Thế giới

Hơn 10 giờ thương thuyết bất thành với khủng bố Bangladesh

Trước khi bị tiêu diệt, những kẻ tấn công đã sát hại 20 con tin, đa số là người Ý và người Nhật.

Trước khi bị tiêu diệt, những kẻ tấn công đã sát hại 20 con tin, đa số là người Ý và người Nhật.

Người dân Bangladesh bàng hoàng sau vụ khủng bố, bắt cóc con tin ngày 1-7 - Ảnh: Reuters
 
“Đây là một hành động tàn ác. Chính phủ sẽ quyết tâm loại trừ khủng bố và tấn công vũ trang tại Bangladesh - Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina

Đại tá Rashidul Hasan, người phát ngôn quân đội Bangladesh, cung cấp thông tin cho Reuters ngày 2-7.

Đại tá Rashidul Hasan cho hay vẫn chưa thể xác định chính xác quốc tịch của các nạn nhân, chỉ có thể tiết lộ rằng họ bị giết bởi những vũ khí sắc nhọn.

Trong khi đó, AP dẫn nguồn tin từ Chính phủ Ấn Độ cho biết trong số 20 con tin bị giết có công dân của các nước Ý, Nhật, Hàn Quốc, Bangladesh và một người Ấn Độ.

Hơn 10 giờ thương thuyết bất thành

Vụ việc xảy ra khoảng 21g20 giờ địa phương (tức 20g20 giờ Việt Nam) ngày 1-7. Khoảng 8 - 9 người có vũ trang xông vào nhà hàng Holey Artisan Bakery nằm trong khu ngoại giao đoàn ở thủ đô Dhaka.

Truyền thông Bangladesh trích lời các nhân chứng nói khi xảy ra vụ tấn công, họ đã nghe thấy những tiếng hô “Allahu Akbar” (“Thánh Allah vĩ đại”).

Shumon Reza, nhân viên nhà hàng Holey Artisan Bakery, cho biết ông đang làm việc thì cuộc tấn công xảy ra.

“Khách nằm rạp xuống sàn nhà, dưới bàn ghế, còn chúng tôi cố gắng tháo chạy” - ông Reza nói với truyền thông của Bangladesh và cho biết không lâu sau đó, những kẻ tấn công kích hoạt thuốc nổ. Ông Reza kịp chạy lên mái nhà và nhảy xuống.

Ngay lập tức, cảnh sát Bangladesh có mặt tại hiện trường. Những cuộc đấu súng quyết liệt đã xảy ra khiến 2 cảnh sát thiệt mạng và khoảng 30 người bị thương trong đêm 1-7. Quân đội và biên phòng Bangladesh cũng được huy động tăng cường cho cảnh sát.

Tới khoảng 9g30 ngày 2-7, sau hơn 10 giờ thương thuyết bất thành, cảnh sát Bangladesh cùng đặc nhiệm quyết định tấn công vào nhà hàng để giải cứu con tin. Các nhân chứng cho biết cuộc đấu súng diễn ra dữ dội trong khoảng một giờ mới kết thúc.

Phát biểu tại cuộc họp báo ngay sau đó, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina cho biết lực lượng đặc nhiệm đã cứu thoát 13 con tin, tiêu diệt 6 kẻ khủng bố và bắt sống 1 tên.

Giới chức Nhật và Sri Lanka xác nhận trong số những người được giải cứu mỗi nước có một công dân. Theo ông Koichii Hagiuda - phó chánh Văn phòng nội các Nhật Bản, người Nhật được giải cứu là một trong những thực khách của nhà hàng.

Thời điểm vụ tấn công xảy ra, người này đang ăn tối với 7 đồng nghiệp người Nhật. Những người này hiện vẫn đang mất tích. Còn báo chí Ý cho hay thời điểm xảy ra vụ việc có 7 công dân Ý đang ngồi trong nhà hàng.

Bóng ma IS

Mặc dù tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đứng ra nhận trách nhiệm vụ bắt cóc con tin, nhưng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng còn quá sớm để khẳng định điều này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ John Kirby nói Washington đang đánh giá các thông tin.

IS đã nhiều lần lên tiếng nhận trách nhiệm đối với hàng loạt vụ tấn công gần đây ở Bangladesh, nhưng Dhaka luôn phủ nhận sự xuất hiện của tổ chức khủng bố này tại Bangladesh.

“Đây là lần đầu tiên kiểu tấn công này xuất hiện tại Bangladesh, trước đây chỉ có những vụ giết người riêng lẻ” - Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina nói.

Giám đốc an ninh quốc tế thuộc Quỹ châu Á - Thái Bình Dương Sajjan Gohel nhận định IS đã không ít lần đề cập tới Bangladesh trên Dabiq - tạp chí trực tuyến của tổ chức này.

“Chúng từng nói rằng chúng sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công để làm nóng tình hình” - ông Gohel tiết lộ.

Trong khi đó, một quan chức Mỹ chia sẻ với CNN rằng căn cứ vào các vụ tấn công trước đây thì nhiều khả năng lực lượng al Qaeda là tác giả vụ này.

Vị này nhận định al Qaeda đã chứng tỏ sự hiện diện nổi trội của mình hơn IS trong nhiều tháng gần đây và cho tới nay, các vụ tấn công nhằm vào Bangladesh đều diễn ra ở thành phố.

Là quốc gia với gần 150 triệu người Hồi giáo nhưng Bangladesh đã tránh được tình trạng cực đoan về tôn giáo.

Tuy nhiên trong 2 năm gần đây, một làn sóng giết chóc bùng phát ở quốc gia này, cướp đi sinh mạng của nhiều học giả, nhà văn và các thủ lĩnh tôn giáo thiểu số. Tháng 6-2016, chính quyền đã mở chiến dịch tấn công vào các nhóm khủng bố, bắt giữ hơn 11.000 người.

Theo N.Huy (Tuổi Trẻ)