Thế giới

Indonesia xử bắn tử tội ma túy: Hà Lan và Brazil triệu hồi đại sứ

Trong sáu tử tội bị xử bắn ở Indonesia có một phụ nữ Việt Nam.

Trong sáu tử tội bị xử bắn ở Indonesia có một phụ nữ Việt Nam.

Rạng sáng 18-1 (giờ địa phương), Indonesia đã xử bắn sáu tử tội bị kết án buôn ma túy gồm năm người nước ngoài và một công dân Indonesia, trong đó có hai phụ nữ.

Báo Jakarta Post (Indonesia) đưa tin sáu tử tội gồm:

- Marco Archer Cardoso Moreira, 53 tuổi, người Brazil.

- Ang Kiem Soe, 52 tuổi, mang quốc tịch Hà Lan, sinh tại Indonesia.

- Namaona Denis, 48 tuổi, người Malawi.

- Daniel Enemuo, 38 tuổi, người Nigeria.

- Trần Thị Bích Hạnh, 37 tuổi, người Việt Nam.

- Rani Andriani, 38 tuổi, người Indonesia (nữ).

Năm tử tội bị kết án buôn ma túy, riêng Ang Kiem Soe bị kết án sản xuất thuốc lắc với quy mô lớn. Sáu tử tội bị kết án tử hình năm 2000-2011, đã làm đơn xin ân xá nhưng các đơn đều bị bác.

Trừ Trần Thị Bích Hạnh bị xử bắn tại huyện Boyolali (tỉnh Trung Java), năm tử tội còn lại bị xử bắn trên đảo Nusakambangan (tỉnh Trung Java).
 

Ngày 18-1, xe cứu thương đưa thi thể phạm nhân Hà Lan rời đảo Nusakambangan. Ảnh: AP


Hãng tin Antara News (Indonesia) đưa tin thi thể Trần Thị Bích Hạnh được hỏa thiêu tại lò thiêu Kedungmundu ở TP Semarang (tỉnh Trung Java).

Thi thể hai tử tội Brazil và Hà Lan được hỏa táng ở huyện Banyumas (tỉnh Trung Java). Thi thể tử tội Malawi được đưa về Jakarta còn thi thể tử tội Indonesia được đưa về chôn cất gần mộ mẹ ở tỉnh Đông Java.

Đây là đợt thi hành án tử hình đầu tiên từ khi Tổng thống Joko Widodo lên cầm quyền hồi cuối tháng 10-2014. Indonesia đã ngừng thi hành án tử hình năm năm và mới áp dụng trở lại hồi năm 2013.

Ngay sau vụ xử bắn nêu trên, Brazil và Hà Lan đã triệu hồi đại sứ ở Indonesia về nước.

Người phát ngôn của tổng thống Brazil tuyên bố Tổng thống Dilma Rouseff rất đau lòng và phẫn nộ. Người phát ngôn ghi nhận hình phạt tử hình, vốn bị thế giới lên án, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quan hệ hai nước.

Ngoại trưởng Hà Lan Bert Koenders cho biết Quốc vương Willem-Alexander và Thủ tướng Mark Rutte đã trao đổi với Tổng thống Joko Widodo, chính phủ cũng đã sử dụng các phương tiện có thể ở mức cao nhất, từ pháp lý, chính trị và ngoại giao, cả cấp độ song phương và châu Âu nhằm thuyết phục Indonesia hủy bỏ lệnh hành hình.

Cao ủy Đối ngoại Liên minh châu Âu Federica Moghenrini đã gây áp lực đề nghị Indonesia hủy lệnh hành hình. Bà mô tả hình phạt xử bắn của Indonesia là độc ác.

Về phía Indonesia, ngày 18-1, người phát ngôn Bộ Tư pháp tuyên bố các vụ xử tử phù hợp với luật pháp Indonesia.

Ông cảnh báo cuối năm nay, Indonesia sẽ tiến hành vụ xử bắn thứ hai. Trong danh sách xử bắn có một công dân Brazil tên Muxfeldt Gularte và hai công dân Úc Myuran Sukumaran, 34 tuổi và  Andrew Chan, 31 tuổi.
 

Ngày 18-1, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước sự kiện Indonesia thi hành án tử hình đối với công dân Việt Nam Trần Thị Bích Hạnh về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết: “Việt Nam kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển chất ma túy và cũng là quốc gia luôn tích cực hợp tác với các nước trong đấu tranh và phòng, chống các loại tội phạm về ma túy”.

Người phát ngôn cho biết từ khi Trần Thị Bích Hạnh bị bắt hồi tháng 6-2011 đến nay, lãnh đạo cấp cao, các cơ quan chức năng và đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đã nhiều lần trao đổi, làm việc, yêu cầu phía Indonesia bảo đảm quyền lợi chính đáng của công dân Việt Nam theo đúng quy định pháp luật và xem xét giảm án trên tinh thần nhân đạo. Các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đã thực hiện các biện pháp bảo hộ cần thiết đối với trường hợp này.

V.THỊNH

Đây là hình phạt tàn nhẫn và vô nhân đạo, có thể nói gọn là hành động thách thức mọi nhân phẩm không thể chấp nhận được.

Ngoại trưởng Hà Lan BERT KOENDERS
 
>> Phản ứng Việt Nam về việc Indonesia tử hình công dân Việt
>> Indonesia xử bắn người Việt buôn ma túy
 
Theo Duy Khang (Pháp Luật TPHCM)