Thế giới

Italy rơi vào bế tắc chính trị sau bầu cử

Italy đang đối mặt với tình thế "nghị viện treo" sau khi không đảng nào giành được đa số ghế tối thiểu để lãnh đạo chính phủ trong cuộc bầu cử hôm 4/3.

Cuộc bầu cử ngày 4/3 tại Italy chứng kiến sự thất bại nặng nề của đảng cầm quyền cùng sự lên ngôi của các đảng dân túy và cực hữu, song không đảng nào đủ điều kiện để một mình lãnh đạo đất nước.

Theo CNN, đảng Five Star Movement (Năm Sao hay M5S) theo đường lối dân túy trở thành đảng đơn lẻ lớn nhất tại quốc hội với 32% phiếu bầu, sau kết quả kiểm phiếu mới nhất hôm 5/3. Tuy nhiên, liên minh cánh hữu gồm đảng League (Liên đoàn) và đảng Forza Italia (Tiến lên Italy) của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi giành được 37% số phiếu.

Italy rơi vào bế tắc chính trị sau bầu cử
Lãnh đạo M5S Luigi Di Maio (phải) và người thành lập đảng Beppe Grillo. Ảnh: AP.

Dù kết quả vẫn chưa ngã ngũ, cả hai đảng M5S và League đều tuyên bố họ đủ điều kiện lãnh đạo quốc gia Địa Trung Hải. M5S tuyên bố họ là người chiến thắng và lãnh đạo Luigi Di Maio nói đảng này có "trách nhiệm" thành lập chính phủ.

Lãnh đạo của League, Matteo Salvini, cũng nói họ có "quyền và nghĩa vụ" thành lập chính phủ sau thành công bất ngờ của đảng theo đường lối chống nhập cư. Đảng này được cho sẽ liên kết với Forza Italia, đảng trung hữu giành được ít phiếu hơn.

Trong khi đó, đảng Dân chủ cầm quyền của Thủ tướng Paolo Gentiloni chịu thất bại nặng nề khi không giành quá 20% số phiếu. Theo hãng tin Ansa của Italy, lãnh đạo đảng đồng thời là cựu thủ tướng, Matteo Renzi, đã quyết định từ chức hôm 5/3.

Italy rơi vào bế tắc chính trị sau bầu cử - 1
Lãnh đạo của League, Matteo Salvini . Ảnh: Reuters.

Với kết quả này, Tổng thống Sergio Mattarella sẽ cần phải chọn ra người mà ông tin tưởng nhất để thành lập chính phủ, mang lại sự ổn định đang rất cần thiết cho Italy.

Các nước Liên minh Châu Âu (EU) sẽ theo dõi sát sao quá trình đàm phán thành lập liên minh điều hành chính phủ tại Italy, nền kinh tế lớn thứ ba của khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), giữa lúc xu hướng chống đồng tiền chung đang trỗi dậy. League và M5S đều là các đảng chống EU.

Italy hiện là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất trong 19 nước thuộc khối Eurozone và được dự báo tiếp tục suy giảm trong năm tới. Kết quả bầu cử cho thấy cử tri đang "trừng phạt" các đảng truyền thống vì sự sa sút của nền kinh tế, thuế tăng cũng như làn sóng nhập cư trong những năm qua.

Theo Đông Phong (Tri Thức Trực Tuyến)