Thế giới

Indonesia kết luận mảng núi lửa đổ sụp kích hoạt sóng thần

Sức tàn phá của sóng thần tấn công bờ biển Indonesia

Một mảng lớn của sườn núi lửa Anak Krakatau trượt xuống đại dương, gây ra đợt sóng thần tấn công bờ biển Indonesia.

Indonesia kết luận mảng núi lửa đổ sụp kích hoạt sóng thần
Khói bụi bốc lên sau khi núi lửa Anak Krakatau phun trào hôm 23/12. Ảnh: Reuters.

Dwikorita Karnawati, người đứng đầu cơ quan khí tượng Indonesia, nói rằng núi lửa Anak Krakatau đã phun tro và dung nham suốt nhiều tháng trước khi một mảng rộng 0,64 km2 ở sườn phía tây nam đổ sụp xuống biển, Reuters đưa tin. "Điều này gây ra lở đất dưới biển và cuối cùng kích hoạt sóng thần", Dwikorita nói, nhấn mạnh thêm rằng sóng thần ập vào bờ chỉ 24 phút sau đó. 

Những hình ảnh do vệ sinh Sentinel-1 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu chụp lại cũng cho thấy một mảng lớn trên sườn phía nam của núi lửa trượt xuống biển. "Khi rơi xuống đại dương, khối núi đó làm dịch chuyển bề mặt đại dương, gây ra dịch chuyển theo chiều dọc và kích hoạt sóng thần", Sam Taylor-Offord, một nhà địa chấn học tại Viện Khoa học GNS ở Wellington, New Zealand, nhận định.

Taylor-Offord cho biết vụ phun trào của núi lửa và "môi trường tiếng ồn cao" có thể là lý do vụ lở đất không được ghi nhận. Thực tế, sóng thần bị kích hoạt bởi núi lửa, không phải do động đất, có thể giải thích tại sao không có cảnh báo sóng thần nào được ban bố.

Những người dân sống ven biển khẳng định họ không nhìn thấy hoặc cảm thấy bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo thảm họa đang đến như động đất hay nước rút dọc bờ biển trước khi những đợt sóng cao tới 3 m ập vào bờ. Jose Borrero, chuyên gia về nguy cơ sóng thần tại Trung tâm Tư vấn Hàng hải eCoast, cho biết sóng thần do núi lửa tạo ra bí ẩn hơn sóng thần do động đất và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Trận sóng thần tràn vào các bãi biển ở Pandeglang, Serang và Nam Lampung thuộc eo biển Sunda khiến ít nhất 281 người thiệt mạng, 1.016 người bị thương và 57 người đang mất tích. Các chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra thêm sóng thần ở eo biển Sunda vẫn rất cao khi núi lửa Anak Krakatau đang trở nên bất ổn sau đợt phun trào mạnh và có thể tạo ra thêm nhiều trận lở đất dưới lòng biển.

Anak Krakatau (Con của Krakatao) là một trong 127 núi lửa hoạt động ở Indonesia, xuất hiện từ tàn tích của núi lửa Krakatoa và nổi lên khỏi mặt biển từ năm 1928. Núi cao khoảng 305 m, nằm ở ngoài khơi cách bờ biển phía tây đảo Java 80 km và bắt đầu hoạt động hồi tháng 6.

Theo Huyền Lê (VnExpress.net)