận giải quyết các vấn đề liên quan đến vũ khí hóa học hay sinh học, bạn chắc chắn không thể thành công bởi họ sẽ không xử lý chúng ngay lập tức", Wit bình luận. "Tôi thấy tiêu chuẩn đó sẽ chỉ dẫn tới thất bại".

Rủi ro

Tổng thống Mỹ đã có những động thái nhằm tạo thêm không gian cho đội ngũ của ông đàm phán với Triều Tiên và giảm bớt những kỳ vọng về hội nghị. Trump giờ đây cho biết hội nghị chỉ là bước đầu tiên của nhiều điều phía trước.

"Tôi chưa bao giờ nói có thể giải quyết mọi chuyện chỉ sau một cuộc gặp. Tôi cho rằng nó phải là một quá trình nhưng mối quan hệ đang được xây dựng rất tích cực", Trump tuần trước tuyên bố.

Song chuyên gia cảnh báo chính quyền Trump không nên đưa ra quá nhiều đề xuất trên bàn thảo luận trước khi Triều Tiên có những hành động cụ thể. Victor Cha, cựu giám đốc ban châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho rằng Kim Jong-un sẽ muốn "cho đi ít nhất có thể" và "thu về nhiều nhất trong khả năng".

Một câu hỏi khác cũng thu hút không ít quan tâm hiện nay là Triều Tiên thực sự muốn gì từ hội nghị thượng đỉnh với Mỹ. Giới quan sát đánh giá Triều Tiên dường như đang đến với hội nghị trên thế thắng.

Joe Yun, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề Triều Tiên, nhận định Bình Nhưỡng không vì lo sợ yếu thế trước Washington hay vì mong muốn nhận được hỗ trợ kinh tế mà tham gia hội nghị. "Họ đến dựa trên sức mạnh và gieo nhận thức rằng Triều Tiên giờ đây đã trở thành một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Đó là lý do vì sao Mỹ muốn nói chuyện với họ, vì sao Donald Trump sẵn sàng gặp họ", Yun nhấn mạnh.

Theo ông, để chứng minh sự nghiêm túc của mình, Triều Tiên có thể thực hiện một số hành động như mở cửa các bãi thử hạt nhân cho thanh sát viên quốc tế hay cung cấp thông tin đầy đủ về tất cả những bãi thử hạt nhân và cơ sở sản xuất vật liệu phân hạch.

Mỹ cũng có thể đưa ra những phương án khiến Triều Tiên thích thú, chẳng hạn như một hiệp ước không xâm lược cung cấp đảm bảo về an ninh cho Triều Tiên, đồng thời giảm bớt các cuộc tập trận trong khu vực.

"Chúng ta có thể giảm bớt quy mô và mức độ các cuộc tập trận nhưng không giảm bớt hiện diện quân sự", DiMaggio từ viện nghiên cứu New America cho biết. "Vài năm qua, các cuộc tập trận được mở rộng, một phần nhằm cho Triều Tiên thấy rằng những lựa chọn quân sự vẫn chưa bị bỏ qua. Nhưng nay chúng ta đang trong giai đoạn đàm phán và nên giảm quy mô tập trận".

Nhưng theo giới quan sát, nếu các cuộc đàm phán vẫn được duy trì sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, vấn đề ngoại giao sẽ trở nên phức tạp.

"Tôi nghĩ thời điểm cam go nhất là khi chúng ta đạt đến bước xúc tiến đóng băng chương trình hạt nhân Triều Tiên bởi nó đòi hỏi một quá trình xác minh và thanh tra cụ thể tại hiện trường", DiMaggio giải thích.

Chuyên gia ước tính nếu muốn nắm được đầy đủ thông tin về chương trình hạt nhân Triều Tiên, cần tiến hành thanh tra khoảng 100 cơ sở.

Với những yếu tố vô cùng phức tạp phải xét đến, hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều thực sự tiềm ẩn nhiều rủi ro, giới phân tích nhận định.

"Tôi khá lo lắng trước kịch bản hội nghị thất bại dẫn tới những hành động quân sự", Joe Yun cho hay và thêm rằng ông hy vọng hai bên sẽ giữ được "cái đầu lạnh".

Theo Vũ Hoàng (VnExpress.net)