Thế giới

K-pop và giày thể thao - cuộc cách mạng văn hóa của ông Kim Jong Un

Sự xuất hiện của nhà máy sản xuất giày thể thao và vũ công mặc váy ngắn được cho là dấu hiệu thể hiện ông Kim Jong Un đang dần thay đổi tư tưởng để tạo nên cuộc cách mạng văn hóa.

Vũ công trong trang phục bốc lửa, nhà máy sản xuất giày thể thao với mẫu mã giống Air Jordan và phim truyền hình dài tập là những dấu hiệu đổi mới trong đời sống của người dân Triều Tiên thời gian gần đây. Ngay cả văn hóa nhạc pop, từ lâu vốn bị chỉ trích vì gợi nhắc đến thời kỳ đen tối trong quá khứ, cũng đang dần trở lại với diện mạo mới dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un, theo AP. 

Mọi vật dụng và khía cạnh của đời sống tại Triều Tiên, từ phim truyền hình và chương trình hoạt hình cho đến bao bì hàng tiêu dùng, đều được cải thiện đáng kể dưới thời ông Kim Jong Un. Tuy nhiên vẫn chưa thể khẳng định đây là nỗ lực bắt kịp Hàn Quốc hay dấu hiệu cho thấy nhà lãnh đạo Triều Tiên đã sẵn sàng chấp nhận các giá trị phương Tây. 

"Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là phải sản xuất được sản phẩm phù hợp với thị hiếu của người dân. Nhà lãnh đạo Kim Jong Un đáng kính đã hướng dẫn chúng tôi nghiên cứu các sản phẩm giày từ khắp nơi trên thế giới và học hỏi kinh nghiệm của họ", Kim Kyong Hui, đại diện nhà máy sản xuất giày Ryuwon, nói với AP và chỉ vào đôi giày tập bóng rổ cao cấp màu đỏ do Ryuwon sản xuất. 

K-pop và giày thể thao - cuộc cách mạng văn hóa của ông Kim Jong Un
Mẫu mã giày thể thao đa dạng được trưng bày tại nhà máy sản xuất giày Ryuwon của Triều Tiên. Ảnh: AP.

Nền điện ảnh "trở mình"

Cho đến nay, Triều Tiên vẫn là một trong những quốc gia khép kín nhất trên thế giới và chính phủ rất thận trọng trong việc thay đổi. Tuy nhiên nhà lãnh đạo Kim dường như muốn thử nghiệm cải cách trên vài khía cạnh.

Dấu hiệu cải thiện rõ ràng nhất là trên màn ảnh nhỏ. Khán giả Triều Tiên theo dõi kênh truyền hình chính của nhà nước - kênh duy nhất phủ sóng toàn quốc - hiện không còn phải xem bộ phim "Người đào nhân sâm hoang trong cuộc chiến Imjin" mỗi ngày. Đây là bộ phim lịch sử dài tập với bối cảnh cuộc chiến chống lại quân xâm lược Nhật Bản thế kỷ 16 trên bán đảo Triều Tiên.

Chủ đề chống Nhật được cho là không có gì mới mẻ tại Triều Tiên. Tuy nhiên, cũng với chủ đề tương tự, ông Kim đã ghi dấu ấn đầu tiên của mình với nền điện ảnh hoạt hình nước nhà khi làm sống lại bộ truyện tranh nổi tiếng trong quá khứ với tên gọi "The Boy General", ra mắt vào năm 2015. Lấy bối cảnh thời Koguryo khi quân Trung Quốc xâm lược, bộ phim có sức hút không thể cưỡng lại đối với người dân Triều Tiên. Trò chơi "The Boy General" dành cho điện thoại cũng được phát hành. Các tập phim mới dự kiến sắp ra mắt. 

Được phát sóng lần đầu vào tháng 7/2018, phim truyền hình dài tập và phim hoạt hình "The Boy General" là minh chứng mới nhất cho năng lực sản xuất phim chất lượng cao của Triều Tiên. Diễn xuất trong phim ngày càng trở nên hấp dẫn hơn, cốt truyện thu hút và trang phục được đầu tư công phu hơn so với trước.

Ngay cả thoại nhân vật bằng tiếng Nhật cũng được phát âm chính xác hơn, dù vẫn còn nặng giọng Triều Tiên. Bộ phim hoạt hình cũng sử dụng khéo léo hiệu ứng máy tính và trực quan ngang tầm với một số phim hoạt hình hay nhất thế giới. 

Những tiến bộ này phản ánh người dân Triều Tiên dưới thời ông Kim đang ngày càng quen thuộc với văn hóa ngoại nhập, mặc dù còn nhiều hạn chế như không được tự do xem phim ảnh, nghe nhạc, đọc sách và du lịch nước ngoài. 

K-pop và giày thể thao - cuộc cách mạng văn hóa của ông Kim Jong Un - 1
Poster quảng cáo phim được vẽ tay bên ngoài Trung tâm Điện ảnh Quốc tế tại Bình Nhưỡng. Ảnh: Mark Edward Harris.

Cách mạng trên nhiều lĩnh vực

Trong số đó, giới thượng lưu Triều Tiên đặc biệt không còn lạ lẫm với các sản phẩm từ thương hiệu nổi tiếng thế giói như Dior hay Sony, được bày bán trong các cửa hàng xa xỉ ở thủ đô Bình Nhưỡng. Trong khi đó, các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập thị trường cả nước. 

Xem phim Hàn Quốc hoặc nghe nhạc Hàn là bất hợp pháp. Tuy nhiên phim Ấn Độ lại trở nên phổ biến tại các rạp do nhà nước quản lý. Ví dụ, phim điện ảnh "Ba chàng ngốc", do Amir Khan thủ vai chính, gần đây được công chiếu tại rạp ngay gần quảng trường Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng. Chương trình giáo dục của Triều Tiên cũng giới thiệu đến học sinh phim tài liệu nước ngoài. Bộ truyện Harry Porter nổi tiếng cũng rất được yêu thích tại thư viện Nhân dân. 

Geoffrey See, người sáng lập Choson Exchange, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Singapore nhằm thúc đẩy cải cách ở Triều Tiên thông qua giáo dục, kinh doanh và pháp lý, cho rằng "cách tiếp cận của Triều Tiên với truyền thông nước ngoài nhằm 'hiện đại hóa' các sản phẩm truyền thông trong nước để có sức hấp dẫn và tính cạnh tranh, phục vụ cho thế hệ trẻ hiện không còn hứng thú với các sản phẩm cũ". "Đối với hàng tiêu dùng, nhà nước cũng khuyến khích nhập khẩu và sản xuất hàng nội địa nhiều hơn", ông cho biết thêm. 

K-pop và giày thể thao - cuộc cách mạng văn hóa của ông Kim Jong Un - 2
Nhóm nhạc quân đội Triều Tiên Moranbong biểu diễn tại Bình Nhưỡng năm 2015. Ảnh: AP.

Ngay từ khi bắt đầu nắm quyền vào cuối năm 2011, ông Kim Jong Un đã thành lập nhóm nhạc nữ Moranbong nhằm cải thiện nền âm nhạc nước nhà. Dù các thành viên nhóm nhạc đều là sĩ quan Quân đội Nhân dân Triều Tiên, họ đều mặc váy ngắn và để tóc ngắn thời trang khi biểu diễn. Moranbong đã phát hành hàng chục ca khúc được xuất hiện trên sóng truyền hình DVD và tổ chức nhiều tour diễn.

Vào tháng 2 năm ngoái, Triều Tiên đã cử các nhạc công hàng đầu nước này, bao gồm nhóm nhạc nữ 5 người diện quần soóc đen và áo đỏ, đến Hàn Quốc để biểu diễn trong Thế vận hội Mùa đông Pyeongchang. Hai tháng sau, nhà lãnh đạo Kim được nhìn thấy đang theo dõi nhóm nhạc Hàn Quốc Red Velvet biểu diễn tại Bình Nhưỡng. Đây chương trình ca nhạc K-pop đầu tiên tại Triều Tiên và được đón nhận nồng nhiệt. 

Tuy nhiên, các nhóm nhạc quân đội với những giọng ca được đào tạo bài bản, biểu diễn trong trang phục tryền thống "Choson-ot" vẫn là trụ cột của nền âm nhạc Bình Nhưỡng. Trong chuyến đi tới Bắc Kinh tháng trước, ông Kim cũng đưa nhóm nhạc quân đội theo biểu diễn với quân phục trang trọng. 

Hơn hết, điều quan trọng là chính quyền Triều Tiên không muốn tách rời âm nhạc khỏi chính trị. Khi nhóm nhạc từ Bắc Kinh trở về Bình Nhưỡng, ông Kim đã kêu gọi họ tiếp tục "các hoạt động nghệ thuật nguyên bản theo ý thức hệ của đảng", theo truyền thông nước này đưa tin. 

Theo Hương Ly (Tri Thức Trực Tuyến)